Con người là nguồn lực để đất nước 'đi sau nhưng vượt lên, đón đầu' 

(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng mỗi gia đình, dòng họ, làng, xã khi trở thành "hạt nhân" của xã hội học tập là sức mạnh nội sinh lớn nhất để đất nước có thể "đi sau nhưng vượt lên, đón đầu" bằng kinh tế tri thức, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Con người là nguồn lực để đất nước 'đi sau nhưng vượt lên, đón đầu' - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Các cấp hội khuyến học đã kế thừa tinh thần cách mạng từ Mùa thu 1945, cùng Phong trào "Bình dân học vụ" để tiếp tục giữ ngọn lửa đam mê, khát vọng cống hiến bằng tri thức - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Sáng 29/9, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức gặp mặt kỷ niệm 15 năm Ngày Khuyến học Việt Nam và phát động thi đua hưởng ứng Phong trào "Mỗi người dân tự học, học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số".

Tham dự cuộc gặp mặt có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, hội khuyến học các tỉnh, thành phố, cơ sở giáo dục…

"Bức tranh" khuyến học ngày càng rực rỡ

Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cho biết, Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10 (từ năm 2008) mang ý nghĩa kép: Vừa là ngày ra mắt toàn dân một hội xã hội có sứ mệnh góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia học tập, vừa là ngày khởi động phong trào toàn dân học tập suốt đời.

Con người là nguồn lực để đất nước 'đi sau nhưng vượt lên, đón đầu' - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn cả hệ thống chính trị vào cuộc bằng những kế hoạch, hành động cụ thể để hưởng ứng Phong trào "Mỗi người dân tự học, học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số" – Ảnh: VGP/Minh Khôi

Đến nay, tổ chức hội khuyến học đã phủ kín các xã, phường, thị trấn và tổ dân phố, thôn, ấp, trong các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, cơ sở giáo dục,… với hơn 26 triệu hội viên. Nhiều mô hình học tập tại gia đình, dòng họ, làng, xã… được thực hiện thành công đã làm cho "bức tranh" khuyến học ngày càng rực rỡ, góp phần đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ.

Tư duy, phương pháp quản lý, điều hành công tác khuyến học, khuyến tài đã tiếp cận với chương trình chuyển đổi số quốc gia. Đặc biệt, Hội đã có nhiều khởi sắc trong công tác tuyên truyền, lan tỏa tinh thần học tập, học tập suốt đời trong các tầng lớp nhân dân.

"Quan điểm chủ đạo trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là sự phát triển bền vững của đất nước phải bằng tri thức thông qua việc đẩy mạnh hoạt động giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Trong đó, tinh thần tự học, học tập thường xuyên, học tập suốt đời của mỗi công dân được coi trọng, là nhân tố quyết định mọi thành công. Chính vì vậy, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thực sự trở thành nhu cầu của toàn dân, đáp ứng được nguyện vọng nhân dân và được nhân dân đồng lòng hưởng ứng", GS.TS. Nguyễn Thị Doan nói.

Con người là nguồn lực để đất nước 'đi sau nhưng vượt lên, đón đầu' - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chúc mừng lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam nhân kỷ niệm 15 năm Ngày Khuyến học Việt Nam - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Cũng tại buổi gặp mặt, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã phát động thi đua hưởng ứng Phong trào "Mỗi người dân tự học, học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số" nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò, tầm quan trọng của việc tự học, học tập suốt đời trong thời kỳ chuyển đổi số; xây dựng các mô hình học tập lấy người dân là trung tâm, bảo đảm mỗi người thực hiện tốt mô hình công dân học tập, trong đó chú trọng việc tự học sử dụng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tạo chuyển biến thực sự, đạt kết quả thực chất, bền vững phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, góp phần xây dựng xã hội số ở Việt Nam.

Góp phần khơi dậy sức mạnh, trí tuệ Việt

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao tinh thần tiên phong của Hội Khuyến học Việt Nam khi phát động thi đua hưởng ứng Phong trào "Mỗi người dân tự học, học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số".

Con người là nguồn lực để đất nước 'đi sau nhưng vượt lên, đón đầu' - Ảnh 4.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trò chuyện thân mật với các đại biểu tại cuộc gặp mặt - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Theo Phó Thủ tướng, đất nước muốn phồn vinh, hùng cường, thì quan trọng nhất là phải xuất phát từ con người. Nhân lực là nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng để phát triển trong tương lai khi tài nguyên thiên nhiên đã cạn kiệt, cũng như ứng phó với các thách thức mang tính toàn cầu về biến đổi khí hậu, dịch bệnh mới, các vấn đề an ninh phi truyền thống…

"Trong mỗi chặng đường cách mạng đã qua, ở từng thời điểm khó khăn, chúng ta luôn tìm được động lực để khơi dậy sức mạnh, trí tuệ con người Việt Nam", Phó Thủ tướng chia sẻ và nhấn mạnh "mỗi gia đình, dòng họ, làng, xã trở thành những "hạt nhân" của xã hội học tập sẽ là sức mạnh nội sinh lớn nhất để đất nước có thể "đi sau nhưng vượt lên, đón đầu" bằng kinh tế tri thức, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số".

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng trân trọng và gửi lời tri ân sắc đến cán bộ, hội viên các cấp hội khuyến học trên cả nước, đã kế thừa tinh thần cách mạng từ Mùa thu 1945, cùng Phong trào "Bình dân học vụ" để tiếp tục giữ ngọn lửa đam mê, khát vọng cống hiến bằng tri thức.

"Hội Khuyến học có nhiều đề xuất, sáng kiến táo bạo, đổi mới của để cập nhật, phổ cập kiến thức khoa học công nghệ, trong thời điểm có tính lịch sử của đất nước, cũng như thế giới là phải chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, biến thách thức có tính toàn cầu thành cơ hội để sớm đưa Việt Nam trở thành nước phát triển", Phó Thủ tướng nói.

Con người là nguồn lực để đất nước 'đi sau nhưng vượt lên, đón đầu' - Ảnh 5.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh đạo cấp hội khuyến học Trung ương và địa phương, một số bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể… - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ban, ngành, cơ quan, tổ chức, đoàn thể… có kế hoạch hành động cụ thể hưởng ứng Phong trào "Mỗi người dân tự học, học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số", tránh chung chung, hình thức, khơi dậy được "không khí sôi sục như Phong trào "Bình dân học vụ" năm xưa"; đồng hành cùng các cấp hội khuyến học để hiện thực hoá các ý tưởng táo bạo, mới mẻ thành những công cụ, nguồn lực hữu hiệu hơn trong xây dựng xã hội học tập ở mọi nơi, mọi thời điểm, phù hợp với từng cá nhân; đẩy mạnh chuyển đổi số trong kết nối, cung cấp tài liệu, chia sẻ kiến thức học tập.

Minh Khôi

349 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1189
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1189
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87084475