LPI là từ viết tắt của Logistics Performance Index (Chỉ số Hiệu quả Logistics). Đây là một chỉ số do Ngân hàng Thế giới đưa ra để xếp hạng hiệu quả, năng lực hoạt động logistics của các quốc gia. Chỉ số này được xác định hai năm một lần, vào các năm chẵn.
Ảnh minh họa (Nguồn: K.D)
Cho đến nay đã có 6 lần xếp hạng LPI trong các năm 2007, 2010, 2012, 2014, 2016 và 2018. Chỉ số LPI bình quân của Việt Nam qua 4 lần xếp hạng gần nhất đứng thứ 45 thế giới. Năm 2018, 5 nước có chỉ số LPI cao nhất là Đức, Thụy Điển, Bỉ, Áo và Nhật Bản. Việt Nam xếp thứ 39/160 nước tham gia khảo sát, tăng 25 bậc so với năm 2016 (64/160). Trong ASEAN, Việt Nam đứng sau hai nước là Singapore (thứ 7) và Thái Lan (thứ 32). Một số nước khác đáng quan tâm là Hoa Kỳ (thứ 14), Australia (thứ 18), Hàn Quốc (thứ 25), Trung Quốc (thứ 26), Malaysia (thứ 41), Ấn Độ (thứ 44), Indonesia (thứ 46), Nga (thứ 75).
Mặc dù chỉ là chỉ số do một tổ chức đưa ra, nhưng cho đến nay LPI của Ngân hàng Thế giới được đông đảo các nước thừa nhận như một chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của ngành dịch vụ logistics mỗi nước. LPI đã được các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia thương mại, các nhà nghiên cứu sử dụng trong việc đánh giá và so sánh sự phát triển logistics. Qua đó, LPI cho phép các chính phủ, các doanh nghiệp và các bên có liên quan đánh giá lợi thế cạnh tranh tạo ra từ hoạt động logistics và có biện pháp để cải thiện logistics - mạch máu của kinh tế toàn cầu.
Việc đưa ra kế hoạch nâng cao LPI và tài liệu hướng dẫn về chỉ số LPI cho thấy quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và môi trường kinh doanh dịch vụ logistics nói riêng./.
K.D