Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman đón Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam
do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn sang thăm, làm việc tại Cộng hòa Séc. (Ảnh: PT)
Trước đó, Chính phủ Séc tuyên bố tạm ngừng cấp visa dài hạn với mục đích lao động và kinh doanh tại Cộng hòa Séc cho công dân Việt Nam.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Cộng hòa Séc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam (từ ngày 16 đến 18/4/2019), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Andrej Babis, hội kiến Tổng thống Miloz Zeman, Chủ tịch Hạ viện Radek Vondracek, dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Séc và gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Séc.
Tại hội đàm cấp cao giữa hai bên, hai Thủ tướng đã nhất trí phối hợp thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực về giáo dục - đào tạo, lao động, nông nghiệp, khoa học công nghệ, môi trường, văn hóa - du lịch. Hai bên thống nhất tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Séc về hợp tác kinh tế; khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tăng cường tiếp xúc, kết nối đối tác, tham gia hội chợ, hội thảo của nhau…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trực tiếp trao đổi về vấn đề thúc đẩy hợp tác lao động giữa hai quốc gia và được sự thống nhất từ Thủ tướng Séc Andrej Babis: Công dân Việt Nam tiếp tục được đăng ký xin cấp visa dài hạn với mục đích lao động và kinh doanh tại Séc.
Tại hội đàm, Thủ tướng Andrej Babis phát biểu nhấn mạnh: “Séc là người bạn thân thiết của Việt Nam. Là thành viên tích cực của EU, Séc ủng hộ việc tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và EU, đặc biệt sẽ thúc đẩy EU sớm hoàn tất các thủ tục để ký EVFTA và EVIPA với Việt Nam”.
Được biết, Cộng hòa Séc đang có nhu cầu tiếp nhận lao động rất cao. Hiện nay, Séc thiếu khoảng 200 nghìn lao động và dự báo thời gian tới, nhu cầu tiếp nhận lao động của bạn có thể lên tới 600 nghìn, do kinh tế Séc trong những năm gần đây phát triển rất ổn định. Bên cạnh đó, lao động Séc lại dịch chuyển tới các quốc gia Tây Âu để làm việc. Lao động Việt Nam từ những thập niên 80-90 sang học tập, lao động tại Tiệp Khắc (nay là Séc và Slovakia) luôn được đánh giá rất cao vì đức tính cần cù, chăm chỉ.
Như vậy, với việc Séc tuyên bố cấp lại visa cho công dân Việt Nam và việc một số địa phương, doanh nghiệp của Séc đặt vấn đề cần tuyển lao động Việt Nam với Đại sứ quán Việt Nam tại Séc, dự báo trong thời gian tới, sẽ có một số lượng lớn lao động Việt Nam có cơ hội sang Séc làm việc./.
Phúc Thanh