Cơ hội và thách thức trong chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn 

(ĐCSVN) - Việt Nam đang có nhiều nỗ lực chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) như một định hướng ưu tiên và giải pháp quan trọng để phát triển nhanh, bền vững đất nước theo mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đề ra... Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đang chủ động kinh doanh theo mô hình chuyển đổi xanh và phát triển KTTH để có thể xuất khẩu các sản phẩm vào các thị trường lớn, đem lại lợi nhuận cao.

Cơ hội và thách thức trong chuyển đổi xanh

Chuyển đổi xanh/“kinh tế Xanh” và “tăng trưởng xanh”, theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc UNEP (United Nations Environment Programe) và Uỷ ban kinh tế xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc (UNESCAP), là chiến lược tìm kiếm sự tối đa hoá sản lượng kinh tế, trong khi giảm thiểu gánh nặng sinh thái, đảm bảo sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế và tính bền vững môi trường thông qua thay đổi căn bản trong phương thức sản xuất và tiêu dùng xã hội, hướng tới ít phát thải/trung hoà cacbon, tiết kiệm tài nguyên và nâng cao đời sống của con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái.

Về bản chất, một nền kinh tế chuyển đổi xanh là một nền kinh tế ngày càng có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng về mặt xã hội và ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và dịch vụ của hệ sinh thái. Nội hàm chuyển đổi xanh mang tính mở cao và ngày càng định hình đầy đủ hơn, với các điểm nhấn về “Xanh hoá” bao phủ ngày càng rộng khắp các lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng xã hội: “Công nghệ xanh”, “Việc làm xanh”, “Công nghiệp xanh”, “Nông nghiệp Xanh”, “Năng lượng Xanh”, “Giao thông Xanh”, “Đô thị Xanh”, “Cảng Xanh”, “Lối sống xanh”, “Tiêu dùng xanh”, “Mô hình nhà ở xanh”, “Chi tiêu công xanh”; v.v… Đồng thời, những chuỗi giá trị cung - cầu xanh, với các dòng chảy mậu dịch và đầu tư được quy định ngày càng nghiêm ngặt theo yêu cầu phát triển bền vững.

Các yếu tố quan trọng trong kinh tế tuần hoàn 

Chuyển đổi xanh là đòi hỏi và xu hướng thời đại, mang tầm vóc toàn cầu, đang và ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trên hành trình hướng tới hội nhập, phát triển bền vững và bao trùm. Những chủ trương, nhiệm vụ và mục tiêu, giải pháp của chuyển đổi xanh được ghi nhận lần đầu tiên trong Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 ban (Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012) và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (Quyết định số 1393/QĐ-TTg  ngày 25 tháng 9 năm 2012), cũng như được khởi động chính thức trong Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 (Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ); đồng thời, được cập nhật và bổ sung đậm nét hơn được trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh 2021-2030.

Đặc biệt, với cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 và tăng cường thu hút vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị - công trình xanh, tài chính xanh… tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới, coi đây giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn, với mục tiêu không ngừng mở rộng kinh tế xanh đóng góp mỗi năm vào tổng GDP quốc gia từ quy mô 6,7 tỷ USD năm 2020 lên đến 300 tỷ USD vào năm 2050.

Chuyển đổi xanh tạo cơ hội để Việt Nam giữ vững và mở rộng thị trường trong nước, với hơn 80% người tiêu dùng Việt Nam được hỏi sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sản phẩm xanh. Chuyển đổi xanh và phát triển sản xuất, tiêu dùng sạch hơn còn là kênh đầu tư hiệu quả và tạo điều kiện vật chất giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cải thiện môi trường đầu tư và thu hút các nguồn công nghệ sạch và nâng cao sức cạnh tranh kinh tế cả vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài.

Đồng thời, chuyển đổi xanh còn tạo cơ hội cho doanh nghiệp giữ vững thị trường xuất khẩu, gia tăng động lực phát triển nhanh hơn và hội nhập tốt hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, trong bối cảnh các thị trường nhập khẩu quan trọng triển khai áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có “dấu chân carbon” lớn; Đặc biệt, khi nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã và sẽ tiếp tục đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA), năm 2023 trong bối cảnh giảm sút dơn hàng chung trên thế giới, nhưng một số doanh nghiệp thành viên HUBA sau khi tuân thủ quy trình sản xuất xanh đang gặt hái thành công khi quá tải đơn hàng...

