Chỉ số PCI đo lường chất lượng thực tế của điều hành kinh tế cấp tỉnh, thông qua những thực tiễn tốt đã có tại các địa phương và là kết quả khảo sát được thực hiện trên lượng doanh nghiệp khá lớn, bao gồm: 12.429 doanh nghiệp từ 63 tỉnh/thành trên cả nước tham gia điều tra PCI 2019, trong đó 1.583 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Qua 15 năm thực hiện điều tra PCI (2005-2019), hơn 141.000 lượt doanh nghiệp phản hồi điều tra PCI, gồm 125.160 doanh nghiệp dân doanh và gần 15.850 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Báo cáo PCI 2019 đã lựa chọn chủ đề tự động hóa và chuyển đối số trong doanh nghiệp, cơ hội và thách thức đối với vấn đề lao động và việc làm. Kết quả cho thấy mức độ tự động hóa đang cao hơn, 67% doanh nghiệp cho biết đã tự động hóa một phần công việc trong 3 năm qua, khoảng 75% doanh nghiệp dự định sẽ tự động hóa các công việc mới trong 3 năm tới…
Năm 2019, Quảng Ninh lần thứ 3 liên tiếp giữ vị trí dẫn đầu với 73,40 điểm trong Bảng xếp hạng PCI 2019; thứ 2 là Đồng Tháp, đạt 72,10 điểm, trong khi đó Vĩnh Long vươn lên mạnh từ vị trí thứ 8 lên thứ 3; Bắc Ninh cũng bứt phá mạnh khi đạt 70,79 điểm và giữ vị trí thứ 4. Các địa phương đứng ở vị trí tiếp theo lần lượt là: Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Long An, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh... Đáng lưu ý, Chỉ số PCI 2019 có điểm trung vị cao nhất trong 15 năm qua; xu hướng hội tụ, thu hẹp sự cách biệt trong chất lượng điều hành giữa các tỉnh, thành phố rất rõ, nhất là các vị trí ở giữa bảng xếp hạng có khoảng cách ngày càng hẹp.
Theo Bảng xếp hạng Chỉ số PCI 2019, qua một năm quyết tâm thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Quảng Trị đứng vị trí 49/63 tỉnh/thành với 63,84 điểm, tăng 04 bậc và tăng 2,68 điểm so với năm 2018 (năm 2018: 53/63; 61,16 điểm), từ nhóm Trung bình năm 2018 vươn lên nhóm Khá năm 2019.
Trong 10 chỉ số thành phần của Chỉ số PCI 2019 thì có 5 chỉ số tăng điểm gồm: Tiếp cận đất đai (7,36 điểm, tăng 0,34 điểm so với năm 2018), tính minh bạch (6,99 điểm, tăng 0,41 điểm), chi phí không chính thức (6,37 điểm, tăng 0,82 điểm), cạnh tranh bình đẳng (5,72 điểm, tăng 2,04 điểm), đào tạo lao động: (7,17 điểm; tăng 0,9 điểm); 5 chỉ số giảm điểm là gia nhập thị trường (7,17, giảm 0,28 điểm), chi phí thời gian (6,68 điểm, giảm 0,08 điểm), tính năng động của chính quyền tỉnh (5,84 điểm, giảm 0,24 điểm), dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (4,85 điểm, giảm 0,81 điểm), thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (6,1 điểm, giảm 0,09 điểm).
Chỉ số PCI nhằm đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Đây là kênh thông tin tham khảo có giá trị cho các nhà hoạch định chính sách, nhất là đối với lãnh đạo các tỉnh, thành phố, từ đó lựa chọn các giải pháp phù hợp, hiệu quả trong cải cách điều hành kinh tế địa phương. Thái Minh