CÓ NHỮNG “TUỔI XANH” NHƯ THÊ! 

Giữa cái nắng xuân dịu nhẹ của tháng 3, giữa không khí hân hoan của tuổi trẻ cả nước chào mừng Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trong tôi bỗng trào dâng những xúc cảm bồi hồi khó tả khi nghĩ về những con người đã hiến dâng “tuổi xanh” của mình, góp phần “làm nên dáng hình đất nước”.

Khe khẽ, thầm thì trong gió xuân lời thơ của thi sĩ Thanh Thảo:

                                         Chúng tôi đi không tiếc đời mình

                                           Nhưng tuổi hai mươi làm sao chẳng tiếc

                                           Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi

                                          Thì làm chi còn tổ quốc.

  Có thể nói, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã có bao thế hệ thanh niên của dân tộc ra đi chiến đấu với lí tưởng cao đẹp đó; bao người đã ngã xuống tô thắm màu cờ tổ quốc, để lại những trang nhật kí còn dang dở… Ngày ấy, những người lính tuổi 20 đi vào chiến trường như một lẽ tự nhiên, lặng lẽ chia tay mẹ, chia tay người thân với “nước mắt chỉ để dành cho ngày gặp mặt”. Máu lửa ở phía trước nhưng không mấy ai chùn lòng. Lần giở từng trang sử hào hùng của dân tộc, ta không khỏi tự hào, xen lẫn niềm tiếc thương cho những người con của Tổ quốc đã nằm lại trên những mảnh đất lành quê hương, “mãi mãi tuổi hai mươi”:

Lý Tự Trọng (1914-1931), người con Hà Tĩnh, một trong những người được giao nhiệm vụ thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Tại phiên tòa xét xử, anh tuyên bố: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”. Ngày 21/11/1931, trước khi lên máy chém, chàng trai 17 tuổi đã hô tên Việt Nam và hát bài Quốc tế ca, giữ vững tinh thần cách mạng đến phút cuối đời.

Nguyễn Văn Cừ (1912-1941), người trai Bắc Ninh, tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi, từng bị Pháp bắt, đày đi Côn Đảo. Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 26 tuổi. Tháng 6/1940, anh bị thực dân Pháp bắt, kết án tử hình và bị xử tử vào ngày 28/8/1941. Hy sinh khi còn rất trẻ, nhưng Nguyễn Văn Cừ đã có những đóng góp quan trọng vào cách mạng Việt Nam. 

Nguyễn Văn Trỗi (1940-1964), sinh ra ở mảnh đất Quảng Nam, tham gia Biệt động thành khi gia đình chuyển vào Sài Gòn. Ngày 2/5/1964, anh thay đồng đội nhận nhiệm vụ đặt mìn ở cầu Công Lý ám sát phái đoàn quân sự chính trị cao cấp của Mỹ. Việc bại lộ, anh bị bắt ngày 9/5/1964. Tòa án quân sự chính quyền Việt Nam Cộng hòa kết án tử hình, ra lệnh xử bắn Nguyễn Văn Trỗi vào ngày 15/10/1964 tại khám Chí Hòa. Trong những phút cuối đời, anh không đồng ý bịt mắt, xưng tội và hô vang khẩu hiệu quyết chiến.

Võ Thị Sáu (1933-1952) sinh ra trong gia đình nghèo ở tỉnh Bà Rịa. Trải qua nhiều thử thách, năm 14 tuổi, chị được kết nạp vào Đội Công an xung phong quận Đất Đỏ. Trong quá trình hoạt động, chị Sáu luồn sâu vào vùng địch tạm chiếm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên lạc, nắm tình hình, cung cấp và báo cáo kịp thời cho tổ chức nhiều tin tức quan trọng. Tháng 2/1950, Võ Thị Sáu dùng lựu đạn tấn cônghai tên ác ôn thất bại và bị bắt. Chị bị đày ra Côn Đảo chờ ngày xử tử. Tại đây, chị Sáu được Chi bộ nhà tù Côn Đảo kết nạp chính thức vào Đảng Lao động Việt Nam. Ngày 23/1/1952, trên pháp trường, Võ Thị Sáu vẫn giữ vững khí thế hiên ngang, nhìn thẳng vào họng súng kẻ thù, hô to: “Đả đảo thực dân Pháp, Việt Nam muôn năm, Hồ Chí Minh muôn năm!”.