Trên hành trình chuyển đổi xanh, bên cạnh các cơ hội, Việt Nam cũng đối diện nhiều thách thức, trong đó nổi bật là vấn đề vốn đầu tư và các công cụ pháp lý cần thiết.

Theo Tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG), Việt Nam cần ưu tiên chuyển đổi xanh trong 4 lĩnh vực chính: Năng lượng tái tạo, hydro sạch, giao thông và vận tải sạch, giải pháp công nghiệp xanh. BCG ước tính ttổng nhu cầu vốn đầu tư vào các lĩnh vực xanh tại Việt Nam giai đoạn 2021-2050 khoảng 144 tỷ USD, trong đó sản xuất điện và ngành công nghiệp chiếm tỷ trong cao nhất. Trên thực tế, nguồn lực dành cho chuyển đổi xanh trong nước còn hạn chế, nguồn ngân sách Nhà nước, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư công chưa đóng vai trò "vốn mồi", làm đòn bẩy thúc đẩy huy động đầu tư tư nhân xanh.

Tuy nhiên, nỗ lực chuyển đổi xanh sẽ giúp Việt Nam tiếp cận được với một số nguồn tín dụng hỗ trợ chuyển đổi xanh từ các tổ chức quốc tế, như EU, WB...; cũng như  tạo cơ hội thu hút đầu tư từ các nguồn vốn ngoài NSNN cho chuyển đổi xanh. Ngày 31/5/2023, Phó Tổng Giám đốc điều hành thứ nhất Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Gita Gopinath nhấn mạnh các nước cần thiết lập cơ chế định giá carbon để có nguồn thu tài trợ quá trình chuyển sang năng lượng tái tạo.

Việc xây dựng và tham gia thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon theo Điều 17 Nghị định thư Kyoto 1997, nơi các quốc gia được bán hoặc mua quyền phát thải; trao đổi, đấu giá, vay mượn, nộp trả, bù trừ và chuyển giao hạn ngạch, tín chỉ các-bon trong nước, quốc tế còn giúp Việt Nam thu hút được vốn thông qua bán quyền phát thải trên thị trường tín chỉ cac bon quốc tế.

Để thúc đẩy chuyển đổi xanh, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực xây dựng, thực thi chính sách về chuyển đổi xanh; tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ cho quâ trình chuyển đôi xanh, nhất là một hệ thống tiêu chuẩn xanh quốc gia hoàn chỉnh, làm cơ sở để xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư hoặc triển khai các chương trình, dự án thí điểm xanh. Việt Nam cũng chưa có công cụ giám sát, đánh giá hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Trong xây dựng các luật, văn bản dưới luật về đất đai, tài nguyên nước, địa chất, khoáng sản…, các cơ quan chức năng cần tiếp tục lồng ghép các vấn đề về giảm phát thải, xây dựng bộ tiêu chí về dự án xanh, đầu tư xanh, tài chính xanh và các chính sách ưu đãi kèm theo cho các lĩnh vực tăng trưởng xanh; xây dựng chế tài xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường, hệ sinh thái

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo Quốc gia về tăng trưởng xanh cần xây dựng, cập nhật kế hoạch, lộ trình thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh như là 'sợi chỉ', nguyên lý xuyên suốt, liên kết, điều phối, dẫn dắt các chiến lược ngành, địa phương đến năm 2025 và 2030, 2050, cập nhật số liệu, chỉ tiêu, mục tiêu về tăng trưởng xanh, cách tiếp cận trong thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0.

Trên thực tế, vừa qua VCCI đã xây dựng các bộ tiêu chí, chỉ số để đánh giá, tác động về mặt chính sách ở địa phương; đồng thời thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển theo hướng xanh, bền vững. Trong thời gian tới VCCI sẽ tiếp tục cập nhật các xu hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn carbon thấp… nhất là trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp trong giảm phát thải khí nhà kính.

