Có một vũ điệu Tango chết chóc tại Quảng Trị 

TP - Khi Hiệp định Paris đang đàm phán rồi được ký kết, địch vẫn tiến hành đánh chiếm Cửa Việt, một vị trí chiến lược quân sự do ta nắm giữ. Chiến thắng tại Cửa Việt chẳng những giúp Quân Giải phóng vẫn giữ vững một vị trí chiến lược quan trọng, mà còn tô điểm thêm thắng lợi rực rỡ của ta tại Hiệp định Paris.

Vi phạm Hiệp định Paris

Gần đây, tôi có dịp tham dự cuộc gặp mặt của những người lính xe tăng Tiểu đoàn 66, Trung đoàn 202 (Mặt trận B5), đơn vị tham gia trận đánh tại Cửa Việt năm xưa. Cuộc gặp diễn ra tại nhà cựu chiến binh (CCB) Vũ Thế Cung, thời đó là lái xe thiết giáp của Tiểu đoàn 66. “Sau giải phóng miền Nam, chúng tôi người xuất ngũ, người nhận nhiệm vụ mới… nên anh em ít có dịp gặp gỡ nhau. Nay biết được tin tức của đồng đội cũ, chúng tôi hẹn nhau tới đây để có dịp ôn lại những kỷ niệm đáng nhớ năm xưa”- Đại tá Phạm Văn Hành, thời điểm đánh trận Cửa Việt là Chính trị viên Tiểu đoàn 66, cho biết.

Một số CCB có mặt tại cuộc gặp gỡ trên từng công tác lâu dài tại Binh chủng Tăng-Thiết giáp, nên sau này họ có dịp hiểu tường tận hơn về trận đánh năm xưa tại Cửa Việt. Các anh cho biết, Cửa Việt là một quân cảng chiến lược nằm trên địa phận huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị, là đầu mối giao thông đường thủy quan trọng mở ra biển Đông của vùng Trị-Thiên, nên có ý nghĩa lớn đối với cả ta và địch. Từ sau chiến cục năm 1972, cảng Cửa Việt nằm dưới sự kiểm soát của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (gọi tắt là Quân Giải phóng). Để thực hiện mục tiêu tái chiếm vị trí trọng yếu này, được sự hỗ trợ của Mỹ, tháng 1/1973, Quân lực Việt Nam Cộng hòa (VNCH) mở chiến dịch Tango City nhằm đánh chiếm Cửa Việt trước khi Hiệp định Paris được ký kết. Ý đồ của VNCH là cắt đứt sự chi viện lớn bằng đường biển từ hậu phương vào tiền tuyến cho Quân Giải phóng, đồng thời thiết lập được một đầu cầu quan trọng để tiếp vận cho các cuộc hành quân của họ nhằm vào các vùng do ta kiểm soát. Việc Quân lực VNCH tấn công căn cứ Cửa Việt đã bị Ủy ban Quốc tế về kiểm soát ngừng bắn ở Việt Nam xác định là hành vi vi phạm Hiệp định Paris.

Theo tư liệu về trận đánh tại Cửa Việt năm 1973, để phục vụ Chiến dịch Tango City, một đơn vị với tên gọi Lực lượng đặc nhiệm Tango được thành lập, đặt dưới sự chỉ huy của Sư đoàn Thủy quân Lục chiến (TQLC) thiện chiến, cùng với đó là Thiết đoàn chiến xa 20 và Thiết đoàn kỵ binh được trang bị nhiều xe tăng và xe thiết giáp hiện đại. Hỗ trợ cho lực lượng này còn có hỏa lực của Hạm đội 7 và Không quân Hoa kỳ, cùng với các Lữ đoàn TQLC 147 và 258 tiến đánh trên các hướng thứ yếu.

Về phía Quân Giải phóng, để bảo vệ Cửa Việt cũng tập trung lực lượng mạnh gồm Sư đoàn 320, các Trung đoàn của Sư đoàn 325, 304; Trung đoàn Bộ binh 27, Tiểu đoàn 66 (Trung đoàn 202) cùng một số đơn vị binh chủng và lực lượng địa phương của Quảng Trị. Riêng đối với Tiểu đoàn 66, sau gần 1 năm tham gia chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị đã bị tổn thất khá nhiều nhưng chưa được bổ sung kịp thời, trong khi lại đang làm nhiệm vụ ở cả bờ bắc lẫn bờ nam sông Thạch Hãn nên lực lượng khá mỏng. Tính đến ngày 25/1/1973, lực lượng xe tăng thiết giáp của ta bố trí tại Cửa Việt chỉ có khoảng 5 xe tăng, trong khi lực lượng của địch có tổng cộng cỡ 130 xe tăng thiết giáp các loại. “Tuy nhiên, Quân Giải phóng có lợi thế là chủ động phòng ngự, hệ thống công sự tương đối vững chắc, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ đã trải qua chiến đấu dài ngày nên rất dũng cảm và thiện chiến”- Đại tá Phạm Văn Hành cho biết.

Có một vũ điệu Tango chết chóc tại Quảng Trị - ảnh 1
Chiến sĩ ta trên xác xe tăng M-48 của địch sau trận chiến tại Cửa Việt. Ảnh: Lê Trí Dũng.