Nguyễn Viết Xuân (1933-1964) là con gia đình nghèo ở Vĩnh Phúc. Năm 1952, anh nhập ngũ, trở thành chiến sĩ trinh sát, từng giữ chức vụ tiểu đội trưởng trinh sát, trung đội trưởng pháo cao xạ trước khi làm chính trị viên đại đội. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Nguyễn Viết Xuân anh dũng chiến đấu, cùng đồng đội giành chiến thắng. Năm 1964, Mỹ ném bom miền Bắc.  Bất chấp nguy hiểm, Nguyễn Viết Xuân lao ra khỏi công sự, đứng bên khẩu đội 3 đĩnh đạc hô lớn: “Nhằm thẳng quân thù, bắn!”. Bị thương nặng, thiếu úy trẻ thản nhiên bảo y tá cắt chân, chỉ định người thay thế, bình tĩnh phân công nhiệm vụ trước khi hy sinh.

Trần Văn Ơn (1931-1950) là con của một công chức nghèo ở tỉnh Bến Tre. Năm 16 tuổi, anh tham gia phong trào học sinh yêu nước, là thành viên chủ chốt trong phong trào học sinh yêu nước của trường Pétrus Ký. Ngày 9/1/1950, lính Pháp nổ súng vào cuộc biểu tình của học sinh. Anh dũng cảm che chở cho các bạn chạy thoát và anh dũng hy sinh. Hàng chục nghìn người dân Sài Gòn đã xuống đường dự đám tang Trần Văn Ơn. Sau này, ngày 9/1 được lấy làm ngày truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam.

Vừ A Dính (1934-1949) sinh ra trong gia đình người Mông ở tỉnh Lai Châu. Anh giác ngộ cách mạng từ rất sớm, trở thành đội viên liên lạc của đội vũ trang huyện Tuần Giáo khi mới 13 tuổi. Trong một lần làm nhiệm vụ, Vừ A Dính bị giặc bắt. Đòn roi tra tấn dã man không thể khiến chiến sĩ nhỏ tuổi khuất phục. Ngày 15/6/1949, quân Pháp bắn chết Vừ A Dính.

Cù Chính Lan (1930-1951) sinh ra ở Nghệ An. Năm 1946, anh gia nhập Vệ quốc đoàn. Ngày 13/12/1951, trong trận tấn công cứ điểm Giang Mở, tiểu đội trưởng Cù Chính Lan dũng cảm đuổi theo, thả lựu đạn đã rút chốt vào xe tăng địch. Ngày 29/12/1951, trong trận đánh đồn Cô Tô, anh bị thương nặng nhưng vẫn phá mở hàng rào thép gai, dốc hết tinh thần chiến đấu và hy sinh ngay khi trận đánh kết thúc. Năm đó, anh vừa tròn 20 tuổi, là tiểu đội trưởng bộ binh, Đại đoàn 304, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tô Vĩnh Diện (1924-1954) sinh ra ở xã Nông Trường, huyện Nông Cống (nay là huyện Triệu Sơn), tỉnh Thanh Hóa. Anh sinh trưởng trong một gia đình nghèo, lên 8 tuổi đã phải đi ở cho địa chủ, chịu bao cảnh áp bức bất công. Năm 1946, anh tham gia dân quân ở địa phương. Năm 1949, anh xung phong vào bộ đội. Tháng 5 năm 1953, Quân đội ta thành lập các đơn vị pháo cao xạ để chuẩn bị đánh lớn. Tô Vĩnh Diện được điều về làm Tiểu đội trưởng pháo cao xạ, thuộc Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367. Anh nổi tiếng với giai thoại hy sinh thân mình để cứu khẩu pháo không bị lăn xuống vực trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 01/02/1954, anh Tô Vĩnh Diện đã hi sinh tại rừng Pá Có, Điện Biên. Tấm gương hy sinh vô cùng anh dũng của đồng chí Tô Vĩnh Diện đã cổ vũ mạnh mẽ toàn đơn vị vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bế Văn Đàn (1931-1953), là người dân tộc Tày, quê ở xã Quang Vinh (nay là xã Triệu Ẩu), huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng. Xuất thân trong một gia đình nghèo có truyền thống cách mạng, cha làm thợ mỏ, mẹ mất sớm. Lớn lên anh tham gia hoạt động du kích. Bế Văn Đàn nổi tiếng với giai thoại lấy thân mình làm giá súng. Trong lúc lấy thân mình làm giá súng, Bế Văn Đàn bị hai vết thương nữa và đã anh dũng hy sinh, hai tay vẫn còn ghì chặt súng trên vai mình. Bế Văn Đàn là một trong hàng ngàn các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống ở tuổi đôi mươi, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ ''nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng''.

