Cơ hội lớn cho gạo Việt tại châu Âu 

(Chinhphu.vn) - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020 ngay lập tức đã mở ra nhiều cơ hội cho nhiều mặt hàng nông sản, trong đó có gạo. Theo đó, đã có 9 giống gạo thơm được hưởng hạn ngạch về thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu.
 
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Hoàn thiện chứng nhận chủng loại gạo thơm sang EU

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), thực tế việc chuẩn bị hành trang để hạt gạo Việt sang EU đã được Bộ NN&PTNT triển khai trong một thời gian dài. Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, đồng thời EU dành cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu gạo 80.000 tấn/năm, ngày 4/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2020/NĐ-CP quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu.

Ngay sau đó, ngày 7/9, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định hướng dẫn các doanh nghiệp thủ tục làm chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU, tạo nền tảng cho doanh nghiệp sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu theo đúng quy định.

“Muốn được hưởng miễn thuế nhập khẩu theo hạn ngạch theo quy định của Liên minh châu Âu, gạo thơm xuất khẩu sang EU phải được chứng nhận đảm bảo đúng giống. Do vậy, để bảo đảm độ thuần, tính đúng giống của gạo thơm xuất khẩu, cần thiết phải kiểm tra ruộng lúa thơm trước khi thu hoạch. Theo quy định, việc kiểm tra ruộng lúa thơm thực hiện 1 lần trong thời gian 20 ngày trước khi thu hoạch. Tổ chức, cá nhân xuất khẩu gạo thơm phải chịu trách nhiệm về độ thuần, tính đúng giống trong quá trình thu hoạch, phơi, sấy, sơ chế, bảo quản, xay, xát, chế biến, đóng gói”, ông Cường nhấn mạnh.

Cũng theo ông Cường, quy định này bảo đảm được độ thuần và tính đúng giống của gạo thơm xuất khẩu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu xuất gạo thơm sang EU để được hưởng miễn thuế nhập khẩu theo hạn ngạch; phù hợp với định hướng phát triển vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng ngành lúa gạo, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, từng bước khẳng định vị thế hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, diện tích gieo cấy lúa thơm tại các tỉnh vùng ĐBSCL hằng năm đạt khoảng 25% tổng diện tích gieo cấy, tương đương khoảng 1 triệu ha, sản lượng lúa thơm ước đạt 5,5 triệu tấn, tương đương khoảng 3,5 triệu tấn gạo thơm. Trong khi đó theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu-EVFTA lượng gạo thơm xuất sang EU được hưởng hạn ngạch ưu đãi về thuế quan là 30.000 tấn, tương đương với 1,2% lượng gạo thơm sản xuất trong vùng, vì vậy tiềm năng xuất khẩu gạo thơm còn rất lớn.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hàng năm Việt Nam xuất khẩu gạo từ 6,0-6,5 triệu tấn gạo, trong đó lượng gạo xuất khẩu tập trung chủ yếu tại vùng ĐBSCL.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, gạo của Việt Nam có tiềm năng lớn để xuất khẩu vào EU khi mở rộng được hạn ngạch. Năm 2019 lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu vào EU là 50.000 tấn, trị giá 28,5 triệu Euro.

Tổng nhập khẩu gạo của EU 2,3 triệu tấn gạo, kim ngạch là 1,4 tỷ Euro; so với các nước ASEAN khác xuất khẩu gạo của VN vào EU chỉ bằng 1/6 với Thái Lan, 1/10  Myamnar, 1/4 Campuchia).

Ông Nguyễn Như Cường , Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT). Ảnh: VGP/Đỗ Hương

 

9 giống gạo thơm sẵn sàng sang châu Âu

Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm (cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hằng năm).

Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm. Trong khi đó, 2 nhà xuất khẩu lớn gạo vào EU là Campuchia và Myanmar đang chịu thuế tuyệt đối với mặt hàng này cho đến hết 2021, cụ thể 175 Euro/tấn( 2019); 150 Euro/tấn ( 2020) và 125 Euro/tấn ( 2021).

Theo Quy định tại Hiệp định EVFTA hiện có 9 giống lúa thơm sau xuất khẩu sang EU được hưởng hạn ngạch về thuế quan: Jasmine 85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ 20, RVT, OM 4900, OM 5451, Tài nguyên Chợ Đào.

“Trong thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương, tổ chức, cá nhân xuất khẩu gạo rà soát lại danh mục giống lúa thơm đang trồng phổ biến tại sản xuất, đồng thời phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của EU để xuất chỉnh sửa, bổ sung Danh mục chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU đáp ứng yêu cầu thực tế sản xuất”, ông Nguyễn Như Cường cho biết thêm.

“Diện tích gieo cấy lúa thơm tại các tỉnh vùng ĐBSCL hằng năm đạt khoảng 25% tổng diện tích gieo cấy (tương đương khoảng 1 triệu ha), trong khi đó theo Hiệp định EVFTA lượng gạo thơm xuất sang EU được hưởng hạn ngạch ưu đãi về thuế quan là 30.000 tấn tương đương với 1,2% lượng gạo thơm sản xuất trong vùng, do vậy tiềm năng xuất khẩu gạo thơm còn rất lớn. Nếu chúng ta thực hiện tốt các quy định của EU và xuất khẩu được 30.000 tấn gạo thơm nói riêng và 80.000 tấn gạo nói chung theo hạn ngạch sang EU với giá bán cao sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo của Việt Nam”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh lưu ý, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu, Bộ đã nhanh chóng ban hành Quyết định về việc chứng nhận cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang thị trường này. Hiện nay, đã có 3 đơn vị nộp hồ sơ về Bộ, thời gian hoàn thành việc chứng nhận trong vòng 5 ngày. Các doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ đăng ký qua Cổng dịch vụ hành chính công của Bộ NN&PTNT, hoặc gửi qua bưu điện. Việc chứng nhận doanh nghiệp sẽ hoàn toàn miễn phí:

“Nghị định có hiệu lực ngay từ ngày ký chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp có gạo thơm trong danh sách trong Hiệp định EVFTA và có đơn hàng xuất khẩu gạo thơm cần khẩn trương gửi hồ sơ ra Cục Trồng trọt để chúng tôi nhanh chóng hoàn thiện thủ tục cho doanh nghiệp để sớm xuất khẩu sang EU”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.

Đỗ Hương

239 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 674
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 674
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88326708