Các bộ, ngành khẩn trương xây dựng bộ công cụ, tiêu chí, quy chuẩn có tính pháp lý để phân loại, đánh giá hiệu quả, khuyến khích, giám sát các hoạt động tăng trưởng xanh về kinh tế, môi trường, xã hội… hình thành nhận thức, văn hoá, đạo đức xã hội đối với tăng trưởng xanh. Trước mắt, sớm xây dựng hệ thống tiêu chí phân loại, đánh giá quốc gia, hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế trong lựa chọn dự án đầu tư, lượng hoá kết quả tăng trưởng xanh, như: Giảm phát thải, hiệu quả kinh tế, nguồn lực đầu tư của xã hội, tạo việc làm mới, bảo đảm an sinh, hình thành đạo đức, văn hoá của công dân xanh, xã hội xanh, doanh nghiệp xanh… Chọn một số dự án thí điểm có thể tạo ra đột phá, hoàn thiện công nghệ, pháp lý, giáo dục, đào tạo, chứng minh hiệu quả kinh tế, trước khi nhân rộng.

Các doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng cả từ yêu cầu và lộ trình tăng trưởng xanh của Chính phủ và từ yêu cầu của đối tác trong chuỗi cung ứng quốc tế mà họ tham gia. Bởi vậy, trong mỗi doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế cần có những chuyên gia, bộ phận có chức năng, nhiệm vụ chăm lo cho tăng trưởng xanh.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định về tổ chức và phát triển thị trường các bon trong nước, với lộ trình vận hành chính thức từ năm 2028. Theo lộ trình, sàn giao dịch tín chỉ các-bon trong nước sẽ vận hành thí điểm từ năm 2025 và vận hành chính thức trong năm 2028. Doanh nghiệp bắt buộc phải xây dựng kế hoạch giảm phát thải từ năm 2026 trở đi. Theo thời gian, lượng hạn ngạch được phân bổ cho các cơ sở sẽ ngày càng giảm dần theo lộ trình giảm phát thải chung quốc gia và giá sẽ tăng lên. Bài toán kinh tế đặt ra cho doanh nghiệp ở đây là làm sao đáp ứng yêu cầu về hạn ngạch với chi phí thấp nhất. Điều 19 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định, các cơ sở có thể sử dụng tín chỉ các-bon từ các dự án thuộc các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon để bù cho lượng phát thải khí nhà kính vượt quá hạn ngạch phát thải. Tuy nhiên, số lượng tín chỉ không được vượt quá 10% tổng số hạn ngạch được phân bổ. Các doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực cần sớm tìm hiểu và có sự chuẩn bị tham gia thị trường, chú ý xử lý các vấn đề liên quan đến kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính và MRV (đo đạc, báo cáo, thẩm định) cấp quốc gia/ngành/tiểu ngành/cơ sở sản xuất; tính toán mức tiêu hao năng lượng và phát thải khí nhà kính trong sản xuất, kinh doanh; tính toán mức giảm thải và tiết kiệm năng lượng nếu dự án được triển khai; xây dựng các mô hình dự án đầu tư giảm phát thải và tiết kiệm năng lượng…

Ngoài ra, việc đáp ứng Bộ chỉ số CSI 2023, nhất là yêu cầu doanh nghiệp giải trình, báo cáo về bộ đo lường về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) là điểm hỗ trợ đặc biệt, tạo giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán.

Cơ hội và thách thức phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Theo mục 2, Điều 142, Chương XI, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là mô hình kinh tế, trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Mục 3, Điều 138, Chương X của  Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã cụ thể hóa 3 nhóm tiêu chí nổi bật của KTTH: a) Giảm khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu thô, vật liệu; tiết kiệm năng lượng; b) Kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện, cấu kiện; c) Hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, bao gồm: Giảm chất thải rắn, nước thải, khí thải; giảm sử dụng hóa chất độc hại; tái chế chất thải, thu hồi năng lượng; giảm sản phẩm sử dụng một lần; mua sắm xanh.

