Công đoàn Quảng Trị: Đổi mới để phù hợp với tình hình mới 

Trải qua 91 năm với những trang sử vẻ vang tự hào, cùng với giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Quảng Trị đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và công cuộc đổi mới xây dựng quê hương, đất nước.

Đảng quyết định triệu tập đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ - tổ chức tiền thân của Công đoàn Việt Nam ngày nay. Sự kiện này là mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam. Kể từ đây, giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo công nhân lao động.

Cùng với sự ra đời của tổ chức Công đoàn Việt Nam, tại tỉnh Quảng Trị, cuối năm 1929, các Công hội Đỏ ở thị xã Quảng Trị, thị xã Đông Hà... được thành lập, bước đầu đi vào hoạt động trong lực lượng thợ thuyền, đồn điền, nhà máy, công sở... Trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn tỉnh Quảng Trị đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và công cuộc đổi mới xây dựng quê hương, đất nước.

Đến nay, Công đoàn toàn tỉnh tập hợp trên 40.000 đoàn viên trong tổng số gần 60.000 lao động trong các thành phần kinh tế. Trình độ học vấn, tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật của CNVCLĐ được nâng lên. Hệ thống tổ chức Công đoàn Quảng Trị từng bước được kiện toàn và đổi mới. Hoạt động của các cấp công đoàn luôn được đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.

          Chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, người lao động ngày càng được phát huy thông qua việc chú trọng phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động, kịp thời kiến nghị đơn vị, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng giải quyết đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động về chế độ BHXH, tiền lương, thời gian, điều kiện làm việc, ATVSLĐ …; thực hiện tốt công tác hướng dẫn thương lượng, ký kết TƯLĐTT trong doanh nghiệp, đến nay, 100% TƯLĐTT đều có các điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật; vận động các doanh nghiệp hỗ trợ và nâng cao chất lượng “bữa ăn ca”, góp phần nâng cao sức khỏe cho công nhân lao động; thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại giữa người lao động với chủ doanh nghiệp và các cơ quan chức năng nhằm giải quyết những vướng mắc phát sinh, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà ổn định, tiến bộ, đồng hành cùng với doanh nghiệp, đảm bảo việc làm, đời sống cho người lao động; hoạt động tư vấn pháp luật được đẩy mạnh; chủ động phối hợp thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức hội nghị cán bộ công chức, hội nghị người lao động phát huy được quyền làm chủ của CNVCLĐ. Huy động được nhiều nguồn lực để chăm lo cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn lao động, giảm sâu thu nhập do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19…; chương trình “Mái ấm công đoàn”, xây nhà công vụ cho cán bộ, đoàn viên vùng sâu vùng xa, quỹ “Hỗ trợ đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn” thu hút đông đảo đoàn viên người lao động hưởng ứng tham gia, qua đó đã giúp đỡ hàng chục ngàn lượt đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống…

Các phong trào thi đua yêu nước do công đoàn phát động tạo được động lực mạnh mẽ thúc đẩy đoàn viên, người lao động hăng say lao động, cống hiến. Quan tâm phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước; công tác xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh gắn với việc phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của tổ chức công đoàn, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh được thực hiện hiệu quả. Công tác tuyên truyền, giáo dục có nhiều chuyển biến, đổi mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, mạng xã hội trong công tác tuyên truyền.

Nhiều chương trình lớn đem lại hiệu quả, tạo dấu ấn, sức lan toả lớn trong xã hội, được các cấp ủy đảng, chính quyền và CNVCLĐ ghi nhận, đánh giá cao như: Chương trình “Tết sum vầy”, “Tháng Công nhân”,  Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp – xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, Chương trình phúc lợi đoàn viên...

Những chặng đường đã qua với những kết quả đạt được của các cấp công đoàn Quảng Trị là đáng trân trọng và tự hào, đây cũng là nền tảng vững chắc cho phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn trong giai đoạn mới.

