Chiều 30/12, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) và công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 2.700.
Hội nghị có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng; lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương...
Tích hợp dịch vụ công vượt 9% so với chỉ tiêu Chính phủ giao
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, ngày 9/12/2019, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Cổng DVCQG được chính thức khai trương đưa vào vận hành, đến thời điểm này vừa tròn 1 năm 20 ngày.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, với sự chung tay của các Bộ, ngành, địa phương, Cổng DVCQG đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, thể hiện Chính phủ phục vụ, lấy đối tượng là người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Đến nay, Cổng DVCQG đã tích hợp đăng nhập một lần với tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ và 63/63 địa phương trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.
|
Hội nghị sơ kết 1 năm vận hành Cổng DVCQG và công bố dịch vụ công trực tuyến
thứ 2.700. Ảnh: TL.
|
Đã có 84 bộ, ngành, cơ quan, địa phương tích hợp, đồng bộ trạng thái hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, trong đó có 19 bộ, cơ quan ngang bộ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và 63/63 địa phương.
Từ 8 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp tại thời điểm khai trương, đến nay, số thủ tục hành chính đã được các bộ, ngành, địa phương tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG là 2.700/ 6.790 thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, doanh nghiệp. đạt 39% so với tổng số thủ tục hành chính của cả nước.
Đến nay, số dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG vượt 9% so với chỉ tiêu được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020, tăng gấp 14,8 lần so với tháng 3/2020.
Đồng thời, để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, các dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch cũng được Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Văn phòng Chính phủ kịp thời tái cấu trúc quy trình, cung cấp trên Cổng DVCQG.
Tổng chi phí tiết kiệm khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG từ khi khai trương đến nay là khoảng 7.995 tỷ đồng/năm.
Sau hơn 9 tháng triển khai, hiện nay, Cổng DVCQG đã có 54/63 địa phương (85,6%), 14 bộ, ngành, cơ quan (67,7%) hoàn thành kết nối với hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công Quốc gia và đang tiếp tục triển khai với các bộ, ngành, địa phương khác. Số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công Quốc gia có sự tăng trưởng cao, đến nay đã có trên 48.000 giao dịch thanh toán trực tuyến.
Thêm 4 dịch vụ công mới, tiết kiệm 1.376 tỷ đồng/năm
Cũng trong chiều hôm nay đã đánh dấu sự kiện công bố thêm 4 dịch vụ công mới tích hợp trên Cổng DVCQG: "Thanh toán nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân"; "Cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng"; "Cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ"; "Kê khai, nộp lệ phí trước bạ và cấp đăng ký, biển số xe nhập khẩu".
Chỉ tính riêng chi phí tiết kiệm tăng thêm do Cổng DVCQG đóng góp khi tích hợp, cung cấp thêm 4 dịch vụ công mới giúp tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 1.376 tỷ đồng/năm.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: HT. |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương những kết quả của Cổng DVCQG, Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành, với sự giúp đỡ các tổ chức quốc tế, sự tham gia, góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, người dân… Đồng thời, Phó Thủ tướng cho rằng nhìn lại 1 năm, nhìn lại những việc đã làm, để xác định quyết tâm mạnh mẽ hơn, đẩy nhanh tiến độ nhằm phục vụ người dân tốt hơn trong thời gian tới.
Muốn vậy, cần đẩy nhanh việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quan trọng của quốc gia, hình thành thói quen của cán bộ, công chức, viên chức trong xây dựng cơ sở dữ liệu nhánh của các bộ ngành, địa phương, đơn vị mình. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ, tiếp tục chuẩn hóa thông tin, dữ liệu TTHC trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, mã hồ sơ trên hệ thống một cửa điện tử bảo đảm công khai, minh bạch; bảo đảm ổn định, an ninh, an toàn của hệ thống; thúc đẩy tăng các dịch vụ công mức độ 4…
Phó Thủ tướng nêu rõ phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn các nền tảng, công cụ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân với nhà nước, giữa người dân với nhau, mà còn là công cụ hữu hiệu để phòng chống tham nhũng./.