Cơ hội giúp doanh nghiệp dệt may vượt qua thời kỳ biến động 

(Chinhphu.vn) - Hỗ trợ về thị trường, kinh nghiệm, kỹ thuật, quản trị và kết nối thị trường tiêu thụ cho các doanh nghiệp Việt Nam từ Hiệp hội Bông Mỹ và Hiệp hội Dệt may Việt Nam là nội dung quan trọng tại sự kiện "Cotton Day Vietnam 2020" sẽ được tổ chức trong vài ngày tới.
Họp báo giới thiệu Cotton Day Vietnam 2020.

Đó là khẳng định của ông Võ Mạnh Hùng, Trưởng đại diện Hiệp hội Bông Mỹ (CCI)  tại Việt Nam và ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) tại buổi họp báo về sự kiện “Cotton Day Vietnam 2020”, ngày hội ngành bông lớn nhất trong năm do Hiệp hội Bông Mỹ tổ chức vào ngày 22/9 tới với chủ đề: “Dẫn đầu qua thời kỳ biến động: Đối tác của doanh nghiệp dệt may trong thời kỳ mới” theo hình thức hội thảo trực tuyến.

Cotton Day là sự kiện lớn quan trọng của CCI, được tổ chức tại nhiều nước châu Á từ những năm đầu thập niên 1990 nhằm tạo không gian giao lưu giữa các doanh nghiệp ngành dệt với các đối tác, nhà cung cấp và chuyên gia ngành bông. CCI hiện đang hoạt động ở hơn 50 quốc gia thông qua 20 văn phòng khắp thế giới, đã có 60 năm kinh nghiệm trong việc quảng bá sợi và các sản phẩm bông Mỹ tới các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Theo ông Võ Mạnh Hùng, Mỹ là quốc nước sản xuất bông lớn thứ 3 thế giới chiếm gần 25% thị phần toàn cầu và chiếm 65% thị phần tại Việt Nam. Nếu như cách đây 10 năm ở Việt Nam chưa có tới 1 triệu cọc sợi thì nay đã có hơn 10 triệu cọc sợi và trở thành nước tiêu thụ bông đứng thứ 6 thế giới.

Là quốc gia nhập khẩu bông lớn thứ 3 trên thế giới với sản lượng tiêu thụ 1,5 triệu tấn/năm, trong đó có hơn 800.000 tấn bông nhập từ Mỹ, lượng bông Việt Nam nhập từ Mỹ chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu bông của Mỹ, Việt Nam là nước nhập khẩu bông Mỹ nhiều nhất thế giới. Điều đó cũng  thấy bông Mỹ có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu mở rộng ngành công nghiệp dệt may Việt Nam, tạo thuận lợi cho sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc.

Việt Nam đang được thị trường thế giới đánh giá là một trong những nước dẫn đầu về ngành may mặc. Với sản phẩm đa dạng, quy mô sản xuất lớn và mở rộng, ngành kéo sợi cũng đang được xem là tiền đề quan trọng để dệt may của Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Chính vì những lý do đó, Cotton Day 2020 với sự góp mặt của những diễn giả hàng đầu thế giới như cựu Tổng Giám đốc điều hành Walmart (nhà bán lẻ, đồng thời là nhà tuyển dụng lớn nhất thế giới) Michael Duke; Giám đốc chiến lược toàn cầu và vĩ mô của Tập đoàn Eurasia (công ty tư vấn rủi ro chính trị lớn nhất thế giới) Willis Sparks cùng lãnh đạo trong ngành bông Mỹ và Hiệp hội Dệt may Việt Nam sẽ cập nhật những chuyên đề thời sự nóng nhất về ngành bông toàn cầu trong thời kỳ dịch COVID-19. Các chuyên gia cũng cập nhật như chương trình phát triển bền vững mới nhất của bông Mỹ cùng giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ngành dệt may trong thời kỳ bình thường mới. Đây được coi là cơ hội tốt để các doanh nghiệp dệt may nói chung và doanh nghiệp sợi Việt Nam nói riêng thu nhận thêm thông tin hữu ích, qua đó có đường hướng vượt qua thời kỳ khó khăn này để vươn lên dẫn đầu thị trường.

Ông Võ Mạnh Hùng cho biết thêm  tại  hội thảo, CCI sẽ cập nhật những thông tin mới nhất về ngành bông Mỹ; các chính sách xuất khẩu, tiêu chí sản phẩm của bông Mỹ để các doanh nghiệp Việt nắm bắt và cập nhật thông tin; hỗ trợ về thị trường, kinh nghiệm, kỹ thuật, quản trị và kết nối cả thị trường từ Hiệp hội Bông Mỹ tới các doanh nghiệp Việt. Qua đó, các nhãn hàng, thương hiệu thời trang, các doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác và lựa chọn những đối tác tin cậy.

 Đánh giá về vai trò của bông Mỹ tới sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS cho rằng với vị thế đang là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, là ngành sử dụng nhiều lao động nhất cả nước (3 triệu lao động, chiếm 1/4 số lao động toàn ngành công nghiệp), ngành dệt may rất cần có những bước đi nhanh chóng, kịp thời để thích ứng với thách thức hiện tại nhằm vượt qua khó khăn.

Trước sự biến động của thị trường dệt may thế giới do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, ngành dệt may, nhất là ngành may mặc của Việt Nam nói riêng đã và đang đối diện với tình trạng đơn hàng bị hủy, bị giãn ở mức độ nghiêm trọng.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp may cũng đã nhanh chóng tìm hướng xuất khẩu sang các thị trường mới; cân nhắc việc nhận thêm các đơn hàng mới và bắt tay sản xuất sản phẩm mang giá trị thặng dư cao hơn; tiếp tục mở rộng thị trường nội địa để giảm phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chuyển hướng vào một số thị trường “ngách” như may khẩu trang, đồ bảo hộ y tế, đồ mặc trong nhà, đồ mùa đồng... nhằm giảm tối đa khó khăn thị trường. Riêng các doanh nghiệp sợi đã cố gắng để đa dạng hóa thị trường, giảm tồn kho, tìm hướng đầu tư mới nhằm chuyên biệt hóa sản phẩm.

Trong thời gian tới, bên cạnh sự nỗ lực của từng doanh nghiệp, với sự hỗ trợ của CCI, Vinatex và VITAS sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đưa thương hiệu của mình vào hệ thống các siêu thị phân phối lớn, từng bước đưa thương hiệu của mình thâm nhập các thị trường này. Hiện một số doanh nghiệp may mặc của Vinatex đang nghiên cứu đưa hàng vào hệ thống siêu thị Aeon, Walmart…, từ đó từng bước xây dựng thương hiệu và trực tiếp phân phối đến người tiêu dùng nước ngoài.

Minh Thi
294 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 881
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 881
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87229095