Còn tình trạng văn phòng đại diện, phóng viên thường trú hoạt động gây bức xúc cho địa phương, doanh nghiệp 

(ĐCSVN) - Sau 3 năm thi hành, Luật Báo chí 2016 đã tạo hành lang pháp lý và các hoạt động liên quan cho báo chí phát triển, tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn không ít bất cập.

 

Ngày 4/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm Luật Báo chí 2016.

Luật báo chí được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ XI thông qua ngày 5/4/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017. Sau 3 năm thi hành, Luật Báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển vượt bậc; quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật định. Những nội dung của Luật Báo chí 2016 về cơ bản đã phù hợp và bảo đảm tính hiệu lực trong quản lý, điều hành các hoạt động báo chí.

Báo cáo tóm tắt sơ kết 3 năm thi hành Luật báo chí 2016,  ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) cho biết, sau khi Quốc hội thông qua Luật báo chí, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan báo chí đã tổ chức nhiều khóa tập huấn, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ báo chí cho hàng ngàn lãnh đạo các cơ quan báo chí, nhà báo trong và ngoài nước, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương…

Hội thảo có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, địa phương, cơ quan báo chí. 

"Tuy vậy, sau gần 3 năm triển khai Luật Báo chí, trên thực tế vẫn còn những quy định chung chung, chưa phân định rõ một số loại hình mới. Đơn cử như Khoản 15 Điều 3 quy định: “Tạp chí điện tử là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành, được truyền dẫn trên môi trường mạng”. Với định nghĩa này, chưa có sự phân biệt và lượng hóa rõ ràng giữa báo và tạp chí điện tử, dẫn đến tình trạng “báo hóa”, gây khó khó khăn trong công tác quản lý. Luật Báo chí 2016 cũng chưa quy định về báo in và tạp chí in, gây lúng túng cho cơ quan báo chí khi thực hiện, nhất là khi triển khai quy hoạch báo chí. Giải thích tại khoản 3 và khoản 6 Điều 3 về báo in và báo điện tử: “Báo in là…, gồm báo in và tạp chí in”; “Báo điện tử là…, gồm báo điện tử và tạp chí điện tử”, dễ gây nhầm lẫn, nên quy định là báo chí in, báo chí điện tử cho rõ ràng”, ông Lưu Đình Phúc thông tin.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương cho rằng cần sửa đổi, bổ sung quy định Điều 22 về văn phòng đại diện, phóng viên thường trú cho chặt chẽ hơn. Có tình trạng nhiều văn phòng đại diện chỉ có Trưởng văn phòng có thẻ nhà báo, còn lại phóng viên thuộc văn phòng là nhân viên quảng cáo hoặc cơ quan báo chí ký với các cá nhân không có chuyên môn, nghiệp vụ về báo chí làm cộng tác viên, không đáp ứng được yêu cầu về năng lực và trình độ của người làm báo. Thậm chí, có cơ quan báo chí cử Trưởng văn phòng ở tòa soạn Hà Nội và đưa các nhân viên hợp đồng làm nhân sự tại Văn phòng đại diện ở địa phương.

“Có tình trạng văn phòng đại diện, phóng viên thường trú hoạt động gây bức xúc cho địa phương, doanh nghiệp nguyên nhân là do cơ quan báo chí buông lỏng quản lý đối với nhà báo, phóng viên và cộng tác viên; khoán doanh thu quảng cáo cho văn phòng đại diện dẫn đến tình trạng phóng viên sử dụng cộng tác viên và cấu kết với một số đối tượng nhằm sách nhiễu doanh nghiệp để vòi vĩnh, ép ký hợp đồng quảng cáo; viết bài chủ yếu tập trung khai thác vấn đề tiêu cực, mặt trái, vướng mắc của địa phương…”, ông Lưu Đình Phúc cho biết.

Theo phản ánh của các cơ quan báo chí, nhiều cơ quan hành chính nhà nước cử người phát ngôn cho có, mang tính đối phó; nhà báo, phóng viên liên lạc với người phát ngôn rất khó, bị né tránh bằng nhiều hình thức: trả lời chung chung hoặc khất hẹn…

Qua thực tiễn quản lý, ý kiến của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, các chủ thể khác có liên quan, Bộ TT&TT nhận thấy việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết. Theo đó, Cục Báo chí đang nghiên cứu, đề xuất ban hành bổ sung chế tài xử lý đối với các vi phạm trong hoạt động báo chí, phù hợp các quy định sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016; đặc biệt, đối với các vấn đề: Khai thác thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, không kiểm chứng để đăng tải, bình luận trên báo chí và gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến uy tín báo chí và các địa phương; Cá nhân, doanh nghiệp truyền thông tự sản xuất chương trình truyền hình cung cấp cho các hạ tầng truyền dẫn nội dung số, các phương thức truyền dẫn mới (youtube, facebook…) phải đăng ký liên kết sản xuất với cơ quan báo chí theo từng loại hình nhằm mục đích đáp ứng yêu cầu thẩm định nội dung đối với các sản phẩm như truyền hình; Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí đối với sai phạm của cơ quan báo chí; Tình trạng cơ quan, tổ chức, cá nhân của các cơ quan hành chính nhà nước cố tình “né” báo chí, không chịu cung cấp thông tin cho báo chí, không thực hiện trách nhiệm người phát ngôn hoặc cung cấp thông tin sai sự thật.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại hội nghị. 

Từ ý kiến của các đại biểu tại hội nghị, Cục Báo chí cũng đề xuất bổ sung quy định về hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, không để tình trạng “khoán doanh thu” và không kiểm soát được hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú. Đồng thời, có cơ chế bảo vệ phóng viên khi tác nghiệp đúng quy định của Luật Báo chí; xử lý nghiêm các trường hợp giả danh phóng viên.

Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan báo chí đã thảo luận, đề xuất một số ý kiến kiến nghị về: Quyền tác nghiệp của nhà báo, phóng viên; việc xuất bản bản tin; quy định về việc tổ chức họp báo, dẫn nguồn báo chí, đăng, gỡ bài trên báo điện tử, việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước, quy định về xuất bản trên tạp chí điện tử, quy trình cấp, đổi thẻ nhà báo; quy định về hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cơ chế chính sách đối với hoạt động báo chí trong tình hình mới...

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo khẳng định: Việc thực thi Luật báo chí 2016 cơ bản được triển khai tích cực, hiệu quả. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn một số cơ quan, đơn vị thực hiện Luật chưa thực sự nghiêm túc, chưa hiểu rõ luật dẫn đến những khó khăn, vướng mắc. Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị, các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí cần nắm rõ và thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật. Đối với bất cập trong quá trình triển khai, thi hành Luật Báo chí và những đề xuất, kiến nghị của các đại biểu dự hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền Thông sẽ tổng hợp để kịp thời đề xuất, bổ sung những quy định để điều chỉnh kịp thời hoạt động báo chí cho phù hợp với thực tiễn./.

 
Tin, ảnh: Đỗ Thoa
263 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1139
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1139
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87146948