6 năm về trước, cô Yến là giáo viên chủ nhiệm lớp 9, Trường THCS Hải Thiện (cũ). Trong quá trình dạy học cô Yến biết được trong lớp có nhiều em ở thôn Phước Điền có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hầu hết bố mẹ các em phải đi hái cà phê dài ngày cho các chủ rẫy ở huyện Hướng Hóa. Nhiều em mồ côi bố mẹ, gia đình thuộc diện hộ nghèo, có nguy cơ phải bỏ học… “Vì muốn giúp đỡ nên tôi đem gạo và gom góp áo quần, sách vở tặng các em. Sau đó, tôi trình bày với Ban giám hiệu nhà trường tạo điều kiện, xem xét cấp học bổng và miễn giảm học phí cho các em học sinh vượt khó, vươn lên trong học tập”, cô Yến kể về cơ duyên đến với hành trình làm thiện nguyện.
Một trong những hoàn cảnh cô Yến đang hỗ trợ, giúp đỡ là 2 chị em ruột Nguyễn Thị Ngân (sinh năm 2001), hiện là sinh viên năm nhất Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng và Nguyễn Thị Trinh (sinh năm 2005), học lớp 9, Trường TH&THCS Thiện Thành, xã Hải Định. Sau khi bố mẹ lần lượt qua đời vì bạo bệnh, 2 em sống với ông bà nội đã già yếu. Là giáo viên trực tiếp dạy cả 2 chị em nên cô Yến hiểu rất rõ và thương học trò. Sau giờ đứng lớp, cô Yến đi xin sách vở, áo quần, các nhu yếu phẩm và trích tiền lương vốn đã ít ỏi để giúp đỡ và động viên 2 em vượt qua khó khăn. Ngoài ra, cô còn đề xuất với ban giám hiệu nhà trường miễn giảm học phí cho 2 em. “Năm 2019, em Ngân nhận được giấy báo nhập học tại Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng, tôi rất mừng. Nhưng sau khi nghe em kể rằng có thể sẽ bỏ học vì không có 8 triệu đồng đóng học phí lúc nhập học, tôi định sẽ mượn tiền để em đóng học phí rồi sau đó tính sau”, cô Yến nhớ lại.
Lúc này, nhờ sự kết nối của một người quen, cô Yến liên hệ với cô Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh và được cô Vân giúp đỡ hoàn thiện các thủ tục để hội trao 10 triệu đồng cho em Ngân. Tiếp đó, cô Yến đăng tải bài viết về hoàn cảnh của chị em Ngân lên mạng xã hội facebook. Chỉ sau 3 ngày, bạn bè, đồng nghiệp trong và ngoài tỉnh của cô Yến đã chung tay hỗ trợ được trên 12 triệu đồng. Từ sự kết nối của cô Yến, Quỹ học bổng “Thắp sáng niềm tin” tại Hà Nội hỗ trợ em Ngân 1 suất học bổng trị giá 52 triệu đồng giúp em Ngân yên tâm theo học. Ngoài ra, một người bạn của cô Yến còn giúp em Ngân tìm được việc làm thêm phù hợp để em trang trải cuộc sống trong thời gian học tập tại Đà Nẵng.
Hay như trường hợp của 4 anh em Hồ Nguyễn Công Minh, Hồ Nguyễn Ái Duyên, Hồ Nguyễn Công Nam, Hồ Nguyền Công Hải ở thôn Tân Phước, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng. Bố của các em đã mất vì căn bệnh ung thư máu. Một mình mẹ (chị Nguyễn Thị Tình) chèo chống vừa nuôi 4 người con ăn học vừa phải trả khoản nợ lớn do quá trình chạy chữa bệnh cho chồng. Chia sẻ hoàn cảnh của các em, chị Yến kêu gọi, kết nối các mạnh thường quân được gần 18 triệu đồng, 50 kg gạo, 1 chiếc xe đạp, nhiều áo quần, sách vở trao tặng các em. Cô Yến còn kết nối được với các tổ chức thiện nguyện để hỗ trợ các em chi phí sinh hoạt như: Hội thiện nguyện Lộc Thủy (Thừa Thiên -Huế) nhận hỗ trợ cho 1 em với số tiền 400 ngàn đồng/tháng cho đến khi em trưởng thành; Đội thiện nguyện Biệt đội 74 Quảng Trị hỗ trợ 6 triệu đồng trong 1 năm cho 4 em… “Tôi luôn cố gắng hết sức giúp đỡ các em vượt qua khó khăn, có điều kiện tốt hơn để học hành. Vì chỉ có học tập chăm chỉ, kiên trì mới giúp các em sau này có tương lai tươi sáng hơn”, cô Yến chia sẻ.