 Thời gian tới, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với việc Việt Nam thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là các cam kết về lao động và công đoàn trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA), cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, hình thành các khu công nghiệp lớn của tỉnh Quảng Trị… đang mở ra nhiều cơ hội mới về giải quyết việc làm và nâng cao trình độ người lao động nhưng cũng đặt ra cho tổ chức Công đoàn không ít khó khăn thách thức - những thách thức chưa từng có trong lịch sử. Đó là khó khăn, áp lực lớn phải cạnh tranh với tổ chức đại diện người lao động khác; là đòi hỏi cao về năng lực của công đoàn cơ sở doanh nghiệp trong đối thoại, thương lượng tập thể, xây dựng quan hệ lao động hài hòa - ổn định – tiến bộ khi Nhà nước không can thiệp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp…Trong lúc đó, cán bộ công đoàn cơ sở chủ yếu kiêm nhiệm, lại thường xuyên biến động, kiến thức về chính sách, pháp luật và kỹ năng hoạt động công đoàn còn hạn chế, kỹ năng thương lượng, đối thoại chưa đáp ứng yêu cầu. Mặt khác, công nghệ sản xuất của doanh nghiệp tỉnh ta còn lạc hậu, năng suất lao động thấp, trình độ tay nghề, tác phong công nghiệp của công nhân lao động còn hạn chế; việc thực thi các chế độ chính sách cho NLĐ đang còn là vấn đề bức xúc; dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và việc làm, đời sống của người lao động. Trước bối cảnh đó, đòi hỏi các cấp công đoàn phải tiếp tục nỗ lực mạnh mẽ, phát huy tối đa nội lực, quyết tâm đổi mới để đáp ứng được yêu cầu đặt ra, bằng việc thực hiện những nhiệm vụ  trọng tâm sau:

- Trước hết, các cấp công đoàn từ tỉnh đến cơ sở phải nhận thức sâu sắc về những thách thức của tổ chức công đoàn trong giai đoạn mới. Hoạt động công đoàn hiện nay phải hướng tới chức năng cơ bản, cốt lõi của tổ chức công đoàn, công đoàn phải đem lại lợi ích cho đoàn viên và phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.

- Đổi mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn. Hướng mạnh về cơ sở, lấy công đoàn cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy đoàn viên để xác định nhiệm vụ trọng tâm của mỗi cấp công đoàn; đổi mới phương thức hoạt động, chuyển phương thức chỉ đạo sang hướng dẫn, hỗ trợ; chuyển dần từ hướng dẫn bằng văn bản hành chính sang tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp với tinh thần “công đoàn cấp trên phục vụ công đoàn cấp dưới” “cán bộ công đoàn phục vụ đoàn viên, người lao động”.

Đối với công đoàn khu vực hành chính sự nghiệp, tập trung nâng cao trình độ đội ngũ, ý thức công vụ, phát động và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước gắn với nhiệm vụ chính trị từng cơ quan đơn vị và cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành – Trách nhiệm – Liêm chính – Sáng tạo”, phát huy quyền làm chủ của cán bộ công chức viên chức.

Đối với công đoàn khu vực doanh nghiệp, tập trung cho công tác thương lượng ký kết thoả ước lao động tập thể, đối thoại, mang lại lợi ích thiết thực, cụ thể cho đoàn viên, người lao động về phúc lợi, điều kiện lao động, học tập, nghỉ ngơi…, chú ý làm tốt công tác bảo hộ lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, đảm bảo sức khỏe cho đoàn viên; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên khi bị xâm phạm; tham gia giải quyết có hiệu quả những vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động và phát động các phong trào nâng cao năng suất, lao động sáng tạo; chủ động phối hợp với người sử dụng lao động quan tâm đào tạo, đào tạo lại để công nhân lao động có thể tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật và tri thức mới, nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân lao động.

- Chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ, năng lực, và phẩm chất cán bộ công đoàn các cấp, nhất là cán bộ công đoàn chuyên trách – đây là yếu tố quyết định chất lượng và hiệu quả hoạt động công đoàn trong giai đoạn mới.

- Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở song song với việc nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở ; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp tạo điều kiện của các cấp chính quyền, ban ngành liên quan để làm tốt công tác tuyên truyền vận động.

Tin tưởng rằng, phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của tổ chức Công đoàn và những kết quả đạt được trong những năm qua, CNVCLĐ và các cấp công đoàn tỉnh nhà sẽ nêu cao ý chí tự lực tự cường, tiếp tục nỗ lực phấn đấu, quyết tâm vượt qua khó khăn thách thức, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11/NQ-TU của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIV về “Xây dựng giai cấp công nhân, đội ngũ công chức, viên thức và tổ chức Công đoàn tỉnh Quảng Trị thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”, góp phần xây dựng quê hương Quảng Trị đẹp giàu./. Nguyễn Thế Lập

368 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1387
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1387
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87112916