Đó là những hạn chế, khó khăn được Tổng cục Lâm nghiệp chỉ ra tại Hội nghị đánh giá chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản, diễn ra ngày 20/8 tại Hà Nội.

 Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PNT Hà Công Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

(Ảnh: BT)

Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, qua rà soát, trong giai đoạn từ năm 2012-2020 có 7 văn bản quy phạm pháp luật quy định về chính sách đầu tư trong lâm nghiệp. Riêng đối với rừng đặc dụng, hiện có 5 văn bản quy định gồm: Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 1/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 4/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp,…

Hoặc đối với rừng phòng hộ, hiện có 4 văn bản quy định chính sách đầu tư: Quyết định 38/2016/QĐ-TTg, Nghị định 75/2015/NĐ-CP; Nghị định 119/2016/NĐ-CP; Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP (được sửa đổi tại Quyết định số 2621/QĐ-TTg).

Thực hiện chính sách đầu tư về lâm nghiệp thời gian qua đã góp phần giúp diện tích rừng tự nhiên được quản lý, bảo vệ tốt, chất lượng rừng từng bước được cải thiện. Nhiều diện tích rừng tự nhiên đã có trữ lượng từ trung bình đến giàu. Diện tích rừng trồng là sản xuất tiếp tục được phát triển, trữ lượng cao. Đồng thời, hình thành được vùng nguyên liệu tập trung, từng bước gắn với công nghiệp chế biến gỗ.

Việc Nhà nước bố trí nguồn ngân sách để thực hiện nhiều chính sách đầu tư trong lâm nghiệp, trong đó đặc biệt ưu tiên đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất đã góp phần thực hiện các chính sách trong lâm nghiệp để hỗ trợ ổn định xã hội, cải thiện thu nhập cho người dân vùng núi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, việc hình thành ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản với nhiều thành phần kinh tế, hằng năm đã sản xuất, chế biến và xuất khẩu nhiều sản phẩm gỗ và lâm sản có giá trị gia tăng cao, phù hợp với thị hiếu của nhiều thị trường quốc tế lớn. Đây là ngành có kim ngạch xuất khẩu duy trì ổn định mức tăng trưởng cao trong giai đoạn 2014 đến nay thể hiện qua giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng từ 7,1 tỷ USD năm 2015 lên 11,3 tỷ USD năm 2019, ước năm 2020 đạt trên 12 tỷ USD.

Tuy nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp cũng chỉ rõ những hạn chế hiện nay khi mức đầu tư trồng mới rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, hỗ trợ trồng rừng sản xuất vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Đi cùng với đó là việc thiếu chính sách thu hút đầu tư các thành phần kinh tế vào làm giàu rừng và xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên. Trên thực tế, nhiều diện tích rừng tự nhiên nghèo giao cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được quản lý, bảo vệ tốt nhưng thiếu chính sách hưởng lợi cụ thể.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, cần hệ thống lại những chính sách hiện đang tác động đến đầu tư ngành lâm nghiệp hiện nay. Trong đó, cần tập trung quan tâm đến Quyết định 886/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, trong đó có các nội dung liên quan đến hỗ trợ đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng.

Thứ trưởng yêu cầu để xây dựng chính sách trong thời gian tới, cần rà soát những chính sách hiện đang còn phù hợp, những nội dung đang nằm ở khoảng trống về chính sách, những chính sách ở các Nghị định, Quyết định đang còn chồng chéo. Làm thế nào để đi vào chiều sâu để đề xuất chính sách cho phù hợp. Đồng thời, cần đánh giá những chính sách đã có nhưng không thực thi, lý giải được nguyên nhân vì sao? Hoặc những nơi không thực hiện đúng chính sách. Cố gắng xây dựng, trình dự thảo Nghị định về chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản để ban hành trong năm 2021./.

 

 
BT