Hoạt động giao dịch với khách hàng tại KBNN tỉnh Bến Tre. Ảnh: Hoàng Hùng
Nhưng được xem là thành công hơn cả chính là cơ cấu ngân sách Nhà nước đang đi đúng hướng, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững theo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy năm 2018, dự kiến tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước cả nước trên 1.420 nghìn tỷ đồng, đạt trên 107% so dự toán. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết đây là năm thứ 3 liên tiếp thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán đề ra. Tính chung 3 năm 2016 – 2018, tỷ lệ huy động thu ngân sách Nhà nước đạt xấp xỉ 25% GDP; trong đó huy động thuế và phí đạt 21% GDP.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, mục tiêu cơ cấu lại ngân sách nhà nước 3 năm 2016-2018 và tính bền vững của ngân sách nhà nước đã đạt được kết quả khá tích cực. Một số chỉ tiêu đạt trước thời hạn đã giúp tính bền vững của ngân sách nhà nước được củng cố, góp phần duy trì ổn định vĩ mô.
Cụ thể, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu cân đối thu ngân sách Nhà nước tăng từ 80,1% năm 2016 lên 82% năm 2018; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và dầu thô (là những khoản thu thiếu ổn định) giảm từ 19,9% năm 2016 xuống còn 18% năm 2018.
Về chi ngân sách Nhà nước năm 2018, người đứng đầu ngành tài chính cho biết đã được thực hiện trong phạm vi dự toán giao, đúng chế độ quy định và được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Đồng thời, đã đáp ứng kịp thời các nhu cầu đột xuất, cấp bách phát sinh cho khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội và trật tự xã hội..., góp phần ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, số người nghèo giảm trên 1,5% so với năm trước.
Tổng chi ngân sách Nhà nước 3 năm 2016 – 2018 đạt khoảng 54 - 55% Kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm 2016 – 2020. Cơ cấu chi ngân sách Nhà nước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt xấp xỉ 27%, tỷ trọng chi thường xuyên đạt khoảng 63% trong tổng chi ngân sách Nhà nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, với các giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công theo hướng bền vững, ngành tài chính đã đạt được các chỉ tiêu về cơ cấu lại nền tài chính công trước 2 năm so với yêu cầu của Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và Nghị quyết số 25/2016/QH của Quốc hội về kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, cơ cấu ngân sách nhà nước vẫn chưa ổn định, số tăng thu ngân sách nhà nước vẫn dựa nhiều vào thu tiền sử dụng đất. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, nguồn thu chính từ các hoạt động kinh tế, điển hình là thu từ thuế đối với khu vực doanh nghiệp, có dấu hiệu thiếu ổn định. Trong khi đó, tỷ lệ chi thường xuyên so với tổng chi ngân sách nhà nước vẫn luôn duy trì ở mức cao (hơn 60%) và chưa có chuyển biến theo chiều hướng tích cực trong những năm qua, dẫn đến thu ngân sách nhà nước, về cơ bản, chỉ mới đủ đáp ứng cho mục đích tiêu dùng và trả nợ.
Cân đối ngân sách vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ đất đai, tài nguyên và bán tài sản nhà nước, tức là phụ thuộc vào các khoản thu một lần nên không có tính bền vững. Do đó, theo ông Vũ Tiến Lộc, giải pháp căn cơ để đạt được cân đối tài chính quốc gia trong trung và dài hạn là bên cạnh những nỗ lực thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh để tăng thu, vẫn phải kiên quyết cắt giảm bộ máy hành chính về mức hợp lý, từ đó giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống còn khoảng trên/dưới 50%, theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Đảng và của Quốc hội.
Ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng cần tích cực thực hiện cho được Chiến lược cải cách thuế và sớm khắc phục tình trạng nguồn lực tài chính quốc gia bị phân tán, ngân sách nhà nước được quản lý không tập trung như hiện nay nhằm đảm bảo an toàn cho nền tài chính, cơ cấu nguồn thu vững chắc cho ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính cũng thừa nhận dù ngân sách Nhà nước đạt kết quả rất cao nhưng nền tài chính quốc gia vẫn còn những thách thức tồn tại lớn đặc biệt là tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá vẫn diễn ra khá nghiêm trọng đòi hỏi ngành tài chính cần đẩy mạnh phòng chống hơn nữa trong thời gian tới để đảm bảo nguồn thu ổn định và công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp.
Do đó định hướng chính sách tài chính – ngân sách Nhà nước của Việt Nam trong năm 2019 là tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả; tăng cường kỷ luật tài chính – ngân sách Nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cơ cấu lại ngân sách Nhà nước và nợ công theo hướng an toàn, bền vững, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, gắn với đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công.
Tư lệnh ngành tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết về điều hành ngân sách Nhà nước năm 2019 tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thu ngân sách Nhà nước, tăng cường quản lý, chống thất thu, đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, xử lý nợ đọng, gian lận thuế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế; tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngân sách.
Đồng thời, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi để giảm bội chi ngân sách. Duy trì các chỉ số nợ ở mức an toàn, bảo đảm sử dụng vốn vay có hiệu quả, trả nợ đầy đủ, đúng hạn, giữ uy tín trong các cam kết quốc tế. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện nhất quán việc quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; đẩy mạnh thực hiện việc giao quyền tự chủ về tổ chức, biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
Năm 2019 dự toán thu ngân sách Nhà nước phấn đấu huy động trên 23% GDP; trong đó huy động thuế và phí khoảng 21% GDP. Tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước; trong đó chi đầu tư phát triển chiếm 26,3% tổng chi ngân sách Nhà nước. Bội chi ngân sách Nhà nước tương đương 3,6% GDP. Dư nợ công đến hết năm 2019 dự kiến khoảng 61,3% GDP.
Ngoài ra, toàn ngành khẩn trương trình Chính phủ ban hành các nghị định về tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo lĩnh vực; danh mục dịch vụ sự nghiệp công, quy hoạch mạng lưới; định mức kinh tế kỹ thuật...; thực hiện lộ trình điều chỉnh giá gắn với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, hỗ trợ các đối tượng chính sách và kiểm soát lạm phát.
Đặc biệt, ngành nâng cao kỷ luật, kỷ cương quản lý tài chính-ngân sách, kể cả trong thu-chi ngân sách nhà nước. Nói rõ điều này, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho rằng cần tuân thủ pháp luật về quản lý ngân sách, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, công sản, đầu tư xây dựng cơ bản... Bởi thực tế theo các kết quả thanh tra, kiểm toán, những vi phạm trong các lĩnh vực này thường gây thất thoát, lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước.
Để thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách, theo ông Võ Thành Hưng, trong thời gian tới cần thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành theo quy định của pháp luật các cơ chế, chính sách quản lý tài chính - ngân sách, định mức phân bổ, định mức chi tiêu không còn phù hợp; bãi bỏ các cơ chế, chính sách ban hành trái thẩm quyền hoặc trái quy định cấp trên./.
Thùy Dương/TTXVN