Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) thông báo tuyển chọn hơn 12.000 lao động đi làm việc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc (chương trình EPS).
Có 4 ngành, nghề tuyển chọn với chỉ tiêu cụ thể là: Sản xuất chế tạo (6.344 người), xây dựng (901 người), nông nghiệp (841 người), ngư nghiệp (4.035 người).
Mỗi ứng viên chỉ được nộp duy nhất 1 đơn đăng ký dự thi.
Người lao động đăng ký tham gia chương trình EPS sẽ phải tham dự 2 vòng thi, gồm vòng 1 thi năng lực tiếng Hàn EPS - TOPIK và vòng 2 kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực.
Những người đạt yêu cầu qua vòng 1 mới được tham dự vòng 2.
Người lao động đạt yêu cầu qua cả 2 vòng thi mới đủ điều kiện nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS.
Trung tâm Lao động ngoài nước thông tin rõ về lựa chọn nghề của các ngành.
Cụ thể, ngành sản xuất chế tạo là lắp ráp, đo lường và nối; ngành xây dựng là cốt thép, mộc; ngành nông nghiệp là chăn nuôi, trồng trọt; ngành ngư nghiệp là nuôi trồng, đánh bắt gần bờ.
Thời gian đăng ký dự thi từ ngày 20 đến 24/3/2023. Thi vòng 1 (dự kiến) từ ngày 8 đến 26/5/2023. Thông báo kết quả vào ngày 5/6/2023.
Thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký đánh giá năng lực ở vòng 2 từ ngày 5 đến 9/6/2023. Tổ chức thi vòng 2 (dự kiến) cho ngành sản xuất chế tạo từ ngày 26 đến 30/6/2023; ngành xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp từ ngày 17 đến 21/7/2023.
Để tham gia đánh giá năng lực, người lao động cần có kinh nghiệm làm việc/tốt nghiệp các ngành liên quan đến lĩnh vực đã đăng ký; được cấp chứng chỉ đã hoàn thành chương trình đào tạo hoặc tập huấn ngắn hạn; có chứng chỉ nghề quốc gia và phải nộp hồ sơ đánh giá năng lực theo mẫu trong thời gian quy định.
Lao động đạt yêu cầu qua 2 vòng thi mới được làm hồ sơ dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc để giới thiệu với người sử dụng Hàn Quốc. Sau khi được người sử dụng phía bạn lựa chọn ký hợp đồng, người lao động mới làm thủ tục đi làm việc tại nước này.
Điều kiện dự thi từng ngành cụ thể
Người lao động đăng ký tham gia chương trình EPS năm 2023 cần có đủ các điều kiện dưới đây.
Cụ thể: Từ 18 đến 39 tuổi (sinh trong khoảng thời gian từ ngày 16/3/1983 đến ngày 15/3/2005); không có án tích theo quy định của pháp luật; chưa từng bị trục xuất khỏi Hàn Quốc. Nếu đã từng cư trú tại Hàn Quốc (bao gồm cư trú hợp pháp và bất hợp pháp) theo visa E9 (lao động EPS) hoặc/và visa E10 (thuyền viên tàu đánh cá) thì thời gian cư trú phải dưới 5 năm; không bị cấm xuất cảnh Việt Nam; không có thân nhân (bố, mẹ, con đẻ; anh, chị, em ruột; vợ hoặc chồng) đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc; đủ sức khỏe đi làm việc tại Hàn Quốc theo quy định; không bị mù màu, rối loạn sắc giác.
Trường hợp người lao động đã đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS thì phải về nước đúng hạn hợp đồng.
Trong trường hợp từng cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, lao động đã tự nguyện về nước trong khoảng thời gian Chính phủ Hàn Quốc thực hiện chính sách miễn xử phạt đối với người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện trình diện để về nước.
Ngoài ra, còn có điều kiện bổ sung với từng ngành.
Với ngành sản xuất chế tạo và xây dựng, người lao động đang đăng ký thường trú tại các địa phương không tạm dừng tuyển chọn theo Công văn số 819/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 8/3/2023 của Bộ LĐTB&XH.
Tám huyện bị tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS đợt 1 năm 2023 là: Nghi Xuân, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), thành phố Chí Linh (Hải Dương), Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, Hưng Nguyên (Nghệ An) và Đông Sơn, Hoằng Hóa (Thanh Hóa).
Với ngành nông nghiệp, người lao động đăng ký thường trú tại 74 huyện nghèo và 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ (trừ các xã thuộc các huyện tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS năm 2023) và các huyện miền núi, vùng cao, hải đảo theo Công văn số 930/BNV-CQĐP ngày 8/3/2021 của Bộ Nội vụ.
Với ngành ngư nghiệp, người lao động thường trú tại các huyện ven biển và hải đảo (bao gồm các các huyện tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS năm 2023), có kinh nghiệm đánh bắt hoặc nuôi trồng thủy hải sản trên biển, có sức khỏe và chịu được sóng nước để làm việc trên tàu biển, hoặc đã được đào tạo và cấp chứng chỉ đào tạo đối với các ngành/nghề liên quan đến ngư nghiệp.
Ngoài ra, người lao động đã từng làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS với các ngành đăng ký, về nước đúng hạn hợp đồng (bao gồm trường hợp người lao động đăng ký thường trú tại các địa phương tạm dừng tuyển chọn năm 2023, người lao động thường trú tại các địa phương không tuyển chọn ngành ngư nghiệp nêu trên) cũng có thể đăng ký tham gia.
Người lao động đăng ký trực tiếp tại địa điểm tiếp nhận, không được đăng ký hộ.
Dự kiến, ngày 24/4/2023, ca thi, địa điểm thi sẽ được thông báo. Thời gian và địa điểm tổ chức thi sẽ được Trung tâm Lao động ngoài nước thông báo bằng văn bản cho Sở LĐTB&XH các tỉnh/ thành phố, đồng thời thông báo trên trang thông tin điện tử http://www.colab.gov.vn.
Tất cả ứng viên đạt yêu cầu qua kỳ thi tiếng Hàn - vòng 1 sẽ được tự động đăng ký tham dự kiểm tra tay nghề. Người lao động thuộc đối tượng (có kinh nghiệm làm việc, có bằng cấp, chứng chỉ nghề thuộc ngành đăng ký dự thi) và có nguyện vọng tham gia đánh giá năng lực để được cộng điểm phải hoàn thiện và nộp hồ sơ đánh giá năng lực về Sở LĐTB&XH trong thời gian quy định.
Việc đạt yêu cầu qua kỳ thi tiếng Hàn và kiểm tra tay nghề không bảo đảm người lao động được đi làm việc tại Hàn Quốc mà chỉ là điều kiện để được nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển.
Những lao động đã từng cư trú tại Hàn Quốc theo visa E9 (lao động EPS) hoặc/và visa E10 (thuyền viên gần bờ) từ 5 năm trở lên, không phân biệt làm việc hợp pháp và không hợp pháp, không được tham dự kỳ thi.
Ứng viên chỉ nộp duy nhất số tiền Việt Nam tương đương 24 USD khi đăng ký dự thi tiếng Hàn.
Thí sinh có hành vi gian lận, không trung thực trong kỳ thi sẽ bị cấm tham gia chương trình EPS trong vòng 4 năm.
Thu Cúc