Theo Đề án Phát triển KTTH ở Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/06/2022, phát triển KTTH là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và góp phần hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu:

Đến năm 2025, các dự án KTTH bước đầu đi vào thực hiện và phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội, công nghệ và môi trường; đóng góp vào phục hồi các tài nguyên tái tạo được, giảm tiêu hao năng lượng, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, tỷ lệ che phủ rừng, tăng cường tỷ lệ tái chế rác thải, tăng cường tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và công nghiệp xuất khẩu; tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương so với giai đoạn trước đây; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

Đến năm 2030, các dự án KTTH trở thành một động lực chủ yếu trong giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp, có năng lực tự chủ phần lớn hoặc toàn bộ nhu cầu năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo, và trong tăng cường tỷ lệ che phủ rừng. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn đạt 50%; 100% rác thải hữu cơ ở đô thị và 70% rác thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế; không làm phát sinh việc chôn lấp trực tiếp chất thải rắn sinh hoạt từ các mô hình kinh tế tuần hoàn ở đô thị; tối đa hóa tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định ở các khu đô thị. Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, phát thải ròng về 0 vào năm 2050;

Trên hành trình chuyển đổi xanh và phát triển KTTH, Việt Nam có nhiều thuận lợi: Nhận thức, sự đồng thuận tích cực của người dân và doanh nghiệp; nền tảng chính sách, pháp lý khá đầy đủ; Sự phát triển của khoa học - công nghệ và chuyển đổi số giúp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên; những kinh nghiệm quý đã tích luỹ được về thực hiện mô hình Vườn-Ao-Chuồng (VAC) trong nông nghiệp và thực hiện mô hình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; tham khảo được nhiều mô hình tốt của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước Bắc Âu và các nước có nền kinh tế phát triển....

Đặc biệt, tham gia KTTH giúp doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh hiệu quả và tăng trưởng cao hơn nhờ nhận thức rõ hơn và chủ động áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn; thúc đẩy tái cơ cấu các khâu, cắt giảm chi phí năng lượng, chất thải và tăng cường chuỗi cung ứng trong sản xuất kinh doanh; chống lại việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, tăng tính bền vững và hiệu quả của việc sử dụng đất trong nông nghiệp, đáp ứng các yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu. từng bước hiện thực hoá nền kinh tế phi phát thải, bảo tồn tài nguyên, môi trường, phát triển bền vững (SDG) và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hơn nữa, tham gia phát triển KTTH, các doanh nghiệp vừa nhận được nhiều cơ chế hỗ trợ, tránh được các điều chỉnh luật pháp khác về khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường, vừa trở nên linh hoạt hơn, tăng khả năng ứng phó với những thay đổi từ nguồn cung nguyên liệu, giảm nguyên liệu thô, tăng nguyên liệu tái chế, từ đó đa dạng hoá và mở rộng các cơ hội đầu tư, tăng thu hút nhiều lao động việc làm và tạo ra lợi nhuận mới.

Phát triển KTTH cũng đa dạng hoá và mở rộng quy mô nhu cầu về các dịch vụ mới (như dịch vụ hậu cần, thu gom và hỗ trợ các sản phẩm tái chế, dịch vụ tiếp thị và dịch vụ bán hàng phục vụ kéo dài tuổi thọ của sản phẩm, tái sản xuất các bộ phận và linh kiện, dịch vụ làm mới sản phẩm...) để các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Thực tế đang và sẽ cho thấy, yêu cầu và sự khuyến khích đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm xanh từ thị trường, nhất là các thị trường phát triển, sẽ là những động lực cho các nỗ lực chuyển dịch mô hình kinh doanh từ tuyến tính, sang phát triển KTTH, nhất là đối với các DN có xuất khẩu.

Bên cạnh đó, quá trình phát triển KTTH ở Việt Nam cũng sẽ gặp không ít khó khăn và thách thức, cụ thể:

Thứ nhất, nhận thức về KTTH nói chung và mô hình KDTH nói riêng vẫn còn hạn chế đối với toàn hệ thống chính trị, DN và người dân. KTTH vẫn là vấn đề mới đối với hầu hết các DN, đối tượng chính trong việc triển khai mô hình này.

