|
Các đại biểu dự Hội nghị triển khai công tác năm 2020 của ngành Tư pháp. Ảnh: VGP/ Lê Sơn |
1. “Nâng tầm vai trò tham mưu, hoàn thiện hệ thống pháp luật”.
Năm 2019, Bộ và ngành Tư pháp đã tập trung nguồn lực tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng tại các Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, các Hội nghị Trung ương 4, 5, 6, 7 về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phối hợp cùng các bộ, ngành giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua 18 dự án luật.
Đặc biệt đã được Đảng, Nhà nước tín nhiệm giao chủ trì tham mưu tổng kết, sơ kết nhiều nghị quyết, văn bản quan trọng, như Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư ngày 30/3/2000 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư; Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư ngày 09/12/2009 về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp; sơ kết 5 năm thi hành Hiến pháp năm 2013...
2. Bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
Là cơ quan đầu mối quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR) - một trong các điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người, có nội dung bao trùm nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau, trong năm 2019, Bộ Tư pháp đã chủ trì với sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan trực tiếp đến việc bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người xây dựng và bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam về thực thi Công ước ICCPR trước Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Việc bảo vệ thành công Báo cáo trước hết thể hiện cam kết mạnh mẽ và những nỗ lực không ngừng trong việc đảm bảo mọi người đều có cơ hội thụ hưởng các quyền này ở Việt Nam, khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm trên trường quốc tế. Đồng thời, việc bảo vệ Báo cáo quốc gia đã thể hiện tinh thần cầu thị, sẵn sàng đối thoại về quyền con người trên cơ sở Công ước, làm cho Ủy ban Nhân quyền và cộng đồng quốc tế hiểu rõ về thành tựu và thực chất vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, phản bác những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực phản động.
3. Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân” - dấu ấn về sự chuyển biến mạnh mẽ của công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), góp phần xây dựng, quản lý nhà nước bằng Hiến pháp và pháp luật.
Trong năm 2019, Bộ, Ngành Tư pháp đã chủ động, tích cực tham mưu cho Ban Bí thư Trung ương, Chính phủ, các ngành, các cấp triển khai thực hiện việc đánh giá toàn diện về những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã tham mưu tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị, qua đó tạo sự lan tỏa, nâng cao nhận thức của cấp ủy, lãnh đạo các ngành các cấp về vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
4. Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 tăng 17 bậc so với năm 2018.
Năm 2019, Bộ Tư pháp được Chính phủ giao chủ trì, chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ về “Nâng xếp hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật” (Chỉ số B1) tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 08/10/2019, vị trí xếp hạng của Việt Nam về Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (B1) năm 2019 tăng 17 bậc so với năm 2018, vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP. Việc cải thiện thứ hạng Chỉ số B1 đã góp phần cải thiện thứ hạng về trụ cột thể chế (tăng 5 bậc so với năm 2018), đồng thời, cải thiện thứ hạng về năng lực cạnh tranh của Việt Nam (tăng 10 bậc so với năm 2018).
5. Hội thảo khoa học cấp quốc gia: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.
Nhằm nhận diện những vấn đề pháp lý đặt ra của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động của nó đến hệ thống pháp luật Việt Nam, ngày 24/6/2019, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng thể chế ở nước ta hiện nay.
6. Kết nối liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh – cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Trong năm 2019, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phối hợp triển khai thành công việc kết nối liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh của trẻ em dưới 6 tuổi trên Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch với Hệ thống cấp Thẻ bảo hiểm y tế qua Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NGSP). Đây là một bước tiến lớn trong cải cách thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí tối đa cho người dân; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, phục vụ của cơ quan Nhà nước.
7. Công tác thi hành án dân sự (THADS) đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay.
Năm 2019, trong bối cảnh số việc và tiền thụ lý mới tiếp tục tăng so với năm 2018, các cơ quan THADS đã nỗ lực thi hành xong trên 579 nghìn việc tương ứng với số tiền trên 52 nghìn tỷ đồng, vượt chỉ tiêu đã đề ra. Số tuyệt đối thi hành về tiền tăng gấp 2 lần so với năm 2018. Việc thi hành các vụ việc liên quan đến thu hồi tài sản cho ngân sách Nhà nước trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, khoản nợ của các tổ chức tín dụng được tập trung chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả.
8. Thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam.
Ngày 14/1/2019, Đại hội đại biểu công chứng viên toàn quốc lần thứ nhất đã được tổ chức thành công, thành lập ra Hiệp hội công chứng viên Việt Nam. Hiệp hội là tổ chức xã hội – nghề nghiệp toàn quốc của các công chứng viên Việt Nam, đại diện cho các công chứng viên, Hội công chứng viên của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
9. Trường Đại học Luật Hà Nội: 40 năm xây dựng và phát triển.
Ngày 10/11/2019, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Trường (10/11/1079 - 10/11/2019). Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, Đại học Luật Hà Nội đã, đang là cơ sở đào tạo luật có uy tín đứng đầu tại Việt Nam. Từ năm 1979 đến nay, Trường đã đào tạo được hơn 100 nghìn lượt cán bộ pháp luật cho cả nước. Nhiều đồng chí nguyên là cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên của Trường đã và đang giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị và có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực pháp luật, tư pháp của cả nước.
10. Hợp tác quốc tế về pháp luật tiếp tục phát triển ngày càng thực chất, hiệu quả và đi vào chiều sâu.
Năm 2019, công tác hợp tác quốc tế về pháp luật tiếp tục đi vào nề nếp, hỗ trợ tích cực cho công cuộc cải cách pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đảm bảo bám sát, thể hiện đầy đủ và đúng đắn quan điểm, chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Hợp tác với các đối tác song phương được tăng cường, đi vào chiều sâu; hợp tác đa phương khu vực và toàn cầu được đẩy mạnh.
Lê Sơn