|
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Đại biểu Quốc hội của đoàn thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội đã có cuộc trao đổi với báo chí về tên gọi “học phí”, “giá dịch vụ giáo dục” và những tác động của nội hàm này tới chất lượng giáo dục và sự đón nhận của người học.
Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng không đồng tình với việc gọi học phí thành giá dịch vụ giáo dục. Ông có ý kiến gì về việc này?
Ông Hoàng Văn Cường: Tôi cho rằng chúng ta phải hiểu sự khác nhau trong nội hàm của học phí và giá dịch vụ giáo dục. Học phí thực hiện theo Luật Phí, lệ phí do Nhà nước ấn định. Còn nói giá dịch vụ tức là một yếu tố được xác định theo Luật Giá.
Tuy nhiên, ý của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng không nên dùng từ giá dịch vụ giáo dục đào tạo chỉ cho học phí nói chung. Tôi cho rằng về mặt tên gọi có thể gọi bằng cách nào đó linh hoạt hơn, không nhất thiết dùng giá dịch vụ đào tạo khi thông báo việc đóng tiền học cho người học.
Tiền đóng học, hay có thể gọi là học phí được xác định trên cơ chế giá chứ không phải là phí do Nhà nước ấn định. Tức là cách gọi giá dịch vụ đào tạo là nhằm phân biệt giữa cơ chế giá và cơ chế phí. Còn khi sử dụng từ ngữ để thông báo đóng tiền học thì các cơ sở giáo dục có quyền thông báo học phí của kỳ này là bao nhiêu tiền.
“Tiền đóng học hay có thể gọi là học phí được xác định trên cơ chế giá chứ không phải là phí do Nhà nước ấn định”
- Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường
|
Như vậy có thể vẫn giữ tên gọi học phí dù là chuyển qua cơ chế giá?
Ông Hoàng Văn Cường: Tôi nghĩ tên gọi không phải là vấn đề, đấy là do quan niệm của chúng ta. Chúng ta gọi tên gì đó thì phải đưa vào trong luật ấn định thành tên gọi thống nhất chung chứ không phải là vấn đề lớn. Quan trọng nhất là nội hàm bên trong của nó là gì. Nếu cần thiết thì đưa vào phần khái niệm chung, vào phần mở đầu của luật. Tên gọi là gì cần bàn nhưng cũng không nhất thiết phải thay đổi thành một cái gì đấy khác biệt, quan trọng phải hiểu bản chất.
Vừa rồi Bộ Giao thông vận tải có thay đổi tên gọi “trạm thu phí BOT” thành “trạm thu giá BOT” gây xôn xao trong dư luận. Theo ông Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên rút kinh nghiệm trong việc sử dụng câu chữ này?
Ông Hoàng Văn Cường: Đúng như thế, tôi cho rằng, đó là cách áp dụng máy móc. Trong luật quy định giá dịch vụ giao thông để tính tất cả chi phí hình thành nên giá đó, đấy là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên khi thu thì không thể gọi là thu giá mà là thu tiền phí giao thông hay là kinh phí giao thông hay là chi phí giao thông… Gọi bằng cách gì để cho phù hợp nhất nhưng bản chất thì phải là giá dịch vụ giao thông chứ không phải là phí.
Theo ông mục đích của việc chuyển từ cơ chế phí sang cơ chế giá và thu đúng, thu đủ trong giáo dục đại học là gì?
Ông Hoàng Văn Cường: Bản chất của việc chuyển từ phí sang giá là thay đổi hoàn toàn quan niệm. Phí là Nhà nước ấn định theo luật phí, lệ phí, và như vậy những cơ sở giáo dục, đào tạo không có chuyện thay đổi phí khi Nhà nước đã ấn định. Còn khi gọi là giá dịch vụ đào tạo thì các cơ sở giáo dục, đào tạo có quyền tính đúng tính đủ các chi phí hợp lý và được Nhà nước chấp nhận và trở thành chi phí đào tạo mà người học phải trả cho trường.
Dùng giá dịch vụ đào tạo bảo đảm tính công bằng, công khai, minh bạch và tính lựa chọn cho các cơ sở giáo dục, đào tạo và người học.
Chuyển qua cơ chế giá như vậy, liệu học phí tại các trường có tăng so với khi áp dụng cơ chế phí?
Ông Hoàng Văn Cường: Chuyện đấy là do chúng ta lựa chọn chương trình đào tạo. Nếu trường nào đào tạo chương trình tốt, người ta phải bỏ chi phí nhiều vào đó và mang lại nhiều dịch vụ tốt cho người học và người học cảm thấy chi phí bỏ ra là chính đáng thì giá rất cao.
Ngược lại chương trình đào tạo mà không mang lại giá trị mới cho người học và chí phí đầu tư vào đấy ít thì có khi giá dịch vụ còn thấp hơn phí Nhà nước ấn định. Ở đây hoàn toàn do việc tính đúng, tính đủ, tính hợp lý những chi phí trong quá trình đào tạo để hình thành mức giá đó.
