Công đoàn Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với hoạt động “Mỗi tháng giới thiệu một cuốn sách”, góp phần lan tỏa “văn hóa đọc” 

Từ tháng 7/2020, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị đã đưa nội dung “Mỗi tháng giới thiệu một cuốn sách” vào chương trình chào cờ vào sáng thứ hai tuần đầu tháng . Theo đó, sau lễ chào cờ và sinh hoạt tư tưởng dưới cờ là phần giới thiệu một cuốn sách hay đã đọc trong tháng do một cán bộ, công chức chuẩn bị và trình bày.

  Công việc này, hoàn toàn tự nguyện cũng như đọc sách là yêu cầu tự thân của mỗi người trong cuộc sống, công tác; chính vì vậy ngay từ đầu năm, tùy theo điều kiện và việc sắp xếp công việc hợp lý các thành viên đăng ký với BCH Công đoàn để được giới thiệu nội dung cuốn sách mà mình tâm đắc nhất. Mỗi tháng một người, mỗi năm có 12 người cứ như thế luân phiên nhau.

Mặc dù, thời gian chưa đủ 3 năm, trong đó có gần 1 năm bị gián đoạn bởi COVID-19 không tổ chức sinh hoạt tập thể, nhưng đến tháng 4/2023 đã có 18 lượt/25 công chức đã giới thiệu sách. Nội dung các cuốn sách được giới thiệu đa dạng phong phú, đó có thể là  kỷ yếu của một cuộc hội thảo, đó có thể là những tác phẩm văn học, tiểu thuyết lịch sử, sách chuyên khảo, hay một tập thơ… nhưng tựu trung đó là những tác phẩm hay “vang bóng một thời” và gần với công việc của những người làm công tác trên mặt trận tư tưởng-văn hóa. 

Các Mác nhà tư tưởng vĩ đại của giai cấp vô sản, nhà khoa học kiệt xuất, thiên tài vĩ đại của nhân loại đã từng nói “Sách là nô lệ của tôi nhưng cũng là thầy của tôi”. V.I Lênin khẳng định: “Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội”. Với nhà văn Pháp Rômanh Rô Lăng ông coi “…quyển sách làm vũ khí tinh thần, vật chất sáng ngời trong tay, chúng ta chiến đấu cho tự do, hạnh phúc của loài người”; “Sách là người bạn tốt nhất của tuổi già, đồng thời là người chỉ dẫn tốt cho tuổi trẻ” đó là câu nói của XX Mai cơ. Còn nhà văn U.Sêch-xpia:“Đối với tôi sách quý hơn ngai vàng”. Bởi vậy, mà có người còn quả quyết rằng: Sách báo là một trong ba người thầy vĩ đại nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Sách báo đã gắn bó với con người qua hàng ngàn năm lịch sử và cho đến tận hôm nay nó vẫn là nguồn sống quý giá nhất mà không có món ăn tinh thần nào có thể sánh được; “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng, chẳng bằng kinh sử một vài pho” [1].

Với ý nghĩa đó, Đảng ta đã yêu cầu “Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là các cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải có kế hoạch thường xuyên học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn. Học tập là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi cán bộ, đảng viên và phải được quy định thành chế độ. Lười học tập, lười suy nghĩ, không thường xuyên tiếp nhận những thông tin mới, những hiểu biết mới, cũng là biểu hiện của sự suy thoái”[2]; Có hình thức phù hợp để đảng viên, đoàn viên và nhân dân thưòng xuyên đọc, nghiên cứu báo và tạp chí của Đảng, hiểu rõ, nắm vững và thực hiện có hiệu quả đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước.”[3] . Điều đó, đã nói lên vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa đọc trong đời sống xã hội và trong toàn bộ hoạt động văn hóa.

Chúng tôi được biết: mỗi ngày nước Anh trung bình có 330 đầu sách được phát hành; nước Đức 80.000 và các nước Tây Ban Nha, Italia, Pháp mỗi nước có từ 60- 70.000 đầu sách. Con số này ở Mỹ là 150.000, doanh thu từ sách 26 tỷ USD và còn tiếp tục tăng [4]. Ở Việt Nam, tính đến cuối năm 2020, cả nước có 59 nhà xuất bản, đã xuất bản 36.218 xuất bản phẩm, trong đó sách in 32.158; xuất bản phẩm thuộc dạng điện tử 2.050; các loại xuất bản phẩm khác (2.010) như: đĩa DVD, tranh ảnh, bản đồ, lịch các loại…Tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người đạt 4,1 bản/ người/ năm. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau nên trong thực tế có một bộ phận không nhỏ người dân chưa trọng sách, thiếu ham mê đọc sách. Đây cũng là vấn đề được bàn, nếu không nói chưa bao giờ được bàn nhiều như hiện nay.

Hẳn ai cũng còn nhớ, thời chiến tranh “bom rơi, đạn lửa” sách báo đâu phải nhiều như hiện nay nhưng phong trào đọc sách không phải vì thế mà lắng xuống. Hay trong những năm đất nước còn khó khăn, nhưng việc chuyền sách cho nhau đọc vẫn là nét đẹp thường ngày. Không hiếm những cuốn sách được bạn đọc “gối đầu giường” và thâu đêm cùng sách. Vậy mà ngày nay, có thể sách ít nhưng chưa đến nỗi phải không có để đọc; có điều, một số người dần quên thói quen đọc sách, ngại đọc sách là một thực tế.

Gần đây, tại cuộc Hội thảo “Người Việt có mê đọc sách” do Sachhay.com tổ chức tại Hội sách Thành phố Hồ Chí Minh với sự có mặt và tham gia của nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, xuất bản, truyền thông và đại diện sinh viên…đã cảnh báo tình trạng đọc sách hiện nay đang suy thoái. Vì vậy, hầu hết những ý kiến trong hội thảo đều mong muốn gây dựng lại nền văn hóa đọc nơi người Việt, xây dựng lại xã hội đọc sách ở nước ta. Nhiều thông điệp được đưa ra tại Hội thảo như “Hãy chỉ cho con em mình đường đến với sách” và không quên đề nghị nên có một ngày tòan dân đọc sách-Tết đọc sách của Người Việt.

Trong bối cảnh đó, việc Công đoàn Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị phát động cán bộ, công chức đọc sách và giới thiệu nội dung sách thông qua chương trình “Mỗi tháng một cuốn sách” là việc làm đáng trân trọng và cần được lan tỏa, nhân rộng. Trí Ánh

 

[1] Nhà bác học Lê Quý Đôn

   [2] . Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội  đại biểu Toàn quốc lần thứ VIII , NXB Chính trị Quốc gia (1996), tr 140, 141

   [3]. Chỉ thị 11-CT/TW ngày 28/12/1996 của Bộ Chính trị

 

  [4]  Số liệu đến năm 2002,

1156 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 933
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 933
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87130549