Phan Đình Giót (1922-1954) sinh ở làng Vĩnh Yên, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Phan Đình Giót giữ chức Tiểu đội phó bộ binh Đại đội 58, tiểu đoàn 428, Trung đoàn 312, và là đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam. Chiều ngày 13 tháng 3 năm 1954, đơn vị của ông nổ súng tiêu diệt Him Lam. Bộ đội đại đội 58 lao lên mở đường, đã liên tiếp đánh đến quả bộc phá thứ tám. Phan Đình Giót đánh quả thứ chín thì bị thương vào đùi nhưng vẫn xung phong đánh tiếp quả thứ mười. Sau đó, Phan Đình Giót đánh liên tiếp hai quả bộc phá nữa, phá hàng rào cuối cùng, mở thông đường để quân đội lên đánh lô cốt đầu cầu. Bất ngờ, hỏa điểm lô cốt số 3 của lính Pháp bắn mạnh. Lực lượng xung kích Việt Nam bị ùn lại, Phan Đình Giót đến lô cốt số 3 với ý nghĩ là dập tắt ngay lô cốt này. Phan Đình Giót đã dùng sức (khi đã bị thương, mất máu) nâng tiểu liên bắn vào lỗ châu mai, miệng hô to: " Quyết hy sinh… vì Đảng… vì dân ". Rồi sau đó lao cả thân mình vào bịt kín lỗ châu mai. Hỏa điểm bị dập tắt, quân Việt Nam tiếp tục xung phong tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam vào ngày 13 tháng 3 năm 1954, giành thắng lợi trong trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. 

10 cô gái ngã ba Đồng Lộc là các nữ thanh niên xung phong tuổi từ 17 đến 24. 
Các cô thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, có nhiệm vụ canh giữ giao điểm, phá bom và sửa đường thông xe khi bị bom đánh phá trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh đoạn qua xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Ngày 24/7/1968, 10 cô làm nhiệm vụ như mọi ngày. 16h30, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm, nơi 10 cô gái trẻ đang tránh bom. Tất cả đã chết khi tuổi đời còn rất trẻ, phần lớn trong số họ chưa lập gia đình.

