Phát biểu tại buổi họp báo, ông Fujita Yasuo, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam khẳng định: “Các hoạt động giao lưu giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản đang ngày càng tích cực và đa dạng hơn, mối quan hệ giữa hai nước trở nên vô cùng hữu hảo. Năm tài khóa 2016 đã diễn ra nhiều hoạt động giao lưu giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Nhật Bản và Việt Nam, cụ thể như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới thăm Việt Nam lần thứ hai; Nhật hoàng và Hoàng hậu lần đầu tiên tới thăm Việt Nam; vào tháng 5/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghi cấp cao G7 tại Nhật Bản… Ngoài ra, tháng 9/ 2016, Chủ tịch mới của JICA là ông Kitaoka ngay sau khi nhậm chức đã sang thăm Việt Nam đầu tiên và đã trao đổi ý kiến với các nhà lãnh đạo cao cấp của Chính phủ Việt Nam”.
Ông Fujita Yasuo nhấn mạnh, JICA – với vai trò là cơ quan thực hiện các hoạt động hợp tác phát triển của Nhật Bản, dưới sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Nhật Bản và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, đã và đang thực hiện sứ mệnh đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội Việt Nam, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu hảo giữa hai quốc gia.
Trưởng đại diện JICA Việt Nam đã điểm lại những kết quả đạt được của JICA trong năm tài khóa 2016 (từ tháng 4/2016 đến 3/2017) cũng như những định hướng và dự kiến hoạt động trong năm tài khóa 2017 (từ 4/2017 đến 3/2018).
Theo đó, trong năm tài khóa 2016, JICA tiếp tục tập trung vào việc thực hiện hợp tác phát triển dựa trên 3 trụ cột chính là “Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế”, “Tăng cường quản trị nhà nước” và “Hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương”.
Tổng số khoản vay viện trợ phát triển chính thức (ODA) đã cam kết trong năm tài khóa 2016 là 187,1 tỷ Yên (năm tài khóa trước là khoảng 189,9 tỷ Yên), khoản vay thực tế là 175,6 tỷ Yên (năm tài khóa trước là khoảng179,5 tỷ Yên). Viện trợ không hoàn lại trị giá 390 triệu Yên.
Về hợp tác kỹ thuật, 15 dự án đã được hoàn thành, 8 dự án bắt đầu triển khai. Tổng số dự án hỗ trợ kỹ thuật đang thực hiện (bao gồm SATREPS) là 32 dự án tính đến thời điểm ngày 20/4.
Về dự án hợp tác tư nhân, 21 dự án mới bắt đầu triển khai, 14 dự án đã hoàn thành. Tính đến ngày 20/4, tổng số dự án hợp tác tư nhân đang thực hiện là 39 dự án.
Về hợp tác kỹ thuật cấp cơ sở, 12 dự án mới bắt đầu triển khai, 15 dự án đã hoàn thành. Hiện có tổng số 24 dự án hợp tác kỹ thuật cấp cơ sở đang được thực hiện tính đến thời điểm ngày 20/4.
Về chương trình phái cử tình nguyện viên, hiện có gần 50 tình nguyện viên hợp tác hải ngoại Nhật Bản và tình nguyện viên cao cấp đang triển khai hoạt động tại Việt Nam. Lĩnh vực chủ yếu là y tế, giáo dục, đào tạo tiếng Nhật, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Ông Fujita Yasuo cũng chỉ ra những vấn đề tồn tại trong năm tài khóa 2016 như: sự chậm trễ trong việc đưa ra quyết định hay giải phóng mặt bằng chậm, việc siết chặt quản lý nợ công cũng khiến vấn đề thanh toán nợ bị chậm lại…
Tại buổi họp báo, ông Fujita Yasuo cũng đã đưa ra những định hướng trọng tâm trong năm tài khóa 2017. Theo đó, JICA sẽ tích cực thảo luận với Chính phủ Việt Nam về các vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam và xem xét mức độ ưu tiên giải quyết các vấn đề này.
Vào tháng 4/2017, JICA bắt đầu thực hiện xây dựng “Mục tiêu trung hạn”, “Kế hoạch trung hạn” (từ năm 2017 đến năm 2021). Trong đó, Việt Nam là quốc gia có nhiều các dự án quy mô lớn nhất của JICA. Để hiện thực hóa được các mục tiêu cũng như kế hoạch trung hạn trên, JICA sẽ tiến hành tập trung triển khai các dự án tại Việt Nam. Ngoài ra, “Chiến lược hỗ trợ đối với từng quốc gia của JICA” đối với Việt Nam dự kiến cũng sẽ thay đổi trong năm nay. Về cơ bản, cơ cấu 3 trụ cột chính của JICA là không thay đổi, trong đó các nội dung thực hiện sẽ được xem xét điều chỉnh dần tùy thuộc vào các chính sách của Chính phủ Nhật Bản, nhu cầu của Chính phủ Việt Nam cũng như các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Điểm nổi bật trong các hoạt động của JICA trong năm tài khóa 2017 là việc công bố và đưa vào vận hành Hệ thống theo dõi thực hiện dự án qua website (JICA Web Project Monitoring) đối với các dự án vốn vay ODA Nhật Bản. Hệ thống này sẽ giúp chia sẻ tình hình thực hiện việc cung ứng cũng như giải ngân vốn vay với các bên liên quan, qua đó thực hiện dự án một cách hiệu quả và công khai thông tin tới người dân thông qua trang web:
http://odaloan.monitoring.jica.go.jp/Monitoring/.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về các dự án cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường tại Việt Nam, ông Fujita Yasuo cho biết: JICA có nhiều dự án liên quan trực tiếp đến môi trường (như môi trường nước, trồng rừng, biến đổi khí hậu,…) và các dự án khác cũng luôn được cân nhắc để thân thiện với môi trường. Ông khẳng định, trước khi thực hiện bất kỳ dự án nào, Nhật Bản đều có giai đoạn nghiên cứu khả thi, trong đó sẽ có những đánh giá về môi trường kỹ càng, trong quá trình thực hiện sẽ luôn đề cao yếu tố đảm bảo an toàn môi trường cho người dân./.
Kiều Giang