Đây là vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thẳng thắn thừa nhận trong phiên trả lời chất vấn tại Nghị trường chiều 4/6.
Bộ Xây dựng nêu rõ, theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước, trong giai đoạn 2016-2020 số lượng vốn đầu tư công cần bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 4 ngân hàng thương mại (gồm: Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng công thương, Ngân hàng Đầu tư phát triển và Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam) để thực hiện cho vay ưu đãi để giải quyết vấn đề nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là 19.000 tỷ đồng (trong đó 9.000 tỷ đồng cho Ngân hàng chính sách xã hội, 10.000 tỷ đồng cho 4 ngân hàng thương mại).
Tuy nhiên, cho đến nay Nhà nước mới bố trí được 1.260 tỷ đồng cho Ngân hàng chính sách xã hội chỉ đạt 13% so với nhu cầu; 4 Ngân hàng thương mại chưa được bố trí vốn để cấp bù lãi suất theo quy định.
|
Nguồn cung từ những dự án nhà ở xã hội vẫn là nhu cầu rất lớn của người dân. Ảnh: VGP/Toàn Thắng |
Cùng với đó, một số địa phương chưa bố trí đủ quỹ đất cho nhà ở xã hội, chưa quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối với dự án nhà ở xã hội hoặc hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án nhà ở xã hội
“Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tham mưu Chính phủ để giải quyết căn bản về nhà ở xã hội. Cùng với đó, nghiên cứu, bổ sung các giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết.
Toàn Thắng