|
Toàn cảnh phiên họp |
Trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, với sự quyết tâm cao, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán trên cơ sở thực hiện các giải pháp đột phá về siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng đội ngũ, kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức, không ngừng đổi mới phương pháp, cách thức kiểm toán; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhất là giáo dục về phẩm chất liêm chính, bản lĩnh, văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, lối sống, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.
Công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán có nhiều đổi mới cả về nội dung và cách thức tổ chức thực hiện, chất lượng ngày càng được nâng cao, bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, các lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm, có rủi ro cao về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo hướng ngày càng khoa học, minh bạch và công khai.
Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, trong nhiệm kỳ 2016-2021, số kiến nghị về xử lý tài chính của KTNN đã được các đơn vị thực hiện là 237.578 tỷ đồng, đạt 73,6% tổng số kiến nghị; có 136/786 văn bản đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.
Thẩm tra báo cáo nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, KTNN đã từng bước khẳng định được vị thế là cơ quan kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật và là công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách cơ bản nhất trí với những nhận định, đánh giá được nêu trong Báo cáo của KTNN và cho rằng Báo cáo đã thể hiện tương đối đầy đủ kết quả đạt được trong hoạt động của Kiểm toán nhà nước.
Trong nhiệm kỳ, công tác xây dựng và quyết định kế hoạch kiểm toán có nhiều tiến bộ, ngày càng công khai, minh bạch, bám sát chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. KTNN đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh việc lập kế hoạch kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu, quan tâm để xác định chi tiết danh mục các đơn vị, đầu mối, dự án được kiểm toán trong kế hoạch kiểm toán năm. Kế hoạch kiểm toán đã tập trung vào các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, phù hợp với điều kiện, năng lực của KTNN.
Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách đánh giá cao những nỗ lực của KTNN trong việc đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN; tích cực trong việc triển khai thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán, chất lượng công tác kiểm tra thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong việc đôn đốc thực hiện các kiến nghị kiểm toán... Tỉ lệ thực hiện kiến nghị xử lý tài chính giai đoạn 2016-2020 có tiến bộ, cao hơn nhiều so với giai đoạn trước, các năm đều đạt từ 71% đến 75%.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách cũng chỉ rõ, tỉ lệ thực hiện kiến nghị về xử lý tài chính có tăng nhưng vẫn còn nhiều kiến nghị chưa được thực hiện. Số lượng các kiến nghị liên quan đến hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung văn bản được thực hiện chưa nhiều, mới chỉ có 136 văn bản được bổ sung trong tổng số 786 văn bản KTNN kiến nghị, thấp hơn so với tỷ lệ thực hiện của nhiệm kỳ trước.
Do đó, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị, KTNN cần báo cáo rõ hơn các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến tỉ lệ thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN chưa cao; đề xuất giải pháp cụ thể để xử lý triệt để. Trường hợp cần thiết cần tổng hợp danh sách các đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời kiến nghị kiểm toán, đề xuất phương án xử lý để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận, KTNN đã thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Kiểm toán việc quản lý sử dụng tài chính, tài sản công là một trong những công cụ quan trọng góp phần phòng, chống tham nhũng.
KTNN cũng đã chủ động phối hợp hiệu quả với Thanh tra Chính phủ trong quá trình hoạt động. Các số liệu, nhận định, báo cáo của KTNN trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được các đại biểu Quốc hội tin tưởng và xem đây là cơ sở để xem xét, quyết định các vấn đề liên quan.
Nguyễn Hoàng