Cô gái Pa Cô đi tải đạn 

Lục lọi mãi, mẹ Hồ Kăn Choong (khóm 6, thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị) mới tìm ra được kỷ vật từ chiến trường Khe Sanh. Mẹ xòe ra 10 chiếc kim bằng bạc, dài ngắn khác nhau, cười hiền: “Đây là y cụ mẹ đã giúp rất nhiều đồng đội thoát lưỡi hãi tử thần trong chiến tranh”.

Những kỷ vật của nữ chiến sĩ Pa Cô

Ở tuổi 73, mẹ Hồ Kăn Choong vẫn giữ được nét khỏe mạnh, vui tươi, hài hước của một người ham lao động, giàu sức sống. Mẹ cho hay mình là người dân tộc Pa Cô, quê gốc ở xã Đông Sơn, huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế), sau chuyển về Lao Bảo (Quảng Trị). Dù phận nữ nhi, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, năm 1962, ở tuổi 17 vào thời chiến tranh ác liệt, mẹ đã xung phong vào bộ đội, được biên chế về Đoàn Bắc Sơn, đơn vị vận tải Quân khu 4.

Hơn 10 chiếm kim châm cứu bằng bạc của mẹ Choong. Ảnh: Công Sang

Hơn 10 chiếc kim châm cứu bằng bạc của mẹ Choong. Ảnh: Công Sang

Hành trang đi bộ đội của mẹ, ngoài một hai bộ quần áo đơn sơ, là một bộ kim châm cứu bằng bạc, hơn 10 chiếc. Bố của mẹ là thầy thuốc đông y, từ nhỏ mẹ đã được cụ truyền dạy cho các kiến thức và kĩ năng thực hành cơ bản về kinh lạc, bắt mạch, châm cứu, bốc thuốc. “Con cứ đem theo bộ kim châm cứu này, để phòng khi hữu dụng”, bố của mẹ Choong dặn dò.

Công việc của người chiến sĩ vận tải phục vụ chiến trường vô cùng vất vả, đặc biệt đối với nữ, nhưng tuổi thanh xuân, tinh thần cống hiến và đồng đội quây quần, nên mẹ và mọi người không ai thấy khổ, quen dần với gian lao. Thời điểm chuẩn bị chiến dịch Khe Sanh, công tác hậu cần đặc biệt được quan tâm, đẩy mạnh. Hàng hóa, đạn dược, lương thực, nhu yếu phẩm tập kết về rất nhiều, đơn vị liên tục tổ chức vận chuyển từ Làng Hồ (Quảng Bình) ra tới Khe Sanh. Không ai bảo ai nhưng mẹ và mọi người biết sắp có đánh lớn.

Từ 4h sáng, các chiến sĩ vận tải đến vị trí trực được phân công, nhận hàng rồi tổ chức đi thành đoàn đến 11h trưa thì giao cho đơn vị khác. Đây là quãng đường các phương tiện cơ giới không chạy được, các chiến sĩ chỉ có cách gùi, mỗi lần gùi số hàng nặng khoảng 60-70 kg, nếu là đạn DKB thì mỗi người chỉ gùi được 2 quả ghép lại, nặng tổng cộng 52 kg. Gạo thì gùi cả bao. Cả đoàn hàng trăm người, cả trai lẫn gái, nuối đuôi nhau, gùi cõng trên lưng cùng đi đến điểm tập kết.

Đường rừng hiểm trở, mẹ và các đồng đội phải trèo đèo, lội suối với khối hàng rất nặng trên lưng. Nhiều khi vấp phải cành cây, cục đá ngã xuống, bị thương, bị xây xát.

Lại thêm địch dùng máy bay trinh sát, nếu phát hiện có dấu hiệu khả nghi thì ném bom, bắn phá ác liệt. Nhiều đồng đội đã ngã xuống, người bị thương, người hi sinh, máu nhuộm thắm đỏ hàng hóa, đất rừng. “Nhiều lần địch dùng máy bay Dakota phun hóa chất diệt cỏ, chúng tôi bị ướt đẫm người. Trang bị phòng hộ chỉ có khẩu trang mong manh. Hôm sau thấy vạt rừng mình đi qua cây  héo hết, cỏ cũng rụng lá; chỉ có cây chuối rừng là không chết. Nhiều anh em đồng đội sau này bị nhiễm bệnh từ những lần đó”, mẹ Choong nhớ lại.