Thứ hai, sự thiếu thống nhất, đồng bộ và cập nhật, hài hoà giữa các quy định pháp luật, nhất là giữa Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Xây dựng,... liên quan đến phát triển KTTH. Các quy định về KTTH tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là rất mới, trong khi các luật khác đã ban hành trước đây chưa kịp bổ sung để đảm bảo sự đồng bộ. Thậm chí, hiện vẫn chưa có tiêu chí nhận dạng kỹ thuật mô hình KTTH và các quy định, hướng dẫn áp dụng mô hình KTTH cụ thể cho mỗi loại hình DN và ngành. Ngay cả việc đưa nội dung KTTH vào quy hoạch, kế hoạch, lộ trình thực hiện liên quan đến DN vẫn là một trở ngại lớn.

Thứ ba, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và trở ngại trong triển khai mô hình KTTH gắn với yêu cầu tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh, thiết kế lại quy trình, tăng đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng và kéo dài vòng đời sản phẩm, thu hồi chất thải công nghệ, tái sử dụng, tái chế hoặc bảo đảm đầu vào cho hoạt động sản xuất khác; trong khi còn nhiều hạn chế về mặt bằng, công nghệ, kết nối và nhân lực triển khai chuỗi, mạng lưới sản xuất khép kín trong mô hình KTTH.

Thứ tư, quy hoạch và kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp thiếu sự đồng bộ và tính liên kết cho phát triển KTTH. Công tác thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp cũng chưa xuất phát từ yêu cầu và đặc điểm của mô hình KTTH. Trên thực tế, hầu hết các khu công nghiệp và khu kinh tế trên cả nước hiện mang dáng dấp đại công trường thủ công xưa kia, nơi tập hợp thập cẩm các loại hình doanh nghiệp ít gắn kết về công nghệ và sản phẩm với nhau, dù theo bề dọc hay bề ngang.

Về tổng thể, thách thức lớn nhất trong việc áp dụng mô hình KTTH là đòi hỏi đầu tư lớn vào kết cấu hạ tầng thu gom, phân loại và tái chế rác thải; đảm bảo hài hoà các chi phí và các lợi ích từ thu hồi và tái chế, tái sử dụng chất thải trong chu kỳ sản xuất; mở rộng nhu cầu về các sản phẩm tuần hoàn và các sản phẩm thay thế; thu hút được sự tham gia từ những chuyên gia có trình độ, kỹ thuật để thực hiện mô hình kinh tế mới này.  Các mô hình sản xuất, kinh doanh theo nền KTTH hiện chưa phổ biến; Đa số các doanh nghiệp vẫn đang hoạt động theo lô-gíc nền kinh tế tuyến tính, tập trung vào việc tạo ra giá trị ngắn hạn, trong khi KTTH là mô hình tạo ra giá trị dài hạn.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thay đổi tư duy về tiêu dùng theo hướng sử dụng các sản phẩm hàng hóa thân thiện với môi trường 

Bởi vậy, trong thời gian tới, để thúc đẩy KTTH cần tập trung vào xử lý một số nhóm vấn đề và nhiệm vụ nổi bật sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, quản lý và tái sử dụng, tái chế chất thải cho phát triển KTTH; thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; xây dựng hệ thống các chỉ tiêu cụ thể để đánh giá kết quả thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với ngành, lĩnh vực, sản phẩm và địa bàn được giao quản lý; xây dựng cơ sở dữ liệu về KTTH gắn với chuyển đổi kinh tế số và cuộc CM 4.0; tăng cường đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thiết bị, đào tạo nhân lực và cung cấp nền tảng chia sẻ thông tin, dữ liệu về KTTH.

Trước mắt ưu tiên xây dựng chiến lược tổng thể về phát triển kinh tế tuần hoàn. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học về kinh tế tuần hoàn làm cơ sở đề xuất, xây dựng và hoàn thiện các chính sách kinh tế tuần hoàn, phù hợp với các Chương trình, chính sách hiện hành có liên quan, như: Chương trình quốc gia về sản xuất tiêu dùng bền vững giai đoạn 2025 - 2030; Nghị định về phát triển ngành Công nghiệp môi trường...

