Đó là một trong những nội dung của Kế hoạch thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa" trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2019-2021 do UBND thành phố vừa ban hành nhằm giảm thiểu tác hại của chất thải nhựa.
Cũng theo Kế hoạch, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp hạn chế sử dụng nước uống đóng chai (có thể tích 330ml-500ml) trong công sở và khi tổ chức các hội nghị, hội thảo, chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn (>20 lít), hoặc tự đun nấu, sử dụng các vật dụng chứa đựng sử dụng nhiều lần, vật liệu thân thiện môi trường.
Không dùng ly nhựa, ống hút nhựa... sử dụng một lần trong tất cả hoạt động hàng ngày của cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, trường học, cơ sở y tế... và tại hội nghị, hội thảo, cuộc họp.
Bắt đầu từ năm 2020, Sở Tài chính TP sẽ không bố trí kinh phí cho các khoản chi trong cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp để mua các sản phẩm nhựa dùng một lần.
TP Hồ Chí Minh lên kế hoạch đẩy mạnh việc tổ chức thu gom, tái chế chất thải nhựa trên địa bàn thành phố.
Ảnh minh họa. Ảnh: Chi Mai
TP cũng yêu cầu đến hết ngày 31/12/2020, tất cả hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách... sử dụng các bao bì thân thiện môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy; các tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 50% sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng.
Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng tiện lợi, nhà sách... có các hình thức khuyến khích người tiêu dùng mang túi khi mua sắm, hạn chế hoặc không phát miễn phí túi ni lông cho người tiêu dùng; hướng đến việc tính phí túi, bao bì đựng hàng hóa đối với người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng khi không đem túi khi đi mua sắm; nghiên cứu bố trí điểm thu hồi túi ni lông đã qua sử dụng...
Các cửa hàng tiện lợi, các cửa hàng ăn uống... có chính sách giảm giá, tích lũy điểm cho những khách hàng có mang theo sản phẩm để chứa, đựng hàng hóa, thức ăn, nước uống...
UBND TP cũng yêu cầu đưa nội dung giáo dục về tác hại của chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy đối với môi trường, hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn vào chương trình giảng dạy ở các cấp học trên địa bàn TP.
Bên cạnh đó, TP cũng lên kế hoạch đẩy mạnh việc tổ chức thu gom, tái chế chất thải nhựa, túi ni lông trên địa bàn thành phố, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm và biểu dương khen thưởng các tập thể cá nhân thực hiện tốt việc chống rác thải nhựa.
Theo ông Bùi Trọng Hiếu - chủ tịch HĐTV Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP, qua các số liệu nghiên cứu cho thấy trong khoảng 9.000 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh hằng ngày trên địa bàn TP có 1.800 tấn rác thải nhựa (chiếm tỉ lệ hơn 20%). Tuy vậy chỉ có khoảng 200 tấn được thu hồi tái chế (chiếm khoảng 11% lượng rác thải nhựa).
Giải pháp căn cơ để hạn chế rác thải nhựa tốt nhất hiện nay là đẩy mạnh công tác phân loại rác tại nguồn, tại các hộ gia đình. Vì vậy, chủ nguồn thải sẽ phân rác ra làm 3 loại: rác hữu cơ (thức ăn thừa, lá cây, rau củ quả, xác động vật); rác tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, nilon, thủy tinh) và rác thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại). Đồng thời thay đổi thói quen sử dụng bao nilon, ly ống hút nhựa chứa các loại thực phẩm và nước uống bằng cách sử dụng các sản phẩm gói thân thiện với môi trường như lá chuối, lạt mềm và bình thủy tinh đựng nước uống. /.
Chi Mai