(Ảnh minh họa: QH)

Nhiều cơ hội mở rộng thị trường và gia tăng giá trị xuất khẩu

Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, trong năm 2021, xuất khẩu gỗ và lâm sản có nhiều cơ hội để tiếp tục bứt phá, mở rộng thị trường và gia tăng giá trị xuất khẩu. Điều này do bên cạnh các thị trường truyền thống có giá trị xuất khẩu cao như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc thì một số thị trường tiềm năng đang có cơ hội mở rộng phát triển mới (gồm Canada, Nga, Ấn Độ và các nước Trung Đông).

Trong khi đó, hiện Việt Nam có nhiều mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh, trong đó, có thể kể đến viên nén, dăm gỗ, gỗ dán, gỗ ghép, đồ mộc xây dựng, ghế ngồi, các đồ nội thất và bộ phận đồ nội thất… Đặc biệt, với nhóm đồ nội thất có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong thời gian tới.

Cùng với những thuận lợi trên, Việt Nam đã phê chuẩn và đang triển khai theo lộ trình của các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, tiêu biểu như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA giữa Việt Nam và EU; Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và các Hiệp định thương mại song phương (với Nhật Bản, Hàn Quốc…) giúp thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng của các nước tham gia hiệp định được cắt giảm hoặc xóa bỏ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đây là những cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp gỗ Việt vươn ra thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, theo Tổng cục Lâm nghiệp, Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu về thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giúp các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU giảm thời gian giải trình về nguồn gốc gỗ hợp pháp so với các nước, là cơ hội cho ngành chế biến, gỗ, lâm sản xuất khẩu vào EU.

Đồng thời, với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài, nhu cầu của thị trường Hoa Kỳ với các mặt hàng gỗ từ các quốc gia, trong đó Việt Nam có khả năng sẽ tăng lên để bù đắp vào phần thiếu hụt hàng hóa do thuế tăng cao từ thị trường Trung Quốc. Mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ chủ yếu là các sản phẩm đồ gỗ (mã HS94) có giá trị gia tăng cao, nên ngành chế biến gỗ xuất khẩu có cơ hội chuyển đổi cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng xuất khẩu nhóm các mặt hàng có giá trị gia tăng, giảm tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu gỗ.

Với những cơ hội trên, trong năm 2021, ngành Lâm nghiệp phấn đấu xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt từ 14 đến 14,5 tỷ USD, tăng khoảng 9,6% so với 2020. Trong đó, theo cơ cấu sản phẩm xuất khẩu: Sản phẩm gỗ đạt 10,62 tỷ USD, tăng 11,3%; gỗ các loại đạt 2,9 tỷ USD, tăng 2,3%; lâm sản ngoài gỗ đạt 0,98 tỷ USD, tăng 14,8%.

Nói không với gỗ bất hợp pháp

Mặc dù được nhận định có nhiều cơ hội trong năm 2021, tuy nhiên, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Đó là việc nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa ngày càng gia tăng, đồng thời, cạnh tranh thương mại diễn ra phức tạp. Đặc biệt, trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và còn diễn biến phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, đến sản xuất tiêu dùng sẽ tiếp tục là những thách thức tác động tới ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản trong thời gian tới.

Nhằm đạt được mục tiêu xuất khẩu trong năm 2021, theo Tổng cục Lâm nghiệp, cần duy trì ổn định các thị trường truyển thống như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, đồng thời mở rộng thị trường tiềm năng như các quốc gia vùng Nam Mỹ, Trung Đông, Nga, Úc, Canada, Ấn Độ…Tập trung giải quyết và xử lý hiệu quả các vụ việc tranh chấp thương mại nhằm không làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ngành gỗ và sự phát triển ổn định của ngành.

Đặc biệt, Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, cần thực hiện tốt việc thực thi pháp luật về bảo đảm gỗ hợp pháp trong chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo gỗ hợp pháp; đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về sử dụng gỗ bất hợp pháp; ưu tiên nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ các quốc gia có nền quản trị rừng tiên tiến, thuận lợi trong quản lý, truy xuất nguồn gốc hợp pháp. Nếu làm tốt công tác này sẽ là cơ sở quan trọng để giữ vững được uy tín của sản phẩm gỗ và lâm sản của Việt Nam với các đối tác trên thế giới.

Ngoài ra, việc đảm bảo nguồn nguyên liệu gỗ trong nước cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản cũng là một trong những giải pháp cần được tính đến để phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu. Do đó, theo Tổng cục Lâm nghiệp, cần chú trọng phát triển rừng sản xuất trong nước theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng giống cây trồng. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân lựa chọn các loài cây trồng, giống cây trồng có năng suất, chất lượng, phù hợp với nhu cầu của ngành chế biến gỗ.

Bên cạnh đó, các hiệp hội gỗ và lâm sản cần tiếp tục trao đổi thông tin, giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt được tình hình và kịp thời có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của pháp luật về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; kịp thời phát hiện và thông báo đến các cơ quan quản lý nhà nước để xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại.

Với các doanh nghiệp, cần tiếp tục chủ động phát triển trong sản xuất, kinh doanh, phát triển thương hiệu doanh nghiệp. Đặc biệt, cần thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh; cam kết thực hiện tốt việc nói không với gỗ bất hợp pháp; đảm bảo giữ uy tín với bạn hàng đối tác./.

 
BT