Hai là, thúc đẩy hợp tác, liên kết cộng sinh công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế; phát triển thị trường tái sử dụng sản phẩm thải bỏ, tái chế chất thải; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình KTTH, sản xuất, kinh doanh gắn liền với bảo vệ môi trường. Quy định chặt chẽ về trách nhiệm của doanh nghiệp với chất thải do doanh nghiệp tạo ra.

Ba là, tăng cường trao đổi, học hỏi và áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam những kinh nghiệm quốc tế, nhất là mô hình  của các quốc gia đã và đang thực hiện thành công phát triển công nghệ sạch, tái sử dụng, tái chế chất thải như một nguồn tài nguyên; Chủ động và tích cực tham gia cùng cộng đồng quốc tế giải quyết những vấn đề liên quan đến phát triển bền vững; phối hợp giải quyết những vấn đề toàn cầu và khu vực (liên quốc gia): giảm phát thải các bon; ô nhiễm nguồn nước, không khí; khai thác rừng; đập thủy điện; những vấn đề xã hội như di dân, xuất khẩu lao động v.v…

Bốn là, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thay đổi tư duy về tiêu dùng theo hướng sử dụng các sản phẩm hàng hóa thân thiện với môi trường, các sản phẩm dán nhãn CE. Nâng cao ý thức về phân loại rác thải tại nguồn nhằm giảm chi phí trong việc sử dụng và tái chế rác thải; đưa vào chương trình giáo dục - đào tạo ở các cấp học những kiến thức về KTTH nhằm cung cấp những tri thức cơ bản về KTTH và đào tạo nguồn nhân lực đủ khả năng vận hành mô hình KTTH gắn với đổi mới sáng tạo và sử dụng công nghệ cao.

Đồng thời, có chính sách khen thưởng rõ ràng những tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo đảm phát triển bền vững; tăng cường sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Sinh viên, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng dân cư, đảm bảo phối hợp các hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp, cũng như báo chí, truyền thông..

Chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn là hướng đi bắt buộc và sống còn không chỉ riêng doanh nghiệp, mà cho cả nền kinh tế của quốc gia trong bối cảnh thế giới đang định hình “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư; tạo sức ép và cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.

Để thành công, Việt Nam đã, đang và sẽ cần tiếp tục chủ động nhận diện sâu sắc, thống nhất nhận thức và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân; lồng ghép phát triển các mô hình kinh tế vào các quy hoạch, chương trình và dự án đầu tư phát triển các cấp; không ngừng hoàn thiện và triển khai đồng bộ cả những giải pháp khung, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách chung, cũng như những giải pháp đặc thù, phù hợp yêu cầu và mục tiêu phát triển của mỗi mô hình kinh tế mới; đẩy nhanh áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản đạt năng suất, chất lượng cao, gắn sản xuất với thị trường; thực hiện dán nhãn sinh thái, mua sắm xanh; phát triển thị trường sản phẩm sinh thái và sáng kiến cộng đồng về sản xuất và tiêu dùng bền vững; xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên và điều chỉnh những hành vi tiêu dùng không hợp lý...

Tích hợp và phát huy sức mạnh cộng hưởng, lợi ích lan toả của chuyển đổi xanh và phát triển KTTH cũng chính là sự kết hợp hài hoà, hiện thực hoá và cụ thể hoá quá trình triển khai hiệu quả hơn công cuộc phát triển nền KTTT định hướng XHCN trên hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn của Việt Nam. Tất cả hội tụ vào mục tiêu cao nhất để đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, một Việt Nam “dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”./.

Tài liệu tham khảo:

1)      https://tapchitaichinh.vn/phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-co-hoi-va-thach-thuc-nao-doi-voi-viet-nam.html;

2) https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/825071/kinh-te-tuan-hoan-huong-toi-phat-trien-ben-vung-o-viet-nam.aspx;

3)      Luật Bảo vệ môi trường 2020 số 72/2020/QH14 ngày 17-11-202);

4)      Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021;

5) Nghị quyết số 50/NQ-CP, ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;

6) Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021, phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050;

7) Quyết định số 687/QĐ-TTgngày 07/06/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

 

 
TS. Nguyễn Minh Phong
107 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 910
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 910
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87121857