“Chiến hạm” Cồn Cỏ
Từ bãi biển Cửa Tùng thuộc huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) hướng ra biển Đông, thấy một hòn đảo xanh lam nổi lên như chiến hạm trấn giữ ngoài khơi. Hòn đảo ấy mang tên Cồn Cỏ (còn có tên gọi khác là Hòn Cỏ, Thảo Phù, Con Hổ, hay Hòn Mệ - theo cách gọi của ngư dân Vĩnh Linh). Đứng từ trên cao nhìn xuống, đảo như một con rùa khổng lồ, hướng đầu về phía Tây Nam. Chỉ với diện tích khoảng 230ha, độ cao trung bình 7-10m so với mặt nước biển nhưng đảo Cồn Cỏ có vị trí cực kỳ trọng yếu về an ninh - quốc phòng. Khi vĩ tuyến 17 chia đôi 2 miền đất nước, Cồn Cỏ trở thành vị trí tiền tiêu cho cả miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Từ năm 1964 đến 1968, máy bay Mỹ ném xuống Cồn Cỏ trên 13.000 quả bom các loại, hàng vạn quả rốc-két; 172 lần tàu chiến pháo kích trên 4.000 quả đạn pháo lên đảo. Bình quân mỗi hécta đất trên đảo chịu 22,6 tấn bom đạn. Nhưng rồi, mọi âm mưu, thủ đoạn của quân thù đều thất bại khi quân ta anh dũng chiến đấu giữ đảo, bắn rơi 48 máy bay Mỹ các loại, bắn cháy và làm chìm 17 tàu chiến… Đảo Cồn Cỏ 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 3 lần Bác Hồ gửi thư khen ngợi.
Hơn 43 năm sau ngày đất nước thống nhất, Cồn Cỏ nay khác xa so với những gì chúng tôi tưởng tượng. Những trục đường nhựa ẩn khuất dưới màu xanh của rừng. Những ngôi nhà cao tầng khang trang tươi màu ngói mới.
Đồng chí Lê Minh Tuấn, Bí thư Huyện ủy, kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ, cung cấp thêm: Trước năm 1959, trên đảo chưa có người; năm 2000 vẫn chỉ có bộ đội đồn trú; tháng 3-2002, có 43 đoàn viên thanh niên xung phong ra xây dựng đảo; năm 2004, huyện đảo được thành lập theo quyết định của Chính phủ với định hướng xây dựng Cồn Cỏ thành đảo du lịch với cơ cấu du lịch - dịch vụ - thủy sản - lâm nông nghiệp. Đây là cột mốc để Cồn Cỏ chuyển mình từ đảo quân sự sang đảo dân sự. 1 năm sau, huyện đảo Cồn Cỏ chính thức đi vào hoạt động. Lúc này, nhiều thanh niên xung phong trở lại đất liền, số khác ở lại lập nghiệp. Có khoảng 25 người tình nguyện ở lại đảo, lập gia đình và sinh sống, lập nghiệp ổn định đến hôm nay…
Cồn Cỏ hiện đã xây dựng được một số cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh như: hệ thống cấp nước sinh hoạt, trung tâm y tế, trường học, đường vòng quanh đảo, âu thuyền tránh bão, cầu cảng phục vụ tàu trọng tải lớn, kè chống xói lở... Đặc biệt, trong chiến lược phát triển kinh tế, huyện đảo Cồn Cỏ hướng tới khai thác tiềm năng về du lịch sinh thái biển tổng hợp mang tầm quốc gia. Một trong những vấn đề rất quan trọng khác để huyện đảo phát triển, là điện năng. Đây là điều kiện tiên quyết để kêu gọi các nhà đầu tư và thu hút khách du lịch.
Thúc đẩy phát triển du lịch
Cùng với lứa thanh niên đầu tiên ra Cồn Cỏ lập nghiệp, ngày 11-4-2017, UBND tỉnh Quảng Trị ký quyết định phê duyệt đưa thêm 7 gia đình với 21 nhân khẩu ra định cư lâu dài tại đảo. Các hộ dân được bố trí ở 2 dãy nhà, liền nhau. Mỗi ngôi nhà được thiết kế phòng khách, phòng ngủ, gian bếp và công trình phụ khép kín. Mỗi hộ được hỗ trợ lương thực bằng tiền mặt trong 18 tháng, kèm sinh hoạt phí, giống vật nuôi và nhiều chính sách ưu đãi khác… Huyện đảo định hướng cho các hộ dân phát triển nghề khai thác và đánh bắt thủy, hải sản, hỗ trợ ngư lưới cụ và tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất.
Huyện đảo Cồn Cỏ đang ưu tiên đầu tư thực hiện các dự án resort với các hạng mục như bãi tắm, hạ tầng lưu trú, ẩm thực… Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết địa phương đã và đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng ở Cồn Cỏ để phục vụ khách du lịch trên tuyến đầu cầu Hành lang kinh tế Đông - Tây, là đầu mối quan trọng trong việc mở rộng giao lưu kinh tế với các nước ASEAN. Đồng thời, đầu tư đóng mới đội tàu du lịch để kết nối đất liền với Cồn Cỏ, chú trọng phát triển các loại hình du lịch như: Lặn biển ngắm san hô; Tham quan khu rừng đặc dụng và các loài sinh vật cảnh đặc trưng.
Cồn Cỏ cũng được kết nối với Cửa Việt và Cửa Tùng để tạo thành “tam giác” du lịch biển, đưa du lịch thành ngành mũi nhọn của địa phương. Trước mắt, UBND huyện Cồn Cỏ ký hợp đồng đóng mới tàu vận chuyển hành khách từ Cửa Việt ra Cồn Cỏ với sức chở 80 người/chuyến, tổng mức đầu tư trên 22 tỷ đồng. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2020, Cồn Cỏ mở được 3-4 tour du lịch chất lượng cao và có 2-3 tàu cao tốc hoạt động phục vụ du khách tham quan.
Năm 2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đảm bảo cấp điện 24/24 giờ cho các nhu cầu trên đảo và lắp đặt thêm 2 tổ máy với công suất 1.000 kVA. Qua đó, tạo bước chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội và nhất là du lịch của địa phương cũng như thu hút thêm nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và lập dự án du lịch với số vốn hàng ngàn tỷ đồng. Cồn Cỏ cũng là huyện đảo thứ 11 của cả nước được EVN tiếp nhận đầu tư, quản lý vận hành hệ thống, góp phần xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc cũng như phát triển kinh tế biển đảo.
|
VĂN THẮNG