|
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì thảo luận về dự án Luật - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) đã được xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.
Sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ở tổ và tại hội trường đối với Dự án Luật, UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ NN&PTNT - Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật, đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan, đơn vị hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các ĐBQH để chỉnh lý Dự thảo Luật.
Dự án Luật có 12 chương, 108 điều với phạm vi điều chỉnh là quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH đã tập trung thảo luận vào các nội dung còn có ý kiến khác nhau liên quan đến tên gọi của Dự án Luật; phân loại rừng; chủ rừng; giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng và thu hồi rừng; chế biến, thương mại lâm sản; quản lý nhà nước về lâm nghiệp; trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng…
Về tên gọi của Luật, Báo cáo về một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết có nhiều loại ý kiến nhưng tập trung 2 loại ý kiến chính. Thứ nhất, đa số ý kiến ĐBQH và hầu hết ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học tại các hội thảo đề nghị nên lấy tên là Luật Lâm nghiệp, vì tên gọi này phù hợp với phạm vi điều chỉnh và nội dung của Dự thảo Luật, khẳng định lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật, gồm một chuỗi các hoạt động từ bảo vệ rừng, phát triển, sử dụng rừng đến chế biến, thương mại lâm sản; tạo cơ sở pháp lý để đẩy mạnh việc chế biến, thương mại lâm sản, khai thác dịch vụ môi trường rừng.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ tên là Luật Bảo vệ và Phát triển rừng vì tên gọi này đã được sử dụng quen thuộc nhiều năm qua, nhấn mạnh được mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng là chủ yếu.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cũng như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng với phạm vi điều chỉnh và nội dung của Luật như Dự thảo thì tên “Luật Lâm nghiệp” là hợp lý, vừa ngắn gọn, vừa bao quát đầy đủ các nội dung của Luật; thể hiện rõ mục tiêu và quan điểm sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng là đổi mới quản lý hoạt động lâm nghiệp theo chuỗi giá trị. Hơn nữa, tên gọi Luật Lâm nghiệp cũng tạo sự đồng bộ, gắn kết với các văn bản quy định về định hướng Chiến lược phát triển lâm nghiệp, Quy hoạch phát triển lâm nghiệp và tên gọi hệ thống tổ chức cơ quan quản lý về lâm nghiệp hiện hành.
Cho biết là một trong những người ủng hộ việc đổi tên dự án Luật thành Luật Lâm nghiệp, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng băn khoăn: “liệu việc đổi tên như vậy thì đánh tác tác động liên quan tới bao nhiêu dự án luật đã dẫn chiếu theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, hiện chúng ta chưa rõ”.
|
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu giải trình về Dự án Luật - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Còn Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga và một số ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn nêu câu hỏi khi việc đề xuất sửa tên Luật là Luật Lâm nghiệp thì cơ quan chủ trì soạn thảo đã có những đánh giá toàn diện về tác động của luật hay chưa? Việc đổi tên có thực sự là không ảnh hưởng tới phạm vi điều chỉnh của Luật như dự thảo đã xây dựng hay không?
Về nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, một số ý kiến đề xuất phải gắn liền với đất rừng; bổ sung nguyên tắc ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại chỗ để bảo đảm không gian sinh tồn, văn hóa, phong tục, tập quán quản lý rừng của cộng đồng dân cư; bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và có sự tham gia của người dân địa phương. Đồng thời, đề nghị giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng phải phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch, kế hoạch, quỹ rừng của địa phương; không giao cho thuê những diện tích rừng có tranh chấp.
Đề cập đến quy định về chế biến, thương mại lâm sản, một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần quy định quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh gỗ; các biện pháp hạn chế việc xuất khẩu lâm sản thô để tăng giá trị lâm sản; quy định cụ thể hơn về chế biến và thương mại lâm sản.
Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các cấp, có ý kiến đề nghị cần quy định rõ hơn nữa trách nhiệm của Bộ NN&PTNT và các bộ có liên quan và UBND các cấp về lâm nghiệp. Bên cạnh đó cần tiếp tục bổ sung, quy định rõ hơn về trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng, phá rừng.
Phát biểu kết thúc thảo luận về dự án Luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo và Cơ quan thẩm tra tiếp thu ý kiến phát biểu của Thường vụ để tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật, bảo đảm tính thống nhất của luật trong hệ thống pháp luật nói chung, nhất là sự thống nhất của Luật với Luật Đất đai, Luật Đa dạng sinh học, dự thảo Luật Quy hoạch đang được xây dựng,…
Đồng thời phải bảo đảm tính cụ thể hơn nữa của Luật; không nên để có quá nhiều điều khoản do Chính phủ quy định. Tiếp tục làm rõ để đi tới thống nhất về phạm vi điều chỉnh, tên gọi của Luật; các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau về phân loại rừng; chủ rừng; Quỹ bảo vệ và phát triển rừng;..
Nguyễn Hoàng