Ngược dòng thời gian trở về những năm tháng không quên, sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước cũng là thời điểm Nông trường Tân Lâm hình thành và phát triển, đây cũng là lúc cả nước bước vào giai đoạn hàn gắn vết thương và dựng xây kiến thiết. Những công nhân nông trường lúc bấy giờ là những người lính, người nông dân ra đi từ những miền quê đã tiến hành rà phá bom mìn, đạn pháo, tháo dỡ dây kẽm gai bùng nhùng, san lấp hố bom, tạo nên một vùng rộng lớn đất đỏ ba zan để trồng cây công nghiệp. Ông Nguyễn Trọng, Trưởng làng Tân xuân 2 chia sẻ: “ Đã có không ít người bị trúng mìn hy sinh hoặc để lại một phần cơ thể nơi mảnh đất này. Tuy nhiên, lúc ấy ai cũng hừng hực khí thế xây dựng vùng quê mới của mình nên ngày đêm hăng say lao động sản xuất không ngừng nghỉ, trong hoàn cảnh gạo cơm và cơ sở vật chất thiếu thốn”.
Tiếp những năm sau đó, bước vào thời điểm sắp xếp lại sản xuất, thích ứng với cơ chế thị trường, một bộ phận đất đai, dân số đã được chuyển cho huyện Cam Lộ và hình thành nên thôn Tân Xuân 2 như ta thấy ngày nay. Khu dân cư Tân xuân 2 có chiều dài trên 3 km, phía Bắc giáp với dòng sông Hiếu, phía Tây giáp với thôn Tân Xuân 1, phía Đông giáp với thôn Tân Tường. Với 180 hộ 664 khẩu, tập quán, lối sống tương đồng nhau, ngành nghề sản xuất đa dạng. Những năm qua, Tân Xuân 2 đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thâm canh, từng bước đa dạng hóa, mạnh dạn đầu tư vào các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao.
Một góc khung cảnh thanh bình của Tân Xuân 2.
Đáng mừng là người dân Tân Xuân 2 hôm nay nói riêng và người dân xã Cam Thành, Cam Lộ nói chung đã không phụ lòng những người có công khai khẩn, khai canh thuở trước. Đất đai đã được quy hoạch, đưa vào sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả kinh tế. Không một diện tích đất nào bị bỏ hoang phí. Mảnh vườn nào cũng cố gắng thâm canh để đạt giá trị thu nhập cao nhất trên diện tích canh tác nhỏ nhất. Mô hình làm ăn mới như nuôi lợn, gà phát triển kinh tế trang trại, mở rộng diện tích cây cao su, hồ tiêu, chăn nuôi kết hợp với trồng trọt xuất hiện ngày càng nhiều, đem lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân. Hiện thôn có tổng diện tích 132 ha cao su, 105 ha cây lâm nghiệp. Nhiều gia đình tận dụng vùng gò đồi để trồng rừng; khe suối để trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò, dê, gà, góp phần tăng thu nhập và tạo nguồn phân bón cho cây trồng.
Bên cạnh việc phát triển các thế mạnh kinh tế vùng gò đồi bán sơn địa, nhiều hộ dân đã có những hướng đi mới tăng thu nhập kinh tế gia đình từ những cây cỏ bình dị trên đồi, dưới bãi. Đó là nghề nấu cao dược liệu từ những cây thuốc nam. Qua tìm hiểu được biết hiện trong thôn có trên 10 hộ kinh doanh từ nghề này, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động đi hái lá, đào rễ cây phục vụ cho việc nấu cao này. Bà Nguyễn Thị Phước, năm nay đã 80 tuổi tuy nhiên khi mới ban đầu chắc hẳn không ai nghĩ bà thuộc tuổi cao niên đến vậy. Bà cho biết, hiện nấu rất nhiều loại cao như: cao lá vằng, cao cà gai leo, sâm cau… có công dụng vừa tăng bồi bổ sức khỏe, vừa chữa trị nhiều chứng bệnh. Các loại cao của vùng này đã có thương hiệu, được người dân tứ xứ tin dùng và đem lại nguồn thu khá ổn định cho người dân
Bà Nguyễn Thị Phước, một hộ nấu cao tại Tân Xuân 2
Trong quá trình phát triển của mình, cán bộ và nhân dân Tân Xuân luôn đoàn kết một lòng, chung lưng đấu cật để vượt qua gian khó. Tự hào là một vùng quê được UBND tỉnh Quảng trị công nhận làng văn hóa năm 2005 và đơn vị văn hóa xuất sắc năm 2009, người dân Tân Xuân 2 tiếp tục hành trình phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong những năm qua đã đạt được những kết quả đáng mừng. Những vườn hoa tỏa hương khoe sắc như thế này được nhìn thấy khắp nơi trên địa bàn của thôn. Tạo nên một cảnh quan, diện mạo mới cho bức tranh nông thôn,gần gũi mà hiện đại, văn minh. ”, Bà Nguyễn Thị Liên, Chi Hội trưởng phụ nữ thôn Tân Xuân 2, cho biết: “Có được những kết quả trên, bên cạnh vai trò lãnh đạo của đảng, chính quyền thì các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị ở khu dân cư thường xuyên được củng cố và hoạt động có hiệu quả”.
Ông Nguyễn Mai Hùng, Trưởng thôn Tân Xuân 2, vui mừng chia sẻ: “Năm 2018, xã Cam Thành được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến ngày 9/11/2019, thôn Tân Xuân 2 long trọng đón nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu mức 1, đồng thời được công nhận khu dân cư văn hóa xuất sắc cấp tỉnh lần thứ 3. Đây là niềm tự hào của không chỉ của thôn mà là niềm vui chung của huyện Cam Lộ trong công cuộc xây dựng và phát triển nông thôn”.
Từ một địa phương thuần nông, trải dài theo địa hình bán sơn địa, dọc hai bên quốc lộ 9, nổi tiếng với thiên nhiên khắc nghiệt, hậu quả chiến tranh nặng nề, khó khăn nhiều mặt, Tân Xuân 2 đang đi những bước vững chắc để trở thành một địa phương năng động bên trục đường xuyên Á.