|
Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Đó là những vấn đề mà người dân ở 63 tỉnh, thành phố được khảo sát cho biết các nội dung
quan trọng nhất mà Nhà nước cần tập trung giải quyết.
Theo đó, đói nghèo vẫn là vấn đề đáng quan ngại nhất với số người trả lời chọn nội dung này cao nhất năm 2018. Mặc dù Việt Nam được biết đến là quốc gia có tốc độ giảm nghèo nhanh chóng, nhưng người dân, đặc biệt là nhóm có thu nhập thấp, vẫn chọn đói nghèo là vấn đề Nhà nước cần ưu tiên giải quyết. Tuy nhiên, khi so sánh kết quả khảo sát câu hỏi này năm 2018 với các năm trước, mối quan ngại về tham nhũng, tăng trưởng kinh tế, an ninh trật tự và chất lượng giáo dục… gia tăng nhiều hơn.
So với kết quả khảo sát năm 2015, mối quan ngại về môi trường cũng gia tăng đột biến. Theo công bố PAPI, đây là vấn đề có tỷ lệ người dân chọn luôn cao nhất kể từ khi PAPI đưa câu hỏi này vào khảo sát năm 2015. Khoảng 25% số người dân được hỏi cho rằng, đây là vấn đề hệ trọng nhất trong năm 2018.
Tăng trưởng và việc làm cũng là 2 trong số 5 vấn đề đáng quan ngại nhất năm 2018, bên cạnh tham nhũng và môi trường.
Để hiểu những nguyên nhân dẫn tới quan ngại trên của người dân, nghiên cứu PAPI 2018 tập trung phân tích sâu sắc đánh giá của người dân về bất bình đẳng kinh tế và phân bố thu nhập, sự đánh đổi giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường, và quan điểm giới liên quan đến quản trị Nhà nước (ở khía cạnh phụ nữ làm lãnh đạo để tập trung giải quyết các vấn đề phụ nữ quan tâm).
Theo đó, nỗi lo trở lại đói nghèo sau khi đã thoát nghèo và xoá đói giảm nghèo có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển chung của Việt Nam là hai nguyên nhân chính dẫn đến việc lựa chọn đói nghèo là vấn đề hệ trọng nhất. Ngoài ra, kết quả phân tích cho thấy sự ủng hộ nhất quán của người dân đối với bảo vệ môi trường, dù phải hy sinh lợi ích như tăng trưởng, việc làm. Người dân cũng ủng hộ năng lượng xanh, năng lượng tái tạo (với điều kiện nguồn điện ổn định). Ngoài ra, đa số không bày tỏ thái độ kỳ thị với nam hay nữ được bầu chọn làm lãnh đạo.
Việc nhiều người dân cho rằng đói nghèo là vấn đề hệ trọng nhất, báo cáo PAPI chỉ rõ tác động của bất bình đẳng thu nhập.
Một trong những vấn đề có tác động bậc nhất tới mức độ hài lòng của người dân với nền quản trị và hành chính công có lẽ là hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Kết quả khảo sát PAPI 2018 cho thấy lĩnh vực này có dấu hiệu khá tích cực. Người dân có cảm nhận tình trạng "vòi vĩnh" trong dịch vụ y tế tuyến quận/huyện và giáo dục tiểu học công lập giảm đáng kể. Tuy nhiên, “lót tay” để có việc làm trong khu vực Nhà nước, vòi vĩnh trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lạm dụng công quỹ chưa giảm. Gần 60% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp xã, phường đã thuyên giảm trong 3 năm qua, song chỉ có 50% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp quốc gia có xu hướng thuyên giảm. Kết quả khảo sát PAPI cho thấy, tham nhũng vẫn là một trong 3 mối quan ngại hàng đầu trong dân chúng.
Bên cạnh đó, vấn đề công khai và minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương đối với vấn đề tổ chức lập danh sách hộ nghèo, chia sẻ thông tin thu chi ngân sách cấp xã, phường được người dân đánh giá hài lòng hơn. Tuy nhiên, người dân mong muốn việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn là khía cạnh chính quyền địa phương cần cải thiện. Một kết quả nhất quán đáng chú ý khi đo mức độ công khai, minh bạch đất đai từ năm 2011 đến 2018 cho thấy, chưa đến 1/4 dân số có thể truy cập được thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai của địa phương và chưa đến 1/3 có cơ hội đóng góp ý kiến cho các bản quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương.
Lê Sơn