Đặng Thùy Trâm (1942-1970), một  Bác sỹ tuổi đời còn rất trẻ, sinh ra trong gia đình trí thức ở Hà Nội. Năm 1966, sau khi tốt nghiệp loại ưu, chị xung phong vào chiến trường miền Nam với niềm tin chiến thắng, niềm tin đầy thánh thiện của cô gái tuổi đôi mươi, quyết hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho cách mạng.  Sau 3 tháng hành quân, tháng 3/1967, Thùy Trâm đến Quảng Ngãi và được phân công về phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ. Ngày 27/9/1968, chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 22/6/1970, trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, Đặng Thùy Trâm bị địch phục kích. Đứng trước 120 tên lính Mỹ, Trâm vẫn hiên ngang  bảo vệ các thương binh. Chị đã ngã xuống khi chưa đầy 28 tuổi. Những trang nhật ký của chị tái hiện rất chân thật cuộc chiến tranh khốc liệt của nhân dân ta trong những năm đầu thời kì kháng chiến chống Mỹ, để lại bao xúc động cho thế hệ trẻ chúng ta.

Nguyễn Văn Thạc - chàng trai Hà Nội - ra đi mãi mãi khi tuổi đời vừa tròn 20, để lại biết bao niềm thương tiếc lẫn cảm phục. Khi anh bước chân vào ngưỡng cửa đại học cũng là lúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam đang thời kì căng thẳng và ác liệt nhất. Ngày ấy, anh là sinh viên xuất sắc của Khoa Toán –Cơ, đại học Tổng hợp Hà Nội. Nguyễn Văn Thạc đã từng được xếp vào diện đi đào tạo tại Liên Xô. Nhưng trong những năm tháng cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt, anh đã quyết tâm ở lại để tham gia quân đội với lí tưởng cao đẹp Nước còn giặc thì con đi đánh giặc, đánh đến cùng mới thôi”. Anh và cả thế hệ anh, năm tháng ấy đã cởi áo sinh viên khoác lên mình áo lính khi Tổ quốc lâm nguy. Và rồi, người trai Hà Nội ấy đã vĩnh viễn nằm xuống mảnh đất Quảng Trị hơn 40 năm về trước. Những dòng nhật kí cuối cùng ghi vội trên đường hành quân dường như gấp gáp nhưng vẫn còn vẹn nguyên niềm tin, hi vọng vào ngày mai:“Kính chào hậu phương. Chào gia đình và người tôi yêu. Đêm nay tôi đi. Nhất định có ngày trở về thủ đô yêu quý của lòng tôi”. 

Và còn nhiều nữa những tấm gương hi sinh quên mình vì đất nước trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc khi tuổi đời còn rất trẻ. Những chàng trai, cô gái đôi mươi ấy và sự đóng góp, hi sinh của họ cho hình hài Tổ quốc hôm nay sẽ không bao giờ bị lãng quên như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ...”.

Dấu ấn về hai cuộc cuộc kháng chiến chống  Pháp và Mỹ của dân tộc ta dần sẽ  trở thành lịch sử, hoài niệm. Một lớp người mới – những người sinh ra, trưởng thành trong hòa bình sẽ là chứng nhân cho những trang sử mới được viết tiếp. Đó là một hành trình không bao giờ dừng lại, không được phép dừng lại.“Pho lịch sử bằng vàng” được kiến tạo bằng trí tuệ, tâm sức, máu xương của một thế hệ anh hùng cần được người trẻ hôm nay kế thừa với tinh thần tự trọng và tự tin trước lịch sử và thời đại. Tinh thần đó giúp người trẻ minh định được đúng sai, phải - trái, để có một cái đầu lạnh và tâm sáng trước lịch sử. Bởi không ai có thể hun đúc lòng tự hào dân tộc cho người trẻ tốt hơn là chính người trẻ tự hành động. Đồng thời, trong mọi hoàn cảnh, thế hệ trẻ hôm nay cần xây dựng bản lĩnh chính trị, lý tưởng cách mạng, tự rèn luyện và hình thành những “vắcxin” đủ “sức đề kháng” trước những luận điệu xuyên tạc, chống phá, chia rẽ của các thế lực thù địch, phản động. Những việc làm, hành động thiết thực của thế hệ trẻ sẽ là minh chứng sống động nhất cho tình yêu đất nước, là sự tri ân ý nghĩa nhất đối với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Minh Huyền- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

       

930 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1200
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1200
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87107254