Ảnh minh họa: Kim Sơn

 

Theo PGS.TS Mai Văn Trinh, khâu chấm thi rất quan trọng. Để bảo đảm thành công của Kỳ thi năm nay, Bộ GD&ĐT đã tập huấn, hướng dẫn, cung cấp phương tiện, phần mềm hỗ trợ chấm thi, đã gửi đáp án, hướng dẫn chấm cho các hội đồng thi.

Đến nay, công tác chuẩn bị cho chấm thi đã hoàn tất, các địa phương đã bắt đầu bắt tay vào chấm thi. Để bảo đảm công tác chấm thi an toàn, chính xác, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chấm thi sẽ được triển khai đồng bộ ở tất cả các hội đồng thi. Các trường đại học sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở GD&ĐT trong công tác chấm thi để công tác này thật sự khách quan, an toàn, bảo đảm tiến độ.

“Bài thi Ngữ văn được yêu cầu chấm theo 2 vòng độc lập, chấm kiểm tra cùng tiến độ ít nhất 5% số bài thi để kịp thời điều chỉnh, trong trường hợp cần thiết sẽ chấm thẩm định bài thi. Các bài thi trắc nghiệm được chấm theo quy trình nghiêm ngặt với sự hỗ trợ của máy quét và phần mềm.

Sau khi có kết quả thi, theo lịch công tác, các hội đồng thi gửi kết quả về Bộ để tải lên hệ thống phần mềm..., sau đó sẽ công bố kết quả thi vào ngày 7/7/2017” - PGS.TS Mai Văn Trinh cho biết.

Để công việc công bố kết quả thi thuận lợi, PGS.TS Mai Văn Trinh cho hay, các Sở GD&ĐT ngay từ bây giờ cần tập trung rà soát lại hệ thống công nghệ thông tin để bảo đảm không bị tắc nghẽn mạng khi công bố kết quả thi.

Nhìn một cách tổng quan về kỳ thi THPT quốc gia 2017, PGS.TS Mai Văn Trinh đánh giá, những điều chỉnh trong phương thức thi năm nay đã đúng hướng, tạo bước chuyển rất tích cực, có tính bước ngoặt trong công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW.

Thêm nữa, điều chỉnh này đã làm cho kỳ thi nhẹ nhàng, giảm tốn kém. Đặc biệt những điều chỉnh về môn thi, hình thức thi đã thành công, không làm sốc thí sinh và giáo viên, tác động tích cực đến các nhà trường, khắc phục dần tình trạng dạy tủ, học tủ, học lệch, tạo động lực và hướng đi cho đổi mới dạy học theo định hướng hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, giúp các em học tập toàn diện hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm cần lưu ý (chủ yếu là về mặt kỹ thuật) có thể được cải tiến để tốt hơn. Trong đó, cần tiếp tục tăng cường các giải pháp để hạn chế hơn nữa tình trạng vi phạm quy chế thi, gian lận thi cử bằng việc sử dụng công nghệ cao. Sự phối hợp của các đại học với các Sở GD&ĐT có thể được triển khai nhuần nhuyễn, đều tay hơn nữa. Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống công nghệ thông tin để không ngừng nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi và tuyển sinh. Đặc biệt, công tác đề thi vẫn tiếp tục cần được quan tâm cho các kỳ thi tiếp theo./.

Mỹ Anh