|
Quy hoạch đến năm 2030 hoàn thành khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Ảnh: Zing |
Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ lần này xác định đường bộ là phương thức linh hoạt, hiệu quả đối với cự ly ngắn và trung bình (dưới 300 km), hỗ trợ gom, giải tỏa hàng hóa, hành khách cho các phương thức vận tải khác.
Hệ thống đường bộ bảo đảm kết nối giữa hệ thống đường bộ quốc gia với hệ thống đường địa phương; giữa các vùng động lực và vùng khó khăn; kết nối đến các đầu mối vận tải và quốc tế, đặc biệt là kết nối hiệu quả với các đầu mối giao thông, hạ tầng của các phương thức khác như: Nhà ga đường sắt, cảng biển, cảng sông, sân bay. Mục tiêu của quy hoạch xác định phát triển mạng lưới đường bộ từng bước đồng bộ, một số công trình hiện đại, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Cùng với đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, kiềm chế tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường; hình thành hệ thống giao thông-vận tải hợp lý giữa các phương thức vận tải, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Về các điểm nổi bật của Quy hoạch lần này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Quy hoạch đường bộ bám sát chủ trương và định hướng văn kiện các kỳ Đại hội Đảng, đặc biệt là Đại hội lần thứ XII, XIII và tuân thủ Luật Quy hoạch.
Về kết cấu hạ tầng, thực hiện quy hoạch sẽ hình thành hệ thống đường cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các vùng kinh tế trọng điểm, cảng biển và cảng hàng không cửa ngõ quốc tế. Bên cạnh đó, từng bước nâng cấp các quốc lộ đạt chuẩn.
Quy hoạch đến năm 2030, hoàn thành khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc và 172 tuyến quốc lộ, tổng chiều dài gần 29.800 km. Đến năm 2050, hình thành 41 tuyến với hơn 9.000 km cao tốc. Bên cạnh đó, quy hoạch đường ven biển vào hệ thống quốc lộ. Điều chỉnh điểm đầu, cuối cao tốc Bắc-Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Điều chỉnh về chiều dài và quy mô đối với cao tốc vành đai đô thị Hà Nội, TPHCM, tuỳ theo nhu cầu phát triển đô thị, có thể đi trên cao một số đoạn.
|
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chủ trì buổi Lễ công bố trực tuyến quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Ảnh: VGP/PT |
Đối với vận tải, Quy hoạch phấn đấu khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 2,76 tỷ tấn, chiếm 62,80% thị phần vận tải toàn ngành. Vận tải hành khách đạt 9,4 tỷ lượt hành khách, chiếm 90,16% thị phần.
Quy hoạch cũng có tính kế thừa, dự báo, phân tích kỹ vai trò, lợi thế từng phương thức vận tải trên 30 hành lang vận tải chính, để tăng cường tính kết nối đồng bộ giữa các chuyên ngành cũng như kết nối các vùng miền. Bên cạnh đó, đồng bộ với các quy hoạch các ngành, địa phương để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
"Quy hoạch lần này chú trọng đến vai trò của vận tải đường bộ là phương thức linh hoạt, hiệu quả đối với cự ly ngắn và trung bình (dưới 300 km), hỗ trợ gom, giải tỏa hàng hóa, hành khách cho các phương thức vận tải khác, làm cơ sở để xây dựng kịch bản phát triển kết cấu hạ tầng và kịch bản dự báo", lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.
Về phía đơn vị đại diện lập Quy hoạch, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin, kết quả quy hoạch đề xuất lựa chọn danh mục các dự án ưu tiên trên nguyên tắc các dự án đều phải bảo đảm tính lan tỏa; là động lực phát triển vùng hoặc liên vùng, đầu tư phát huy ngay hiệu quả. Đặc biệt, Quy hoạch đã ưu tiên đưa vào danh mục đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 các tuyến cao tốc có năng lực thông hành lớn để hình thành mạng cao tốc kết nối liên vùng và là xương sống của hệ thống đường bộ quốc gia.
Về các giải pháp thực hiện quy hoạch, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, trong quá trình lập quy hoạch, Bộ GTVT đặc biệt quan tâm đến tính khả thi thu hút nguồn vốn đầu tư và phân cấp, phân quyền. Theo đó, Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát các bất cập, chồng chéo trong các quy định của pháp luật bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ để thu hút nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Về nguồn vốn đầu tư, Quy hoạch xác định huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư đường bộ cao tốc. Các dự án chủ yếu triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư, vốn ngân sách Nhà nước sẽ đóng vai trò “vốn mồi”. Ngoài ra, việc huy động ngân sách địa phương tham gia đầu tư các tuyến cao tốc trên địa bàn cũng đa dạng thêm nguồn lực đầu tư thay vì chỉ trông chờ vào ngân sách Trung ương như đã thực hiện trước đây.
Ngày 1/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1454/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký. Đây là quy hoạch chuyên ngành đầu tiên được phê duyệt theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, được đánh giá có quy mô, phạm vi và sức ảnh hưởng lớn trong 37 quy hoạch chuyên ngành quốc gia của cả nước.
Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cũng là một trong 5 quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải (đường bộ; đường thủy nội địa; cảng hàng không, sân bay; cảng biển; đường sắt). Đây là lần đầu tiên các quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải được thực hiện đồng thời, có phân công rõ vai trò dựa trên lợi thế từng phương thức trên từng hành lang vận tải chính, bảo đảm tính hệ thống, kết nối đồng bộ giữa các chuyên ngành.
Việc xây dựng và thông qua quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp là Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng thẩm định 5 quy hoạch ngành giao thông vận tải thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
|
Phan Trang