Kinh hoàng B52 rải thảm

Cô gái Pa Cô đi tải đạn. Ảnh: Tư liệu

Cô gái Pa Cô đi tải đạn. Ảnh: Tư liệu

Trong ký ức của mẹ Hồ Kăn Choong và đồng đội, khủng khiếp nhất là những lần địch dùng siêu pháo đài bay B52 rải thảm. Cả đoàn người đang đi, nghe “bùm” một cái, là hàng chục, hàng trăm đồng đội đã biến mất không dấu vết. Có lần trên đường hành quân, đồng đội của mẹ hi sinh 4 người. Có lần bom thả trúng hầm, 21 người hi sinh (1 nữ, 20 nam). Những đồng đội bằng xương bằng thịt vừa nói cười, chỉ trong chớp mắt đã không còn, làm mẹ đau lòng, thảng thốt. Nhưng chiến tranh là vậy, gian khổ, hi sinh không làm con người nhụt chí, sờn lòng; trái lại càng tôi rèn bản lĩnh, sự nỗ lực và tình yêu thương, đoàn kết.

Không trực tiếp cầm súng tham gia trận Khe Sanh, nhưng qua công tác chuyển đạn, tải thương, chăm sóc thương binh, mẹ Choong thấy rõ sự ác liệt của chiến tranh và sự hi sinh to lớn của quân đội. Lúc đó, khu vực gần Khe Sanh, chúng ta lập ra 3 nhà dã chiến để tiếp nhận, cứu chữa, chăm sóc thương binh. Có những đợt các anh được chuyển về rất nhiều, nhiều người bị thương rất nặng. Có những đợt người hi sinh nhiều, chôn cất thành nhiều hàng. Nước mắt nữ chiến sĩ vận tải nhỏ lên những thi thể liệt sĩ còn trẻ từ các vùng quê khác nhau.

“Lúc đó, toàn quân toàn dân một lòng một dạ tập trung cho chiến trường, tất cả để chiến thắng, chúng tôi thấy sự gian khổ trở nên bình thường”, mẹ Choong chia sẻ.

Những ngày vận chuyển đạn gấp, cơm không có ăn, mà có cũng không thể nấu được vì địch phát hiện sẽ oanh tạc. Mẹ và đồng đội ăn gạo rang thay cơm, định mức 2 gói/ngày. Ban đêm hành quân, không có đèn, mọi người lấy con đom đóm gắn vào lưng đồng đội, người sau nhìn ánh sáng le lói mà mò mẫm đi theo, gùi trĩu nặng trên lưng.

Mẹ Chong vẫn giữ nụ cười tươi trẻ ở tuổi 73. Ảnh: QĐ

Mẹ Chong vẫn giữ nụ cười tươi trẻ ở tuổi 73. Ảnh: QĐ

Ban đầu, hai vai sưng lên, đau đớn không chịu nổi, nhưng sau đó trở thành chai, quen dần. Trời mưa, nước lớn không ngăn được đoàn quân vận tải, họ vẫn dầm mưa, vượt suối. Khát vọng chiến thắng tạo nên sức mạnh phi thường. Nhưng trong gian khổ vẫn có niềm vui. Anh chị em trêu đùa, tếu táo, hát hò động viên nhau vượt khó.

Có lần bắt gặp con trăn lớn chắn ngang đường, các chiến sĩ nam xông lại, hò nhau bắt, cả đơn vị có bữa thức ăn tươi. “Thịt trăn trắng, thơm ngon và hơi dai, ngon hơn cả thịt gà”, mẹ Choong kể. Cá suối rất nhiều, lúc giải lao, hay ban đêm, mọi người tranh thủ đi bắt về cải thiện. Vốn người bản địa, mẹ Choong luôn là người bắt được nhiều cá nhất, được tuyên dương trước đơn vị. Cây, quả rừng cũng rất nhiều thứ ăn được như sung, vả, chuối rừng, đoác...