Trận chiến lịch sử

Sang ngày 27/1, đúng ngày Hiệp định Paris được ký kết, Quân lực VNCH dùng hỏa lực đánh phá dữ dội trên toàn bộ khu vực nam Cửa Việt, đồng thời tiếp tục tấn công trên toàn tuyến. Lực lượng đặc nhiệm TQLC được hơn 100 xe tăng, xe bọc thép yểm trợ đánh trực diện vào hệ thống phòng thủ của ta. Trước tình hình đó, Tiểu đoàn 66 cho tăng cường 3 xe tăng sang bờ nam nhưng do sóng to, hộp xích bơi không bảo đảm nên chỉ có xe tăng mang số hiệu 476 là tới được trận địa. CCB Đào Hồng Thái, nguyên pháo thủ xe tăng 476 cho biết: “Khi đó, trận đánh diễn ra rất ác liệt. Phía địch tràn lên, tôi đã bắn hết 7 hòm đạn 12 ly 7 đến nỗi tai ù đặc, ảnh hưởng thính giác tới tận bây giờ”. Còn CCB Vũ Thế Cung cho biết: “Tôi là lái xe thiết giáp lắp cao xạ hai nòng 23 ly, chỉ bắn được trên không. Nhưng trong trận chiến đó, cấp chỉ huy đã có sáng tạo tuyệt vời khi hạ lệnh cho tôi chúc nòng pháo xuống độ âm, lại cộng thêm địa hình thoai thoải của cồn cát tại đây khiến đạn pháo của xe lập tức bắn rất hiệu quả tiêu diệt cả xe tăng lẫn bộ binh của địch”…

Có một vũ điệu Tango chết chóc tại Quảng Trị - ảnh 2
(Từ phải sang) Các CCB Phạm Văn Hành, Đào Hồng Thái, Vũ Thế Cung tại cuộc gặp gỡ. Ảnh: Kiến Nghĩa.

Thấy tấn công trực diện không có hiệu quả, phía VNCH thay đổi cách đánh. Tối 27/1, lợi dụng bóng đêm, địch luồn qua khe hở giữa các trận địa phòng ngự của ta để tiến ra Cửa Việt. Khi phát hiện địch, thông tin lập tức được báo lên chỉ huy Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325) để cùng phối hợp tiêu diệt địch. Ngay đợt xuất kích đầu tiên, mặc dù đèn chiếu sáng và kính ngắm hỏng, nhưng  nhờ ưu thế quen thuộc địa hình, xe tăng 704 đã bắn cháy 3, bắn hỏng 1 xe tăng địch. Các xe thiết giáp khác cũng diệt được nhiều địch buộc chúng phải lùi lại để củng cố. Sau đó, phía VNCH sử dụng pháo binh bắn mạnh vào trận địa của ta rồi tiếp tục tấn công. Nhưng nhờ thông thuộc địa hình, ta lại bắn cháy vài xe tăng địch và đẩy lui chúng lần thứ hai. Đến lần thứ ba, khi địch tập trung lực lượng tiếp tục đánh, ta lập tức điều hai xe thiết giáp lắp pháo cao xạ cơ động đánh vào sườn khiến địch phải rút lui.

Theo Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973, Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực vào 8 giờ sáng ngày 28/1. Trước tình hình đó, địch vẫn ngoan cố tập trung lực lượng đánh chiếm được một phần đất của ta. Tiếp đó, chúng hình thành 4 cụm quân trên bãi biển, mỗi cụm cách nhau 1.000 mét, cụm gần nhất cách cảng Cửa Việt 700 mét để tập trung đánh chiếm căn cứ quân sự này của ta. Tại mỗi cụm địch đều bố trí xe tăng, thiết giáp ở vòng ngoài, phía trong là bộ binh. Quân ta lập tức có biện pháp đối ứng để giữ cảng Cửa Việt, khiến địch sau vài ngày đánh chiếm vẫn không đạt được mục đích. Trong chiến trận giằng co, địch bị thiệt hại nặng, trong khi số lượng xe tăng của ta tham chiến tại Cửa Việt cũng bị cháy hết. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 quyết định điều một số xe tăng của Trung đoàn 203 từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến Cửa Việt để tiếp ứng. Sáng 31/1, ta bắt đầu phản công, hỏa lực pháo cối bắn mạnh vào cụm 1 và 2 của địch, sau đó thừa thắng tấn công vào cụm số 3. Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 31/1, toàn bộ lực lượng VNCH bị thiệt hại nặng, phải rút khỏi khu vực bờ nam Cửa Việt. Chiến dịch Tango City thất bại hoàn toàn, vùng giải phóng được khôi phục lại như trước ngày 25/1/1973.

Trận đánh tại Cửa Việt thắng lợi nhờ sự phối hợp tốt giữa các lực lượng quân sự của ta. “Xét riêng về lực lượng tăng thiết giáp trong trận này, mặc dù số lượng quá chênh lệch, nhưng nhờ tinh thần chiến đấu dũng cảm và cách đánh phù hợp nên đã đạt hiệu suất rất cao, góp phần không nhỏ vào chiến thắng chung”- các CCB Tiểu đoàn 66 cho biết.

 

KIẾN NGHĨA

1667 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 696
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 696
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87266662