Cơ cấu nợ: Giải pháp cho ngân hàng, doanh nghiệp và người dân 

(ĐCSVN) - Trong thời gian qua, đặc biệt do ảnh hưởng của dịch COVID-19, rất nhiều người dân và doanh nghiệp gặp khó trong việc thực hiện cam kết trả nợ đối với các ngân hàng. Trước thực trạng đó, Ngân hàng Nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài... cơ cấu lại thời hạn trả nợ, đây chính là một trong những giải pháp cứu cánh cho doanh nghiệp, người dân và cả Ngân hàng.

 

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, việc cơ cấu lại nợ chính là cứu cánh cho các doanh nghiệp và người dân... (Ảnh: Hùng Anh)

Ngày 23/04/2023, Ngân hàng Nhà nước ra Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh nhân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ đời sống tiêu dùng (gọi tắt là TT02/2023).

Thời gian qua, kinh tế trên thế giới gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng…  toàn cầu chậm lại, tăng trưởng thấp đi kèm với rủi ro suy thoái tại một số nền kinh tế. Điều này tác động không nhỏ đến kinh tế, xã hội Việt Nam – một quốc gia có độ mở kinh tế lớn. Theo thống kê tăng trưởng kinh tế quý 1 năm 2023 chỉ đạt 3,32%, gần như thấp nhất so với cùng kỳ từ năm 2011.

Trong bối cảnh doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thiếu đơn hàng, thị trường đầu ra… dẫn tới doanh thu, thu nhập sụt giảm, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ các khoản vay tại Ngân hàng. Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành TT02/2023 như là cứu cánh cho doanh nghiệp, người dân và cả Ngân hàng.

Đối với doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các khoản nợ gốc, lãi đến hạn trả nợ tại Ngân hàng sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ từ đó doanh nghiệp và người dân tập trung nguồn lực tài chính để phát triển sản xuất, kinh doanh, quảng bá thương hiệu và tìm kiếm đối tác, khách hàng mới. Sau này doanh nghiệp và người dân vẫn có cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn vay của Ngân hàng.

Đối với Ngân hàng việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ sẽ giảm đáng kể nợ xấu phát sinh trong thời gian tới. Ngoài ra, các khách hàng được cơ cấu sẽ là những khách hàng tiềm năng sau này của Ngân hàng khi nền kinh tế phục hồi.

Vậy thực trạng tình hình cơ cấu nợ tại các Ngân hàng sau hơn 1 tháng thực hiện TT02/2023 ra sao? Thực tế đến nay, số lượng khách hàng được cơ cấu theo TT/02/2023 tại các Ngân hàng là rất hạn chế. Qua trao đổi với một số Giám đốc Ngân hàng TMCP trên địa bàn Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng…., việc cơ cấu nợ cho khách hàng theo TT02/2023 phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong đó quan trọng nhất là khả năng trả nợ của khách hàng trong tương lai – Khoản cơ cấu có thời hạn 12 tháng sau đó phần nợ được cơ cấu sẽ cộng dồn vào các tháng còn lại trên Hợp đồng tín dụng. Tiếp theo là khoản lãi của khách hàng cơ cấu được hạch toán ngoại bảng và được trích lập dự phòng rủi ro điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của các đơn vị kinh doanh trong Ngân hàng.

Mới đây, ngày 23/05/2023 (sau 1 tháng ra đời TT02/2023), Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ra chỉ thị số 02/CT-NHNN về tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại TT02/2023 gửi đến các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đề nghị đẩy mạnh việc cơ cấu nợ cho khách hàng gặp khó khăn. Như vậy để thực hiện tích cực và hiệu quả, TT02/2023 hướng tới mục tiêu chung là ổn định kinh tế - xã hội, tạo đà phát triển trong thời gian tới thì người dân, doanh nghiệp và ngân hàng phải cùng nhìn về một hướng, đặt lợi ích chung của đất nước nên trên lợi ích của cá nhân.

 
Hùng Anh
403 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1430
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1430
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87164451