Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngày 25/10 (Ảnh: BT)
Còn sự chồng chéo giữa các Bộ trong việc quản lý một sản phẩm
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã truyền đạt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về những kết quả đạt được của Bộ NN&PTNT trong thời gian qua. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao nỗ lực của ngành NN&PTNT trong thực hiện mục tiêu của cả nước tăng trưởng GDP 6,7%, riêng ngành nông nghiệp trong 9 tháng năm 2017 tăng trưởng 2,78%, đây cũng là kết quả đáng ghi nhận của toàn ngành sau thời gian tăng trưởng có nhiều biến động.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng, đổi mới thể chế, chính sách được Bộ NN&PTNT quan tâm thực hiện, đặc biệt chính sách về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Nghị định về quản lý phân bón, cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu sửa đổi Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, cũng như nhiều văn bản khác liên quan. Về vấn đề khắc phục hậu quả thiên tai, Bộ NN&PTNT đã chủ động, chỉ đạo quyết liệt đã góp phần giảm thiểu tối đa về thiệt hại về người và tài sản. Thủ tướng đánh giá cao tinh thần của cá nhân của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trên cương vị của Bộ trưởng và là thành viên của Chính phủ.
Tuy nhiên, hai vấn đề lớn mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tới Bộ NN&PTNT, đề nghị Bộ NN&PTNT có giải pháp tổ chức thật tốt. Trong đó, từ năm 2016, Thủ tướng đưa ra yêu cầu cấm chặt phá rừng, tuy nhiên, vấn đề quản lý rừng tự nhiên, khai phá rừng, cháy rừng, quản lý đất lâm nghiệp, đất rừng vẫn còn nhiều bất cập, ở vấn đề này, Bộ NN&PTNT cần có sự quan tâm cùng các tỉnh, địa phương quản lý tốt.
“Đây cũng là vấn đề mà dư luận cả nước đang rất quan tâm bởi rừng là nguồn tài nguyên cần bảo vệ và sử dụng hiệu quả” – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT có giải pháp để chấn chỉnh việc đánh bắt cá của ngư dân, đặc biệt với các hành vi đánh mìn, đánh điện để khai thác. Đề nghị Bộ NN&PTNT tham mưu cho Thủ tướng và Chính phủ ngăn chặn tình trạng này.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng nêu rõ những vấn đề còn đang tồn tại trong hoạt động quản lý chuyên ngành của Bộ. Cụ thể, nhiều mặt hàng còn có sự quản lý chồng chéo, một mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý của các đơn vị khác nhau trong một Bộ, đơn cử như tằm, côn trùng, vừa kiểm dịch động vật vừa thực vật. Nhóm động vật tươi sống như thịt, cá vừa phải kiểm dịch theo Thông tư 25 vừa kiểm tra theo Thông tư về an toàn thực phẩm, ngay cả thức ăn chăn nuôi vừa kiểm dịch theo Thông tư 25 vừa kiểm tra theo Thông tư 66, sản phẩm động vật trên cạn vừa kiểm dịch động vật vừa kiểm tra an toàn thực phẩm…
Một mặt hàng chịu kiểm tra chuyên ngành của 2 Bộ trở lên chiếm tới trên 58%, thời gian thông quan chiếm 28%,…rất rườm rà. Đề nghị Bộ NN&PTNT đề xuất kiểm tra với các mặt hàng đang chồng chéo với Bộ Công Thương theo hướng một mặt hàng chỉ giao cho một Bộ chủ trì kiểm tra chuyên ngành. Khẩn trương rà soát sửa đổi bổ sung các thủ tục kiểm tra chuyên ngành làm sao gọn nhất, một mặt hàng để một Bộ quản lý.
Nỗ lực triển khai các nhiệm vụ được Thủ tướng, Chính phủ giao
Trước những đề nghị của Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, với 3 nội dung xuyên suốt về tiếp tục hoàn thiện thể chế, đột phá cải cách hành chính, tập trung nhóm giải pháp căn cơ để thúc đẩy tăng trưởng năm 2017 và các năm khác, Bộ NN&PTNT ý thức ba nhóm nội dung này không chỉ là yêu cầu của Chính phủ mà còn là yêu cầu tự thân. Bộ NN&PTNT đã ra Nghị quyết chuyên đề để thực hiện điều này, có Thứ trưởng thường trực của Bộ phụ trách thường xuyên và hàng tháng giao ban được nêu thực hiện thường xuyên.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, để cơ quan quản lý nhà nước thực hiện đúng chức năng, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp nông thôn, tinh thần của Bộ NN&PTNT là cần bắt đầu từ hoàn thiện thể chế, không chỉ là cắt giảm thủ tục, thể chế văn bản pháp luật mà bộ máy cũng cần chấn chỉnh lại.
