LTS: Cồn Cỏ hay còn gọi là Hòn Cỏ, Hòn Gió… là hòn đảo tiền tiêu nằm trên vùng biển tỉnh Quảng Trị. Đảo nằm cách đất liền khoảng 13 đến 17 hải lý, có diện tích gần 2,3km2. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Cồn Cỏ đã đi vào lịch sử và trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trải qua bao thăng trầm, Cồn Cỏ giờ như được khoác lên mình “tấm áo” mới rực rỡ sắc màu.
Bài 1: Hạnh phúc nảy mầm trên đảo tiền tiêu
Cồn Cỏ nghe thì thấy rất xa, nhưng khi đặt chân lên đây rồi mới thấy nó thật gần. Cuộc sống của quân, dân trên đảo đang đổi thay từng ngày. Và ở nơi đó - nơi quanh năm chỉ có gió và sóng biển, câu chuyện thấm đậm tình người, hạnh phúc nảy sinh trong gian khó vẫn còn được kể mãi.
Vươn mình giữa trùng khơi
Một ngày đầu tháng 7-2017, chúng tôi có dịp được đặt chân lên đảo tiền tiêu Cồn Cỏ - Quảng Trị. Đồng hồ điểm 10h15, tôi cùng các thành viên trong đoàn công tác thiện nguyện ra đảo tặng quà lần này có mặt tại cảng biển Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Anh Nguyễn Văn Hiển, nhân viên lái tàu giúp từng thành viên trong đoàn công tác chúng tôi lên tàu. Máy tàu bắt đầu khởi động. Tiếng còi ngân lên một hồi. Tàu rời cảng, thẳng tiến ra khơi. Anh Nguyễn Văn Hiển tay nắm chặt vô lăng, mắt chăm chú nhìn về phía khơi xa.
Biết chúng tôi lần đầu ra đảo, anh Hiển vừa lái tàu, vừa hồ hởi giới thiệu qua về Cồn Cỏ. Anh là một trong 43 thanh niên xung phong tình nguyện ra xây dựng đảo năm xưa. Có lẽ cũng bởi Cồn Cỏ đã trở thành quê hương thứ hai của mình, nên anh tỏ ra khá am tường về nơi đây. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có 5 anh, chị, em ở huyện nghèo Vĩnh Linh (Quảng Trị).
Đầu năm 2002, khi hay tin Tổng đội thanh niên xung phong tỉnh Quảng Trị có chủ trương đưa thanh niên ra xây dựng đảo Cồn Cỏ thành “Đảo thanh niên”, anh liền viết đơn tình nguyện tham gia. “Ngày ấy, mình mới bước sang tuổi 23. Nghe mình nói sẽ ra đảo ở, người thân không ủng hộ mình cho lắm. Nhưng, mình đã quyết rồi...và mình chỉ muốn sớm làm điều gì đó cho đảo mà thôi!”, anh Hiển nhớ lại.
Đoàn công tác của Báo CAND và Công ty Phượng Hoàng tặng quà động viên tới các gia đình xung phong ra xây dựng đảo năm 2002.
Cồn Cỏ vào những năm 2002, 2003, khó khăn chất chồng. Không chỉ là nơi thường xuyên phải “đối mặt” với bão biển, hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng thiếu thốn đủ bề. Điện, nước, phương tiện liên lạc dường như là cái gì đó thật… xa xỉ. Trong khó khăn, hạnh phúc đã đến với chàng thanh niên xung phong Hiển, khi anh và cô gái trẻ Nguyễn Thị Lan cùng ra xây dựng đảo với anh bén duyên. Cuối năm đó - 2002, hai người đã quyết định kết hôn.
Tin báo hỷ nhanh chóng truyền về quê nhà. Mọi người như quên hết chuyện xưa, ai cũng chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Thời gian sau đó, Huyện đảo tạo điều kiện cho anh đi học lớp lái tàu. Ra trường, anh được tuyển làm nhân viên lái tàu công vụ cho đảo. Còn vợ anh - chị Lan, hằng ngày tất bật với công việc kinh doanh dịch vụ ăn uống của mình.
“Giờ, vợ chồng mình có hai cháu rồi. Cháu đầu mình đưa về quê để ông bà nội trông, còn cháu thứ hai ở trên đảo cùng bọn mình. Khó khăn trong cuộc sống cũng dần được đẩy lùi”, anh Hiển tiếp lời.
Những bước chân tình nguyện của 43 thanh niên xung phong ngày ấy đã cùng với quân, dân trên đảo đặt dấu mốc cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đảo Cồn Cỏ. Để đảo tiền tiêu Cồn Cỏ sớm trở thành điểm du lịch, nơi có đời sống kinh tế, quốc phòng, an ninh vững mạnh, ngày 1-10-2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 174/2004/NĐ-CP thành lập Huyện đảo Cồn Cỏ.
