Công đoàn Việt Nam – 93 năm, một chặng đường vẻ vang  

Cách đây 93 năm, dưới sự lãnh đạo của Đông dương cộng sản Đảng, ngày 28-7-1929 tại số nhà 15 Hàng Nón -Hà Nội, Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ (tiền thân của tổ chức Công đoàn Việt Nam) chính thức được thành lập. Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Tổng Công hội Đỏ bấy giờ gồm 06 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Ủy viên Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng đứng đầu. Sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ là mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam.

Đó vừa là kết quả tất yếu của sự trưởng thành về chất lượng của phong trào công nhân nước ta, vừa là thắng lợi của đường lối công vận của Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng Sản Đông Dương, đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu cấp thiết về tổ chức của phong trào công nhân Việt Nam. Kể từ đây, giai cấp công nhân (GCCN) Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, đứng ra dẫn dắt phong trào.

 Lịch sử đã chứng minh và khẳng định rằng sự nghiệp của Công đoàn gắn liền với sự nghiệp vẻ vang oanh liệt của Đảng và nhân dân Việt Nam ta.

Qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam có nhiều tên gọi khác để phù hợp với nhiệm vụ của từng giai đoạn: Công hội đỏ (1929 -1935), Nghiệp đoàn Ái hữu (1936 – 1939), Hội Công nhân phản đế (1939 -1941), Hội Công nhân cứu quốc (1941 -1946), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1946 – 1961), Tổng Công đoàn Việt Nam (1961 – 1988) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ 1988 đến nay. Cho dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, Công đoàn Việt Nam luôn phát huy vai trò, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ góp phần to lớn vào thắng lợi cách mạng Việt Nam.

Trong những ngày đầu, đứng trước hoàn cảnh khó khăn, Công đoàn đã tập hợp giáo dục công nhân đấu tranh chống phong kiến, thực dân, đòi quyền dân sinh, dân chủ và đã góp phần to lớn vào cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945. Qua chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), tổ chức Công đoàn đã động viên công nhân lao động vượt khó khăn ra sức thi đua sản xuất, kháng chiến kiến quốc cùng dân tộc làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Từ năm 1954 đến năm 1975, đất nước tạm thời bị chia làm hai miền, Công đoàn đã vận động đoàn viên, công nhân lao động đẩy mạnh sản xuất, xây dựng và bảo vệ miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Mùa Xuân năm 1975, phong trào đấu tranh sôi nổi, quyết liệt của nhân dân cả nước, mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, tổ chức Công đoàn nước ta đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng phát triển và lớn mạnh như ngày hôm nay.

Bước vào thời kỳ thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập văn hóa, kinh tế thế giới, Công đoàn đã chú trọng đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích, hợp pháp chính đáng của người lao động; tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước đã thu hút và tạo động lực mạnh mẽ khơi dậy tiềm năng trí tuệ của đoàn viên, người lao động. Vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam không ngừng phát triển, mở rộng đặc biệt là trong giai đoạn đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tác động lên các lĩnh vực:

* Trong lĩnh vực chính trị: Công đoàn có vai trò to lớn trong việc góp phần xây dựng và nâng cao hiệu quả của hệ thống chính trị - xã hội xã hội chủ nghĩa. Tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân, bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động, từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực thi pháp luật và để Nhà nước thực sự là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Để đảm bảo sự ổn định về chính trị.

* Trong lĩnh vực kinh tế: Công đoàn tham gia xây dựng hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế nhằm xoá bỏ quan liêu, bao cấp, củng cố nguyên tắc tập trung trên cơ sở mở rộng dân chủ. Góp phần củng cố những thành tựu kinh tế văn hoá và khoa học kỹ thuật đã đạt được trong những năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành phần kinh tế trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, liên kết và hỗ trợ các thành phần kinh tế khác phát triển có lợi cho quốc kế dân sinh. Đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, từng bước đưa kinh tế tri thức vào Việt Nam, góp phần nhanh chóng hội nhập với khu vực và thế giới. Đặc biệt, trong điều kiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, việc đẩy mạnh hoạt động của các thành phần kinh tế vẫn đảm bảo cho kinh tế quốc doanh giữ vị trí then chốt, đóng vai trò chủ đạo.

* Trong lĩnh vực văn hoá - tư tưởng: Trong nền kinh tế nhiều thành phần Công đoàn phát huy vai trò của mình trong việc giáo dục công nhân, viên chức và lao động nâng cao lập trường giai cấp, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động, phát huy những giá trị cao đẹp, truyền thống văn hoá dân tộc và tiếp thu những thành tựu tiên tiến của văn minh nhân loại góp phần xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

* Trong lĩnh vực xã hội: Công đoàn có vai trò trong tham gia xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh cả về số lượng và chất lượng, không ngừng nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, tính tổ chức kỷ luật, trình độ văn hoá, khoa học kỹ thuật, có nhãn quan chính trị, thực sự là lực lượng nòng cốt của khối liên minh công - nông - trí thức, làm nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân, là cơ sở vững chắc đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng và tăng cường sức mạnh của Nhà nước.

Đánh giá về vai trò của tổ chức Công đoàn, các Nghị quyết của Đảng đã khẳng định: “Công đoàn đã làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với công nhân lao động; tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Trải qua chặng đường 93 năm hình thành hình thành phát triển, Công đoàn Việt Nam luôn trung thành với lý tưởng của Đảng, lợi ích của dân tộc, quyền lợi của giai cấp công nhân và người lao động, vì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn giữ vững vị trí là trung tâm đoàn kết của công nhân lao động, là người đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng, cùng Nhà nước chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động.

Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của giai cấp công nhân, của Công đoàn Việt Nam và kinh nghiệm hoạt động trong 93 năm qua, đặc biệt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ và phối hợp của Chính phủ và Quốc hội cũng như các Ban, Bộ, Ngành, các địa phương, tin tưởng rằng, các cấp Công đoàn sẽ khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, xây dựng giai cấp công nhân và Công đoàn ngày càng vững mạnh, xứng đáng là tổ chức đại diện cho người lao động, là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới; xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Minh Huyền

681 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 913
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 913
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87026541