Theo cơ chế giá, chi phí học tập sẽ do các trường tính toán đưa ra. Điều này khiến cho dư luận lo ngại học phí sẽ bị thả nổi và đẩy lên cao, không ai giám sát?
Ông Hoàng Văn Cường: Dù mức giá các dịch vụ giáo dục, đào tạo do các trường tính toán và đưa ra nhưng những gì được tính vào dịch vụ đấy Nhà nước phải quy định chứ không phải tính bất kể cái gì cũng được. Ví dụ, trong chương trình đào tạo có chi phí tiền lương giáo viên, chi phí giảng đường, chi phí thiết bị giảng dạy học tập… những chi phí này được tính trong chi phí đào đạo để đưa ra mức giá cụ thể của dịch vụ đào tạo. Nhưng nếu lấy tiền đi du lịch, nghỉ mát, tiền làm nhà của giáo viên để tính vào giá dịch vụ đào tạo thì không được.
Chính vì vậy cơ quan quản lý Nhà nước sẽ kiểm soát việc các trường tính giá dịch vụ này đúng hay không để chấp nhận công bố mức giá đó. Vai trò quản lý của Nhà nước là chỗ đó. Nhà nước ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn để các trường dựa vào đó tự thực hiện và Nhà nước kiểm tra xem họ thực hiện có đúng quy định không.
Việc chuyển qua cơ chế giá có tác động như thế nào đến chất lượng giáo dục đại học?
Ông Hoàng Văn Cường: Tôi cho rằng, đây sẽ là sự thay đổi rất lớn đến chất lượng đào tạo. Vì hiện nay có những chương trình đào tạo cần đâu tư lớn hơn, cá biệt hơn như máy móc, thiết bị, thậm chí mời cả chuyên gia quốc tế. Thế nhưng chúng ta cứ sử dụng phí Nhà nước ấn định thì những cơ sở giáo dục đào tạo dù có năng lực đến mấy, người học mong muốn được học dịch vụ tốt hơn cũng không thể đạt được.
Nếu chúng ta thay đổi thành giá, các trường đưa ra được các sản phẩm đào tạo đáp ứng nhu cầu người học. Người học cũng thấy rằng đây là cái họ cần, chi phí có thể cao nhưng người học mong muốn được dịch vụ như thế, chất lượng như thế. Như vậy sẽ tạo ra sản phẩm đào tạo khác nhau và mỗi sản phẩm đó tương ứng với chi phí khác nhau và được công khai, minh bạch.
Giá dịch vụ đào tạo là những chi phí học tập được tính đúng, tính đủ
Tại phiên thảo luận Tổ chiều nay về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã giải thích rõ hơn với các đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan tới giá dịch vụ giáo dục đào tạo.
Theo Bộ trưởng, tên gọi “học phí” được quy định trong Luật Giáo dục hiện hành tại Điều 105 với ý nghĩa là khoản tiền mà người học phải nộp cho người cung cấp dịch vụ một phần hoặc toàn bộ.
Tuy nhiên, căn cứ theo Luật Giá, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học quy định học phí không phải bao trùm tất cả chi phí mà cơ sở đào tạo cung cấp, trong đó có một số loại chi phí do Nhà nước đặt hàng. Những chi phí áp dụng theo Luật Giá thì mới tính được giá.
"Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tính theo khung giá đã được áp vào chứ không phải tính tuỳ tiện. Ngay cả lệ phí thi, giờ không gọi là lệ phí nữa mà giá dịch vụ này cũng phải được xem xét và Bộ Tài chính đồng ý thì mới được ban hành", ông Phùng Xuân Nhạ nói.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng diễn giải việc không gọi là học phí mà là giá dịch vụ đào tạo để trong quá trình tổ chức hoạt động đào tạo hay các khoản tiền mà đơn vị đào tạo được thu và tính trong các định mức thì cũng phải xây dựng thang tính đúng, tính đủ. Như vậy, giá dịch vụ đào tạo phải được hiểu là những chi phí tính đúng, tính đủ mà một cơ sở đào tạo giáo dục đại học cần phải có để cung cấp dịch vụ GDĐH.
Tinh thần là các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập từng bước tính đúng, tính đủ theo giá dịch vụ chứ giá dịch vụ không phải là "thương mại hoá". Các cơ sở giáo dục đại học công lập được tính toán một cách minh bạch các chi phí.
Trong thực tế, chi phí cho một hoạt động đào tạo một học sinh, sinh viên tính vào học phí mà người học phải trả ở trường công lập chưa đủ. Học phí chỉ là một phần, phần còn lại tương đối lớn, Nhà nước vẫn phải chi. |
Quốc Thanh (ghi)