Ngày 19/12 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Kinh doanh tại Việt Nam: Đánh giá của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
|
Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: M.P) |
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp là một trong các tiêu chí đánh giá thành tựu bình đẳng giới của một quốc gia. Kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, quan niệm và giá trị phát triển đang thay đổi.
“Trước đây, chúng ta nói đến phát triển là nói đến tăng trưởng, nói đến kinh doanh là nói đến lợi nhuận nhưng giờ đây những quan niệm này đã thay đổi, chúng ta vẫn nói đến phát triển nhưng phát triển phải gắn liền với bền vững. Chúng ta vẫn nói đến kinh doanh nhưng phải là kinh doanh có trách nhiệm”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện tại, Liên hợp quốc đã đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó trao quyền năng và đảm bảo bình đẳng là mục tiêu quan trọng nhất. Theo TS Vũ Tiến Lộc nền kinh tế đang chuyển sang giai đoạn bao trùm hơn. Đây là cơ hội lớn cho phụ nữ.
TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, phát huy vai trò của phụ nữ là động lực mới của nền kinh tế toàn cầu và cũng là nội hàm mới của các chính sách kinh tế mới của các quốc gia. Nó bao hàm mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động kinh tế xã hội và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động lãnh đạo doanh nghiệp”, Chủ tịch VCCI nhận định.
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt ra mục tiêu “Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 30% vào năm 2015 và từ 35% trở lên vào năm 2020”; tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI đạt được mục tiêu này là thách thức rất lớn
Trình bày Báo cáo Kinh doanh tại Việt Nam: đánh giá của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, ông Đậu Anh Tuấn Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho biết, có thể xem là một trong những báo cáo đầu tiên có nghiên cứu và đưa ra đánh giá toàn diện về nội dung này. Báo cáo dựa trên phân tích dữ liệu khảo sát từ hơn 10 nghìn doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh thành của nước ta. Tính đến hết tháng 9 năm nay, toàn quốc có hơn 285 nghìn doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chiếm 24% tổng số doanh nghiệp cả nước, và là tỷ lệ cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp trong mô hình này còn ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ.
“Điều tra của VCCI cho thấy, doanh nghiệp do nữ làm chủ hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, nhất là về tìm kiếm khách hàng (63% số doanh nghiệp được điều tra), sau đó là khó khăn về biến động thị trường và tìm kiếm khách hàng. Theo chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 thì tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 30% vào năm 2015 và từ 35% trở lên vào năm 2020. Như vậy, chỉ tiêu này đến nay đã không đạt được”, ông Đậu Anh Tuấn cho hay.
Báo cáo “Kinh doanh tại Việt Nam: đánh giá của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ” kỳ vọng đề xuất một số giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam nhìn nhận: “Tôi cũng đã đề xuất nhiều với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để đề xuất với các cơ quan hữu quan là muốn thúc đẩy bình đẳng giới thành công, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thì quan trọng nhất với VCCI là lồng ghép bình đẳng giới trong chỉ số PCI (chỉ số điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) , bởi vì tất cả đều xuất phát từ địa phương và nếu mỗi địa phương có môi trường chính sách tốt để tạo cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp thì mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, về tỷ lệ doanh nghiệp nữ sẽ đạt được.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh bày tỏ kỳ vọng, trong thời gian tới, với sự vào cuộc mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và thực sự thiết thực hơn thì doanh nhân nữ sẽ vượt qua những rào cản để cống hiến đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước cho xã hội./.
Minh Phương