Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Bộ trưởng Villegas cho biết thành quả của cuộc chiến chống ma túy ở nước này trong năm qua có được là nhờ sự phối hợp đáng kể của các nhà chức trách Panama. Theo Bộ trưởng Villegas, mặc dù không phải là nước sản xuất ma túy nhưng nước láng giềng Panama là quốc gia trung gian để vận chuyển chất gây nghiện tới nước thứ ba. Việc nước này đóng cửa biên giới với các hoạt động vận chuyển ma túy đóng góp nhiều cho cuộc chiến chống các băng đảng tội phạm.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của chính quyền Bogota trong cuộc chiến chống ma túy, Colombia hiện vẫn là nước sản xuất cocaine hàng đầu thế giới với sản lượng lên đến 646 tấn trong năm ngoái. Diện tích trồng cây coca, dùng để chiết xuất cocain, ở Colombia đã tăng từ 69.000 hécta năm 2014 lên 96.000 hécta năm 2015. Trong khi đó, Mỹ là thị trường tiêu thụ cocaine số một của Colombia.
Mới đây, phát biểu tại lễ nhận giải Nobel Hòa bình, tại Oslo (Na Uy), Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos (Hoan Ma-un-ên Xan-tốt) kêu gọi thay đổi chiến thuật trong cuộc chiến chống ma túy toàn cầu bởi sau nhiều thập kỷ thực hiện, các nước vẫn chưa thu được những thành công to lớn. Ông này khẳng định sẽ là vô lý khi những người trồng cây thuốc phiện bị bắt giam, trong khi tại 8 bang ở Mỹ việc sử dụng ma túy là hợp pháp. Tổng thống Santos cam kết sẽ tiếp tục đấu tranh chống ma túy tại Colombia và đây là cuộc chiến để lại hậu quả tồi tệ nhất trong các loại chiến tranh. Theo ông, vấn đề tội phạm ma túy là vấn đề toàn cầu, do đó cuộc chiến này đòi hỏi giải pháp mang tính toàn cầu.
* Australia ngày 21/12 đã truy tố 10 người nước ngoài với tội danh âm mưu "tuồn" 186 kg cocaine vào nước này.
Lực lượng Biên giới Australia (ABF) cho biết sau một chiến dịch dài ngày trên biển, 10 đối tượng tuổi từ 23 đến 50 tuổi đã buộc tội và đang đối mặt với án tù chung thân với tội danh trên. Theo hãng ABCNews, 10 đối tượng trên đều là người Trung Quốc. Hiện giới chức Australia đang điều tra về nguồn gốc cũng như điểm đến của lượng ma túy trên./.
Theo TTXVN