Không chỉ bị địch tập kích bằng máy bay, phi pháo, đã không ít lần, mẹ Choong và đồng đội đụng độ với biệt kích, thám báo của địch. Có lần, đang đi, phát hiện địch, mẹ và đồng đội phải ẩn nấp, vì vũ khí mang theo không đủ đánh nhau. Có lần, mẹ chạy vào nhà dân, địch xộc vào truy tìm, người dân đánh lạc hướng nên thoát được. Sau đó, mẹ báo với đơn vị, tổ chức phục kích và bắt được một ngụy binh, bàn giao cho cấp trên khai thác.

“Người Pa Cô, Vân Kiều mang họ Bác Hồ, ai cũng yêu nước, giúp đỡ, che chở bộ đội. Nếu hôm đó, người dân không mưu trí thì tôi đã bị bắt rồi”, mẹ Choong hồi tưởng.

Nữ bộ đội trên cung đường chiếc lược Trường Sơn. Ảnh: Tư liệu

Nữ bộ đội trên cung đường chiến lược Trường Sơn. Ảnh: Tư liệu

Đồng đội chịu vất vả gian khổ, nhiều người không quen thủy thổ do đến từ ở các đô thị nên nhiều người bị ốm, sốt rét và nhiều loại bệnh tật. Vốn có nghề y gia truyền, lại được học thêm lớp y tá, mẹ Choong đã dùng những cây kim bạc châm cứu cho đồng đội. Rồi những bài thuốc dân gian, những lá cây rừng hữu dụng cũng được mẹ trực tiếp chế biến hoặc bày cho đồng đội sử dụng để chữa một số bệnh thông thường.

Mong ngày hội ngộ đồng đội

Chiến tranh kết thúc, vì có chuyên môn y tế, mẹ Choong được chuyển về công tác tại Bệnh viện huyện, và nghỉ hưu vào năm 1982. Chồng của mẹ cũng công tác trong ngành y, mất do tai nạn bom mìn vào năm mẹ nghỉ hưu. Một tay mẹ bươn chải nuôi 4 người con khôn lớn, vất vả không sao nói hết. Nay con cái đã phương trưởng, mẹ sống chật vật với đồng lương hưu khoảng 3 triệu/tháng, nhà cũ đổ nát, căn ke mãi mới làm được căn nhà, nợ trước hụt sau.

Mẹ Choong mong được hội ngộ đồng đội. Ảnh: Công Sang

Mẹ Choong mong được hội ngộ đồng đội. Ảnh: Công Sang

Nay mẹ vẫn còn nợ khoảng 50 triệu, sẽ tính cách trả dần. Căn nhà mẹ trống hơ trống hoác, không có vật dụng gì đáng giá. Thấy mẹ khổ, chúng tôi ái ngại, nhưng mẹ vẫn lạc quan: “Đời sống bà con bây giờ khá hơn nhiều rồi, bản làng sạch sẽ, khang trang, người dân đã có cuộc sống khá hơn. Chứ sau khi chiến tranh kết thúc, cả vùng này tan hoang, không có một cái cây lành lặn”.

Giấy tờ, các bằng khen, giấy khen đã bị thiên tai làm mất mát, hư hỏng hết, nhưng mẹ vẫn lưu giữ được hơn 10 cây kim bạc, kỷ vật vô giá thời chiến tranh.

Mẹ cũng thoáng chút ngậm ngùi khi cho hay trong các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Khe Sanh trước đây, mẹ không được ai mời tham dự. “Chiến trường ác liệt như thế, mình vẫn trở về lành lặn, có gia đình, chồng con, so với các đồng đội đã hi sinh thì mình quá may mắn. Nhưng tôi muốn hội ngộ với đồng đội, để ôn lại kỉ niệm xưa, xem các anh chị em đã sống như thế nào, ai còn, ai mất”, mẹ Choong nghẹn giọng.

Chia tay mẹ, chúng tôi hỏi: “Nếu được lựa chọn, mẹ có đi bộ đội?”. Mẹ Choong lại cười, quả quyết: “Mẹ vẫn đi bộ đội chứ, đi để giải phóng đất nước, mọi người cùng đi mà”.

QUANG ĐẠI - CÔNG SANG

984 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 652
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 652
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87204546