Ước mơ được gắn bó lâu dài với đảo
12h15, sau hai giờ đồng hồ chòng chành trên biển, Huyện đảo Cồn Cỏ với nhiều gam màu hiện ra trước mắt chúng tôi. Dẫu không nói ra, song ai trong đoàn công tác cũng thấy hồ hởi. Anh Nguyễn Văn Thành, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Huyện đảo Cồn Cỏ ra tận cầu cảng đón chúng tôi. Anh bắt tay khá chặt từng thành viên trong đoàn công tác.
Trên chiếc xe bán tải “đặc chủng” được lắp thêm hai hàng ghế phục vụ khách lên đảo, anh Thành giới thiệu khá tỉ mỉ đặc điểm, tình hình của đảo. Anh Thành bảo, có được những đổi thay trên đảo ngày hôm nay không thể không kể đến những đóng góp của các bạn đoàn viên thanh niên xung phong ra xây dựng đảo.
Như để chứng minh cho chúng tôi thấy sức sống mãnh liệt và sự nhiệt huyết của những người con gắn liền với biển đảo quê hương Cồn Cỏ, chiều cùng ngày, sau khi đi tham quan một vòng quanh đảo, anh Thành đã dẫn chúng tôi đến với khu làng thanh niên xung phong của đảo. Những ngôi nhà mái bằng khang trang chạy dài trên con đường thảm nhựa, bất giác khiến chúng tôi có cảm tưởng nơi đây là đất liền chứ không phải ở hòn đảo giữa trùng khơi. Một số hộ gia đình còn kiêm thêm dịch vụ cung cấp đồ ăn, nước giải khát.
Thấy khách đến, cháu Hồ Thị Thanh Hương để em trai chơi một mình, rồi lấy ghế mời khách ngồi. Nghe anh Thành gọi nước mía, bé Hương nhanh nhẹn mở máy, ép từng cây mía. Tranh thủ trò chuyện, chúng tôi được biết, bé Hương là con gái lớn của vợ chồng Hồ Văn Lịch, chị Hoàng Thị Thủy – là những thanh niên xung phong tình nguyện ra xây dựng đảo vào năm 2002.
Ngày bé, Hương ở cùng bố mẹ trên đảo. Khi hết tuổi mẫu giáo, Hương được bố mẹ đưa về quê theo học lớp 1. Hiện, Hương đang theo học lớp 7 và dịp nghỉ hè này, Hương lại ra đảo chơi. Bé Hương bảo, sau này khi lớn lên đi làm, em cũng sẽ giống bố mẹ mình, ra góp sức mình, xây dựng đảo.
Chứng kiến hình ảnh bé Hương vừa trông em, vừa phụ giúp bố mẹ bán hàng, một cảm giác khó tả xuất hiện trong chúng tôi. Khó khăn, vất vả đã nhường chỗ cho sức sống mãnh liệt trên đảo. Năm 2016, trước chủ trương của tỉnh Quảng Trị, Huyện đảo Cồn Cỏ, nhiều hộ gia đình ở đất liền đã tình nguyện, xung phong ra xây dựng, phát triển đảo.
Hôm chúng tôi đến đảo, cũng là lúc mà các hộ gia đình mới ra đây sinh sống được UBND huyện mời lên trụ sở tập huấn công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Dù mới ra đảo được hơn 1 tháng, song nước da của anh Lê Văn Thượng đen đi nhiều vì những lần vươn khơi đánh bắt hải sản. Anh Thượng cho biết, anh quê ở xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị).
Ngày trước, được nghe nhiều về sự đổi thay trên đảo Cồn Cỏ và bản thân ước muốn được gắn bó với đảo nên nhân có chủ trương của tỉnh Quảng Trị, anh cùng vợ là chị Nguyễn Thị Khuyên viết đơn tình nguyện ra đảo. Ngày ngày, anh sử dụng thuyền ra khơi đánh bắt hải sản, còn chị Khuyên ở nhà nội trợ, mở quán bán hàng dịch vụ.
Tâm sự của vợ chồng anh Thượng, chị Khuyên cũng là suy nghĩ chung của gần 10 hộ gia đình mới ra đảo, lập nghiệp vào tháng 6-2017 vừa qua. Rồi đây, ước mơ được gắn bó, sát cánh cùng sự phát triển, đổi thay trên đảo tiền tiêu Cồn Cỏ của quân và dân trên đảo chắc chắn sẽ thành hiện thực.
Trong chuyến ra thăm đảo Cồn Cỏ vào ngày 6-7 vừa qua, đoàn công tác của Báo CAND và Công ty TNHH Phát triển du lịch quốc tế Phượng Hoàng đã dành 10 phần quà gửi tặng 10 trường hợp thuộc Tổng đội thanh niên xung phong ra tình nguyện xây dựng đảo vào năm 2002, với mong muốn chia sẻ, động viên các gia đình tiếp tục vượt khó, chung tay xây dựng đảo vững mạnh.
Trần Huy