Điển hình, xã A Vao, huyện Đakrông có trên 90% dân số người đồng bào dân tộc Pa Cô. Những năm qua, nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền, ban ngành, đoàn thể địa phương, nạn hôn nhân cận huyết thống đã được chấm dứt triệt để, tuy nhiên hiện vẫn còn tình trạng tảo hôn xảy ra lén lút, âm ỉ ở một số thôn bản rẻo cao, khó nắm bắt được thông tin kịp thời.
Ngoài nguyên nhân đề cập ở trên, người đồng bào sinh con gái còn nặng nề quan niệm cần gả cưới sớm để nhận được vật phẩm "bỏ của" từ nhà trai, giúp gia đình giảm bớt một phần khó khăn. Do đó, việc tuyên truyền, giáo dục bà con thay đổi nhận thức, xóa bỏ hủ tục là không dễ dàng.
Từ năm 2019, Công an tỉnh Quảng Trị thực hiện Đề án của Bộ Công an về bố trí, tăng cường Công an chính quy về xã. Ngay khi tiếp nhận địa bàn mới, các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn để bắt nhịp với công việc. Bên cạnh công tác nghiệp vụ, các CBCS còn giúp dân nhiều việc, như hướng dẫn giấy tờ thực hiện thủ tục, quy định hành chính tại địa phương; hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất chăn nuôi, trồng trọt; hỗ trợ, đóng góp ngày công và vật chất để xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, các CBCS còn đến từng hộ dân để nói cho dân hiểu tác hại của nạn tảo hôn. Ông Hồ Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã A Vao cho biết, năm 2022, toàn xã vẫn còn xảy ra 9 trường hợp tảo hôn. Tuy nhiên, so với những năm trước đây, con số này đã giảm hẳn. Đây là kết quả rất đáng mừng, nhờ vào sự tích cực giúp đỡ của các CBCS Công an chính quy về xã.
Chúng tôi đến gặp vợ chồng anh Hồ Văn Huy, chị Hồ Thị Sương ở thôn Tân Đi 3 (A Vao). Nhìn 2 đứa con 12 tuổi và 7 tuổi ngồi học bài chăm chỉ, anh Huy vẻ mặt đầy hạnh phúc tâm sự: "Em yêu vợ lúc cô ấy mới chỉ 15 tuổi, còn em 20 tuổi. Chuẩn bị cưới nhau thì Công an xã rồi Bộ đội Biên phòng vào hỏi chuyện, giải thích và khuyên ngăn chúng em không được cưới vợ, cưới chồng khi chưa đủ 18 tuổi. May lúc đó chúng em nhận thức được nên nghe theo và chờ nhau đến 4 năm sau”.
Năm 2020, khi tiến hành công tác giúp dân phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục, vợ chồng anh Huy, chị Sương được Công an xã A Vao chọn làm tuyên truyền viên. Qua gần 3 năm tham gia, vợ chồng họ đã góp phần đem lại những kết quả đáng mừng trong tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục, đặc biệt nạn tảo hôn, nhiều lần được UBND xã và Công an xã tổ chức biểu dương, khen thưởng. Để tiếp tục có những gương sáng trong suy nghĩ và hành động như vợ chồng này, trong thời gian qua, các CBCS Công an xã A Vao phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức trên 500 buổi tuyên truyền cho hơn 6.000 lượt người nghe.
Theo thống kê, giai đoạn 2016 - 2021, huyện Đakrông có 484 cặp tảo hôn, chiếm 20,96% so với tổng số cặp kết hôn, trong đó có 81,5% là nữ giới; 81 cặp tảo hôn cả vợ và chồng. Huyện Hướng Hóa, năm 2021 có 122 cặp tảo hôn, chiếm 30,27%, trong đó có 5 cặp tảo hôn cả vợ và chồng.
Trong 5 năm 2017-2022, Công an các xã trên địa bàn cùng các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trong toàn tỉnh phối hợp các ban ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật; xây dựng các nhóm giải pháp để nâng cao nhận thức cho người dân về Luật Hôn nhân và Gia đình với hơn 200 cuộc tư vấn, tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho hơn 600 lượt người; thực hiện các mô hình can thiệp để ngăn ngừa nguy cơ kết hôn sớm, xây dựng và phát động ký hương ước, quy ước thôn bản không tảo hôn.
https://cand.com.vn/cong-an/cong-an-vung-cao-o-quang-tri-chung-tay-xoa-nan-tao-hon-i678578/