Các Luật được công bố gồm: Luật Quốc phòng, Luật Cạnh tranh, Luật Tố cáo, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao, Luật Đo đạc và bản đồ, Luật An ninh mạng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch.

Sẽ xem xét với tố cáo nặc danh, mạo danh có nội dung rõ ràng

Có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, Luật Tố cáo gồm 9 chương 67 điều quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo.

Phó Tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: TH)


Phó Tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết: Luật Tố cáo bổ sung thêm một số nguyên tắc để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay: tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức; tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã bị giải thể; tố cáo cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Liên quan đến quy định về hình thức tố cáo, theo Phó Tổng thanh tra Chính phủ, để xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo, Luật tố cáo mới vẫn tiếp tục quy định hai hình thức tố cáo như Luật 2011 là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.

Phó Tổng thanh tra Nguyễn Văn Thanh thông tin thêm, quá trình thảo luận cho ý kiến về dự án Luật này, nhiều đại biểu Quốc hội đã có ý kiến rất có lý, cho rằng chúng ta không nên bỏ qua những hình thức tố cáo bằng thư điện tử, bản fax... Tuy nhiên, nếu quy định như vậy sẽ không bảo đảm tính khả thi, bởi cơ quan được giao nhiệm vụ giải quyết tố cáo sẽ phải bố trí một nguồn nhân lực rất lớn.

Song đối với tố cáo nặc danh, mạo danh có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.

Quản lý chặt chẽ, bảo vệ nghiêm ngặt dữ liệu của nước ta trên không gian mạng

Luật An ninh mạng gồm 7 chương 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Tại cuộc họp báo, Trung tướng Hoàng Phước Thuận (Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an) cho hay: Để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Luật quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ các nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật bao gồm: phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng; phòng chống khủng bố mạng; phòng, chống chiến tranh mạng…

“Đây là hành lang pháp lý vững chắc để người dân có thể yên tâm buôn bán, kinh doanh hay hoạt động trên không gian mạng”, Cục trưởng nói.

Nhấn mạnh “Dữ liệu của người sử dụng Việt Nam trên không gian mạng đã và đang bị sử dụng tràn lan, với mục đích thu lợi nhuận mà Nhà nước Việt Nam chưa có đầy đủ hành lang pháp lý để quản lý, thậm chí là bị sử dụng vào các âm mưu chính trị hoặc vi phạm pháp luật”, Cục trưởng Hoàng Phước Thuận cho biết: Để quản lý chặt chẽ, bảo vệ nghiêm ngặt dữ liệu của nước ta trên không gian mạng, Luật đã quy định doanh nghiệp trong  và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.

Cục trưởng Cục An ninh mạng nêu rõ: Luật không hạn chế quyền tự do dân chủ của người dân. “Tất cả những điều không bị cấm, quy chiếu 29 điều của Bộ luật Hình sự, điều luật trực tiếp và điều luật liên quan và những luật khác sẽ được Nhà nước bảo hộ trên không gian mạng”, Cục trưởng cho hay.

Hiện nay, Ban soạn thảo đã họp bàn với Bộ Tư pháp chuẩn bị xây dựng Nghị định, dự kiến trong tháng 10 trình Chính phủ Nghị định.

Tăng cường sức mạnh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc

Luật Quốc phòng gồm 7 chương 40 điều quy định nguyên tắc, chính sách, hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng. Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Thướng tượng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: Đây là Luật rất quan trọng, chi phối toàn bộ hệ thống pháp luật về quốc phòng, tác động đến hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đặc biệt, Luật có nhiều quy định mới, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để tăng cường sức mạnh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; hình thái chiến tranh tương lai có nhiều thay đổi, phát triển mới.

Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: TH).


Bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết: Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật có quy định liên quan đến quy hoạch bao gồm 12 điều, trong đó quy định việc sửa đổi 11 luật, bao gồm Luật An toàn thực phẩm, Luật Công chứng, Luật Dược, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Điện lực, Luật Hóa chất, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Luật Trẻ em. Nội dung liên quan của Luật là bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm đang tồn tại như: quy hoạch công nghiệp hóa chất, quy hoạch tổng thể các tổ chức hành nghề công chứng…, là hành lang pháp lý quan trọng để loại bỏ những giấy phép trái quy luật của kinh tế thị trường và là bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh. Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Luật Cạnh tranh gồm 10 chương 118 điều quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh. Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao sửa đổi, bổ sung 27 điều. Trong đó, bổ sung quy định về chính sách ưu tiên phát triển môn bơi, võ cổ truyền và các môn thể thao dân tộc. Đáng chú ý, Luật đã bổ sung quy định về đặt cược thể thao. Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Luật Đo đạc và bản đồ gồm 9 chương 61 điều quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành; chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ; công trình hạ tầng đo đạc; thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; điều kiện kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ.  Lần đầu tiên việc xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia được luật định. Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2019./.

 

Thu Hằng