Với hai vấn đề lớn Thủ tướng Chính phủ đề nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, cả hệ thống ngành nông nghiệp sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện. Riêng với ngành lâm nghiệp, mặc dù đã có nhiều thành tựu nhưng vẫn còn nhiều bất cập trong việc tàn phá rừng, vi phạm về rừng vẫn còn. Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục chương trình xây dựng lại Luật Lâm nghiệp trong kỳ này. Chuyển trạng thái từ giai đoạn ưu tiên tập trung sang một yêu cầu khác hơn, không chỉ bảo vệ phát triển mà còn xây dựng ngành lâm nghiệp bền vững, khai thác tiềm năng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Về vấn đề thủy sản, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục triển khai tham mưu để thông qua Luật mới.
“Hy vọng, với hai bộ Luật được thông qua sẽ xây dựng chương trình cụ thể thể hiện quản lý hệ thống để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được Chính phủ giao” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Về cải cách thủ tục hành chính, Bộ NN&PTNT đề xuất và dự kiến các giải pháp khắc phục đối với nhóm hàng có chồng chéo kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể, đối với 7 loại hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành của 2 Bộ, đề nghị Chính phủ xem xét giao một Bộ đầu mối chủ trì, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện theo hướng một cơ quan kiểm tra chuyên ngành có lực lượng, điều kiện tại cửa khẩu, nên giao cả kiểm tra về kiểm dịch và an toàn thực phẩm. Đối với 6 nhóm hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành của 2 đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, Bộ kiên quyết bố trí hợp lý trong Quý IV/2017.
Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ, tạo điều kiện để Bộ đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động kiểm nghiệm kiểm chứng phục vụ hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Cùng với đó, cho ý kiến định hướng về xây dựng, ban hành Nghị định của Chính phủ sửa đổi các Nghị định để thực hiện cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và đơn giản hóa thủ tục hành chính theo trình tự, thủ tục rút gọn để nhanh chóng đưa các đề xuất của Bộ NN&PTNT được triển khai thực hiện trong thực tiễn.
Thời gian qua, để thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao với trọng tâm cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với các hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý được phân công, Bộ NN&PTNT xác định đây là nhiệm vụ “cấp bách, trọng tâm, chỉ đạo thường xuyên, cụ thể phù hợp với từng thời điểm” nhằm tạo môi trường thuận lợi hơn phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng.
10 tháng đầu năm 2017, mặc dù ngành NN&PTNT phải dành nhiều thời gian, công sức để chỉ đạo việc ứng phó và khắc phục hậu quả do mưa lớn, bão lũ liên tiếp xảy ra, nhưng Bộ vẫn nỗ lực thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 2026/QĐ –TTg. Đến nay, Bộ đã hoàn thành 41 văn bản; 8 văn bản còn lại, Bộ đang xây dựng tích hợp còn 4 văn bản.
Bộ cũng đã tiến hành rà soát, đề xuất phương án cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh; đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa thủ tục hành chính và cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, đổi mới phương thức kiểm tra chuyên ngành.
Trong tổng số 345 điều kiện đầu tư, kinh doanh, Bộ đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện (chiếm 34,2%), trong đó bãi bỏ 65 điều kiện, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện. Để thực hiện cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, Bộ ban hành Kế hoạch hành động thực hiện việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, Bộ đề xuất sửa đổi, bổ sung 4 Nghị định, sẽ hoàn thành vào Quý II/2018. Đối với 2 Pháp lệnh, 3 Nghị định có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh sẽ được sửa đổi, bổ sung theo tiến độ của chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội.
Bộ tiếp tục tổ chức rà soát sâu hơn đối với 508 thủ tục hành chính còn hiệu lực và đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 287 thủ tục hành chính (chiếm 56,5%), gồm: bãi bỏ 81 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 205 thủ tục hành chính. Để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, Bộ dự kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung 13 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành, trong đó sẽ hoàn thành việc xây dựng 10 Thông tư trong Quý I/2018. Riêng đối với 3 văn bản liên quan đến lâm nghiệp, thủy sản sẽ hoàn thành vào Quý III/2018 theo tiến độ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản./.
|
BT