|
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội thảo về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Ảnh: VGP/Lê Sơn. |
1. Đóng góp kịp thời và tích cực trong triển khai, thể chế hóa các nội dung chính sách về xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư
Ngành tư pháp đã phối hợp với các bộ ngành và địa phương đã tập trung tham mưu triển khai, thể chế hóa những định hướng chính sách lớn, then chốt để triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược được xác định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; phối hợp tích cực trong đề xuất các nội dung để các cơ quan có thẩm quyền tham mưu Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
2. Tham mưu tích cực cho Chính phủ và UBND các cấp về những vấn đề pháp lý để thực hiện “mục tiêu kép": Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phát triển kinh tế xã hội
Thực hiện trách nhiệm thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19, Bộ Tư pháp đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về các vấn đề pháp lý và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19, tham gia tích cực trong xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản liên quan đến phòng, chống COVID-19.
Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, nhận diện tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật trước các tác động mạnh mẽ, kéo dài của đại dịch COVID-19; tham mưu xây dựng, sửa đổi các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
3. Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về xây dựng, hoàn thiện thể chế
Ngày 16/9/2021, Bộ Tư pháp phối hợp Văn phòng Chính phủ tham mưu Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Kết quả của Hội nghị và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm thể chế, pháp luật phải thực sự là “đòn bẩy” kiến tạo phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao khả năng “đề kháng” của doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội trước đại dịch COVID-19, tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
4. Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng”
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn với hơn 70 chuyên đề, tham luận chất lượng cao. Hội thảo đã đề xuất các định hướng, giải pháp, nhiệm vụ quan trọng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
5. Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật năm 2021 của Việt Nam tăng 6 bậc
Năm 2021, "Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật của Việt Nam" được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đánh giá tăng 6 bậc. Sự kiện này góp phần nâng tầm hình ảnh và vị thế đất nước và mở ra nhiều cơ hội, tạo thế mạnh trong việc thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
6. Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế
Ngày 2/6/2021, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế với 7 nhóm nhiệm vụ công tác trọng tâm.
Đây là cơ sở chính trị có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao nhận thức và tổ chức thi hành trên thực tế của các ngành, các cấp đối với công tác phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tăng cường trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác thu hồi tài sản; hoàn thiện pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng, cơ bản khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, đơn vị có liên quan ở Trung ương và địa phương.
7. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới, đa dạng về nội dung, hình thức
Năm 2021, toàn ngành tư pháp đã phối hợp cùng hệ thống chính trị cả nước đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bầu cử để phục vụ cho sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND”.
Bên cạnh đó, lần đầu tiên chương trình tôn vinh “Gương sáng pháp luật” được tổ chức nhằm biểu dương, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong việc xây dựng và thi hành pháp luật.
8. Hoàn thiện cơ sở pháp lý quan trọng cho việc kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và sắp xếp tổ chức, cán bộ cơ quan tư pháp địa phương
Đây là các cơ sở pháp lý quan trọng về tổ chức ngành để các địa phương kịp thời tiến hành sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan tư pháp địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành tư pháp đáp ứng yêu cầu công tác tư pháp trong giai đoạn mới và phục vụ tốt hơn nhu cầu pháp lý của người dân, tổ chức và doanh nghiệp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
9. Hợp tác quốc tế về pháp luật đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh đại dịch COVID-19
Năm 2021, hoạt động hợp tác quốc tế đạt nhiều kết quả nổi bật như: Ký kết được 5 thỏa thuận trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức các nước của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; ký kết các chương trình hợp tác giai đoạn 2021-2022 với Bộ Tư pháp các nước: Thái Lan, Liên bang Đức, Algeria; tham gia với tinh thần trách nhiệm cao tại Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp ASEAN lần thứ 11, Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp ASEAN (ASLOM) lần thứ 20, Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương về đăng ký và thống kê hộ tịch, Hội nghị thường niên năm 2021 của Tổ chức quốc tế về Luật phát triển (IDLO).
10. Ý nghĩa nhân văn sâu sắc của công tác nuôi con nuôi trong bối cảnh đại dịch COVID - 19
Ngày 23/10/2021, tại TPHCM, Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức thành công lễ giao nhận 92 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cư trú tại 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho 91 gia đình cha mẹ nuôi của 8 nước châu Âu
Qua sự kiện, các nước đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ, Bộ Tư pháp Việt Nam trong thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có mục tiêu vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Lê Sơn