Theo ông Trần Văn Thành, Giám đốc Trung tâm BTXH tổng hợp 1 Quảng Trị, hoạt động của Trung tâm BTXH bước đầu mang lại một số kết quả, nhưng khó khăn vẫn còn không ít…
Một buổi chiều giữa tháng 11-2019, tôi cùng Đại úy Nguyễn Đức Hiếu, Phó trưởng Công an phường 2, TP Đông Hà, Quảng Trị lên tìm hiểu tình hình người cai nghiện ma túy tự nguyện và bắt buộc tại Trung tâm BTXH. Chúng tôi theo đường 9D tránh TP Đông Hà ngược lên hướng Lao Bảo tầm 6 cây số, rồi đi vào con đường thảm nhựa phẳng phiu.
Trung tâm BTXH tỉnh Quảng Trị nằm giữa bốn bề cây cối xanh mát, cách ngã rẽ trên chỉ chừng 2 cây số. Trao đổi với chúng tôi về tình hình người nghiện ma túy vào đây để được điều trị cắt cơn, giải độc, trị liệu phục hồi chức năng, lao động, ông Trần Văn Thành cho biết, Trung tâm được xây dựng hoàn thành đi vào hoạt động tháng 6-2018, đến nay đã tiếp nhận 21 trường hợp vào cai nghiện ma túy, trong đó có 14 người bắt buộc và 7 người tự nguyện.
Các đối tượng chủ yếu ở TP Đông Hà và huyện miền núi Hướng Hóa. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của các ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 1.200 người nghiện ma túy, tập trung nhiều nhất ở TP, thị xã, thị trấn và các vùng miền núi.
Các địa phương đều có nhu cầu cấp thiết về việc đưa người nghiện ma túy đến Trung tâm BTXH để được cai nghiện; song khó khăn rất lớn là các thủ tục pháp luật liên quan còn nhiều bất cập, chưa thống nhất giữa các ban, ngành, đơn vị chức năng liên quan.
“Các thủ tục pháp lý đưa người nghiện ma túy vào trung tâm cai nghiện liên quan đến rất nhiều ngành, như Tư pháp, Công an, Y tế rồi trung tâm cai nghiện. Để đảm bảo cơ sở pháp lý của tất cả các ngành này thực tế không thể thực hiện được. Thời gian qua, việc đưa được người nghiện vào đây cai nghiện là một nỗ lực rất lớn của Công an tỉnh Quảng Trị”, ông Thành nói.
|
Công an phường 2, TP Đông Hà thăm hỏi, động viên một học viên cai nghiện ma túy tự nguyện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội. |
Cũng theo ông Thành, điều kiện của Trung tâm BTXH hiện nay vẫn chưa đảm bảo cho việc cai nghiện bắt buộc. Đó là chưa có các khu cách ly đảm bảo cho việc không thể trốn của các học viên cai nghiện. Trung tâm chưa có các ngành nghề để người cai nghiện học tập, lao động nhằm hỗ trợ cho việc cai nghiện được thành công…
Một khó khăn khác, Trung tâm BTXH tỉnh Quảng Trị mới chỉ có 29 cán bộ, công nhân viên, trong khi phải thường xuyên đảm nhận, thực hiện một khối lượng công việc rất lớn và rất đặc thù. Cụ thể, cùng với việc điều trị cắt cơn, giải độc, trị liệu phục hồi chức năng, lao động cho các học viên, các cán bộ, công nhân viên của đơn vị còn phải chăm sóc, điều trị, nuôi dưỡng 58 người bị mắc các bệnh về tâm thần.
“Người bị bệnh tâm thần vào đây rất nhiều dạng và nhiều lứa tuổi khác nhau. Vì vậy, công việc chăm sóc, điều trị, nuôi dưỡng họ vất vả hơn gấp cả trăm lần so với nuôi con nhỏ, hay người già yếu bị bệnh không thể đi lại được. Nếu công tác ở đây mà không có sự chịu khó, kiên trì, không có cái tâm cảm thông, chia sẻ, thương yêu người bệnh, thì không ai có thể trụ lại quá một ngày”, y sĩ Lê Thị Duyên tâm sự.
Nhìn chị Duyên cùng các đồng nghiệp của chị đang thăm khám, trò chuyện động viên người bị bệnh tâm thần uống thuốc, ăn cơm, rồi quét dọn, vệ sinh nơi ăn, ở cho họ, chúng tôi mới hiểu hết nỗi vất vả của những người làm việc nơi đây.
Ông Thành và các cán bộ, công nhân viên Trung tâm BTXH chia sẻ thêm, hiện tại họ vẫn chưa được hưởng một phụ cấp đặc thù nào cho những công việc tiềm ẩn không ít rủi ro nguy hiểm...
Phan Thanh Bình