Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9/2019, về cơ bản các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo tổng hợp của Bộ Tài chính thì tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2017, có 526 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Như vậy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 707/QĐ-TTg, các cơ quan, đơn vị sẽ phải thực hiện xây dựng phương án cơ cấu lại trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với 526 DNNN.
Còn tính đến ngày 30/9/2019, đã có 148 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại theo Quyết định số 707/QĐ-TTg. Số lượng doanh nghiệp chưa được phê duyệt phương án cơ cấu lại là 378 doanh nghiệp (chiếm 71%).
Trong đó, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa nắm bắt được tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 707/QĐ-TTg nêu trên, theo đó chưa thực hiện phê duyệt phương án cơ cấu lại tổng công ty, DNNN như: Bộ Văn hóa-Thể thao và Du Lịch, các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Nam, Bạc Liêu...
Một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN đã trình chủ sở hữu phương án cơ cấu lại, đang xem xét, phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, các DNNN thuộc TPHCM...
Về việc cổ phần hóa, trong 9 tháng đầu năm 2019 có 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, tuy nhiên trong đó chỉ có 3 doanh nghiệp thuộc danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg. Tổng giá trị của 9 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 780 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 670 tỷ đồng.
Lũy kế giai đoạn 2016-tháng 9/2019, đã có 168 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 168 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 36/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch), số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp. Qua số liệu trên cho thấy tình hình thực hiện cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rất chậm, cụ thể:
Những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa đến năm 2020 là: TP. Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (4 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; TPHCM cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 6 doanh nghiệp (3 Tập đoàn, 3 Tổng công ty); Bộ Công Thương cổ phần hóa 4 doanh nghiệp (3 Tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 2 Tổng công ty.
Về thoái vốn, lũy kế trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9/2019, cả nước đã thoái được 24.510 tỷ đồng, thu về 170.629 tỷ đồng.
Tình hình bán đấu giá qua Sở Giao dịch chứng khoán tính đến tháng 9/2019: Số doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn 9 tháng đầu năm 2019 bằng 45% so với năm 2018. Tổng giá trị thực tế bán được đạt hơn 4.771 tỷ đồng, bằng hơn 12% tổng giá trị thực tế bán được năm 2018, bằng hơn 3,7% tổng giá trị thực tế bán được năm 2017.
Nguyên nhân là do trong 9 tháng đầu năm 2019, số lượng các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn ít; không có doanh nghiệp lớn nào thực hiện bán đấu giá cổ phần hóa, thoái vốn.
Về tình hình chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), trong 9 tháng đầu năm 2019, có 2 doanh nghiệp bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC. Số doanh nghiệp chưa chuyển giao gồm 30 doanh nghiệp với tổng số vốn nhà nước là 630 tỷ đồng.
Như vậy, tính đến hết tháng 9/2019 đã chuyển giao 32/62 số doanh nghiệp về SCIC (đạt 51%) với tổng giá trị chuyển giao là 10.437,7 tỷ đồng (đạt 95%), còn 30 doanh nghiệp chưa chuyển giao về SCIC với giá trị chuyển giao là 630 tỷ đồng (chiếm 5%).
Về tình hình đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, tính đến ngày 30/9/2019, theo rà soát, tổng hợp của Bộ Tài chính, có 840 DNNN cổ phần hóa đã đăng ký giao dịch, niêm yết trên hai Sở Giao dịch chứng khoán (trong đó, số lượng doanh nghiệp niêm yết là 314 doanh nghiệp; số lượng doanh nghiệp đăng ký giao dịch là 526 doanh nghiệp), còn 755 DNNN cổ phần hóa chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Đến nay, Uỷ ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) đã ra quyết định xử phạt đối với 28 doanh nghiệp, trong đó có một số doanh nghiệp bị xử phạt với mức phạt rất cao, số tiền phạt là 350 triệu đồng do không thực hiện đăng ký giao dịch theo quy định.
Về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương, Bộ Tài chính nhận định “đã đạt được một số tín hiệu tốt”.
Cụ thể, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, 4 dự án còn đang thua lỗ đã từng bước khắc phục khó khăn, tiếp tục giảm được lỗ; đối với 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh, đến nay đã có 1 dự án vận hành sản xuất trở lại, 2 dự án đã đủ điều kiện vận hành trở lại nhưng do thị trường khó khăn nên vẫn dừng sản xuất; đang tiếp tục triển khai công tác xử lý đối với 3 dự án xây dựng dở dang.
Việc xử lý các dự án đã bảo đảm thực hiện theo đúng nguyên tắc của cơ chế thị trường; tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án.
Bộ Tài chính cho biết, sau Hội nghị đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước năm 2018, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN đã nghiêm túc, khẩn trương thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Cụ thể, các cơ chế chính sách và hệ thống pháp luật về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN tiếp tục được ban hành, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, đảm bảo chặt chẽ, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN ngày càng tăng, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. DNNN có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước; đã và đang trực tiếp nắm giữ tỷ trọng đa số hoặc chi phối được một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như tài chính, tín dụng, năng lượng, viễn thông, sản phẩm, dịch vụ công ích, khai thác tài nguyên, khoáng sản, công trình công cộng, thủy lợi, hoa tiêu,…
Mặc dù vậy, vẫn có những hạn chế như chưa rõ ràng về một số khái niệm liên quan đến DNNN trong Luật cũng như thuật ngữ “vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp”, dẫn đến khó khăn trong việc xác định thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng trong triển khai thực hiện, do đó phải rà soát, sửa đổi cho phù hợp.
Một số bộ, ngành, địa phương phản ánh còn gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện một số nội dung về sắp xếp, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị các quyền sở hữu trí tuệ bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử, phần vốn nhà nước để cổ phần hóa, thoái vốn theo quy định.
Việc chuyển giao các doanh nghiệp sau cổ phần hóa về SCIC; đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán; quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần; chấp hành chế độ báo cáo chưa được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, quyết liệt tại một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước…
Việc quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các doanh nghiệp đã cổ phần hóa chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần còn chậm, làm ảnh hưởng đến việc xác định phần vốn nhà nước thu nộp các khoản thu từ cổ phần hóa theo quy định như: Tổng công ty Thép Việt Nam (đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ ngày 29/9/2011), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ ngày 29/1/2015), Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – VEAM (đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ ngày 24/1/2017)...
Việc rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn, nhiều quy trình thủ tục mất nhiều thời gian do lịch sử pháp lý đất đai phức tạp, địa phương phê duyệt chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định.
Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân khách quan của những hạn chế là do quy mô thị trường chứng khoán trong nước còn chưa đủ lớn, khó có thể hấp thụ hết toàn bộ số vốn mà DNNN thực hiện cổ phần hóa.
Các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại giai đoạn này hầu hết là các doanh nghiệp lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai; hoặc là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích…
Trong quá trình tổ chức thực hiện, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.
Anh Minh