Quang cảnh buổi làm việc (Ảnh: KL)
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, qua 30 năm đổi mới, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Trong đó, ngành đã có bước phát triển ngoạn mục, từ chỗ thiếu đói đã đáp ứng đủ lương thực, thực phẩm cho hơn 90 triệu dân và xuất khẩu đạt mức kỷ lục trên 36 tỷ USD trong năm 2017. Đến nay, chúng ta đã xuất khẩu nông sản đi 180 thị trường và nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, có vị thế nhất, nhì thế giới về sản lượng xuất khẩu.
Sau gần 5 năm thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ngành đang tạo được những chuyển biến tích cực, rõ nét. Đó là tạo sự thống nhất cao của toàn xã hội về tính tất yếu khách quan và yêu cầu cấp bách cần thay đổi căn bản nền sản xuất nông nghiệp nước ta theo hướng chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững. Giai đoạn 2013-2017, mặc dù sản xuất, kinh doanh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng vẫn duy trì được tăng trưởng, tốc độ tăng GDP đạt bình quân 2,78%/năm, tuy chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng đây là nỗ lực rất lớn của toàn ngành trong bối cảnh thiên tai khắc nghiệt gây thiệt hại lớn cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, thu nhập và đời sống cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng từ 18,6 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 29,2 triệu đồng năm 2016.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nhờ thực hiện cơ cấu lại ngành mà sức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay rất lớn, thậm chí có mặt hàng còn dư thừa. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn. Đó là áp lực cạnh tranh khi nhiều nước lớn quan tâm, đầu tư cho nông nghiệp trong khi một số thị trường xây dựng các rào cản đối với nông sản Việt Nam. Bên cạnh đó, nước ta đang có hơn 8,6 triệu hộ dân và 78 triệu miếng ruộng, trong khi ngành nông nghiệp định hướng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, vì vậy cần có giải pháp tháo gỡ.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mong muốn các thành viên của Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, đề xuất cách thức giảm nhanh tỷ lệ lao động trong nông nghiệp, nâng cao chất lượng lao động, tránh tình trạng lao động nông nghiệp chủ yếu là người già, không được đào tạo. Bộ trưởng cũng muốn các thành viên trong tổ tham mưu chính sách cụ thể để thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ; chính sách thu hút nguồn lực để tái cơ cấu hạ tầng, đặc biệt thủy lợi, điện, logistic...; chính sách phát triển thị trường, đồng thời hoàn thiện các chính sách về đất đai, nhất là hạn điền để tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện đại.
Trao đổi tại buổi làm việc, nhiều thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng cần có chính sách để tháo gỡ nút thắt về hạn điền đất đai. Bên cạnh đó, các thành viên Tổ tư vấn cũng nhấn mạnh đến việc cần tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp, phát triển công nghiệp phụ trợ và phát triển thị trường nông sản cả trong và ngoài nước. Đặc biệt, về phát triển thị trường, muốn xuất khẩu nông sản đạt giá trị cao cần có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn vào sản xuất kinh doanh; đồng thời tiến hành sản xuất theo chuỗi, ổn định nguồn cung và kiểm soát chất lượng./.
BT