Cô Yến tặng quà cho gia đình ông Phạm Văn Tý. Ảnh: Trần Tuyền
Lật giở những trang giấy ghi chép chi tiết, tỉ mỉ từng mốc thời gian, từng tên người và số tiền ủng hộ, cô Yến kể thêm rằng, không chỉ kết nối, kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ học sinh, cô còn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh, có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt khó khăn trong tỉnh.
Hôm đó, chúng tôi đến thăm gia đình ông Phạm Văn Tý (sinh năm 1955) ở Thôn 4, thị trấn Diên Sanh. Trong ngôi nhà nhỏ, ông Tý và vợ đang chăm sóc các con. Ông bà có 4 người con gái đều bị tâm thần. Riêng ông Tý mắc viêm phổi mãn tính, còn bà Phan Thị Sắt, vợ ông bị u não ác tính. Mặc dù gia cảnh hết sức bi đát nhưng mới đây, gia đình ông Tý mới được công nhận là hộ nghèo của địa phương. “Vợ chồng tôi đều đã già và hay đau ốm, các con lại khờ dại như những đứa trẻ. Không có công việc, không có thu nhập ổn định, vợ chồng tôi chỉ trồng trọt, chăn nuôi trong vườn để kiếm tiền nuôi con qua ngày. 7 năm nay, nhờ có sự giúp đỡ của cô Yến và các mạnh thường quân mà chúng tôi yên tâm hơn vì biết rằng còn nhiều người quan tâm, giúp đỡ mình vượt qua khó khăn. Cô Yến thường xuyên mang gạo, áo quần, nhu yếu phẩm và tiền đến cho chúng tôi lắm”, ông Tý nói.
Mới đây, cô giáo Yến giúp đỡ một đồng nghiệp là cô giáo Văn Thị Hằng Nga, dạy môn Tiếng Anh ở Trường TH&THCS Hải Phú. Cô Nga bị suy thận giai đoạn cuối phải chạy thận nhiều năm nay. Trước hoàn cảnh khó khăn của đồng nghiệp, cô Yến viết bài kêu gọi trên facebook và huy động thêm người thân, bạn bè giúp đỡ. Qua nhiều đợt vận động, kêu gọi, cô Yến huy động được trên 100 triệu đồng, góp phần giúp cô Nga thay được thận và nay sức khỏe đã bình phục. Không dừng lại ở đó, cô Yến còn kết nối, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm chung tay giúp đỡ nhiều trường hợp ốm đau, bệnh tật, các gia đình khó khăn có người bị tai nạn giao thông trên địa bàn huyện.
Vừa qua, trong lúc cả nước căng mình chống COVID-19, cô Yến trích 3 tháng tiền lương để mua 7.000 khẩu trang kháng khuẩn và vận động được nhiều khẩu trang y tế, gạo, các mặt hàng nhu yếu phẩm, đồ bảo hộ y tế, mặt nạ chống giọt bắn trao tặng kịp thời cho các khu cách ly, trường học, trung tâm y tế, đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh. Mọi hoạt động, chương trình hỗ trợ đều được cô ghi chép chi tiết rồi công khai trên facebook. “Không bao giờ để lại tiền thừa của mạnh thường quân, hoạt động nào xong hoạt động đó. Thậm chí nhiều khi mình phải bỏ thêm tiền túi để bù vào”, cô Yến cho biết. Cô Yến chủ yếu đăng bài kêu gọi trên facebook vào buổi tối, vì ban ngày còn phải đi dạy. Nhiều đêm lọ mọ tới khuya mới xong việc nhưng may mắn có chồng luôn ủng hộ, động viên nên cô có thêm nghị lực để làm thiện nguyện suốt nhiều năm qua.
Nhìn 3 quyển số dày đã ghi kín nét chữ về những trường hợp được ủng hộ, giúp đỡ mà cô Yến cất giữ cẩn thận, tuy không kể ra, nhưng chúng tôi hiểu rằng, chỉ có tấm lòng thơm thảo, sẻ chia thì cô mới có thể giúp đỡ được nhiều phận đời éo le, những hoàn cảnh kém may mắn đến vậy. Bởi vì cô giáo Yến luôn quan niệm rằng: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng…”.