Báo cáo của Chính phủ cho biết, ngày 8/11/2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Nghị quyết số 24 đề ra 22 mục tiêu cụ thể về cơ cấu lại nền kinh tế đến năm 2020 và 5 nhóm nhiệm vụ.
Thực hiện Nghị quyết 24 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27 với 16 nhóm nhiệm vụ lớn được cụ thể hóa bằng 108 nhiệm vụ chi tiết. Đến 2020, hầu hết các nhiệm vụ đã được triển khai và có kết quả.
Đặc biệt, việc hoàn thiện thể chế liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế được thúc đẩy tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện. Giai đoạn 2016-2020, khoảng 234 văn bản các loại đã được soạn thảo và ban hành, trong đó đã trình Quốc hội thông qua 26 Luật.
Cụ thể, đến năm 2020, dự kiến 15 trong số 22 mục tiêu được giao tại Nghị quyết số 24 hoàn thành và có khả năng hoàn thành (chiếm gần 68,2%). Trong đó, 5 mục tiêu quan trọng đã hoàn thành vượt xa so với kế hoạch đề ra, góp phần tạo được bước tiến thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế của giai đoạn 2016-2020.
Trong số 7 mục tiêu có khả năng không hoàn thành, hai mục tiêu về bội chi ngân sách nhà nước và tỷ lệ nợ xấu đều được đánh giá có khả năng hoàn thành vào cuối năm 2019 nhưng do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nên có thể không hoàn thành trong năm 2020.
Mục tiêu về nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức chất lượng tiếp cận 04 nước ASEAN phát triển nhất (ASEAN-4) đã bước đầu triển khai thực hiện nhưng do ưu tiên triển khai các mục tiêu cấp bách khác trong cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017-2020 nên mục tiêu này sẽ được tập trung triển khai trong giai đoạn 2021-2025.
Hai mục tiêu liên quan đến cơ cấu lại DNNN có khả năng không hoàn thành do cả nguyên nhân chủ quan từ trách nhiệm người đứng đầu đến các nguyên nhân khách quan.
Báo cáo của Chính phủ khẳng định, Nghị quyết 24 đã được triển khai quyết liệt, mang lại những kết quả thực chất hơn. Có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về tư duy và hành động trong công tác xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện chương trình cơ cấu lại nền kinh tế. Một mặt làm thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành trong thực hiện chương trình cơ cấu lại nền kinh tế, mặt khác đã truyền cảm hứng, tạo lòng tin cho thị trường.
Vì vậy, chương trình cơ cấu lại nền kinh tế đi vào thực chất hơn, tạo chuyển biến tích cực. Tập trung nhiều chính sách, giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đây là hai lĩnh vực có nhiều tiềm năng, nhờ đó đã tạo thêm động lực cho tăng trưởng.
Cân đối kinh tế vĩ mô và kết cấu nền kinh tế được củng cố vững chắc hơn (lạm phát được kiểm soát; tỷ lệ nợ công và áp lực trả nợ hàng năm giảm; hạ tầng tài chính được củng cố, lòng tin thị trường được tăng cường, hệ số tín nhiệm quốc gia tăng) qua đó tạo tiền đề để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn. Cải thiện khả năng chống chịu và ứng phó của nền kinh tế với các cú sốc bên ngoài; đồng thời, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội.
Về định hướng tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh: Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần tiếp tục thực hiện nhằm hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2016-2020 đồng thời bổ sung các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế với bước đi phù hợp trong bối cảnh đại dịch COVId-19. Theo đó, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần được xây dựng đảm bảo các nguyên tắc và quan điểm như: Phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về quan điểm, định hướng và mục tiêu của chiến lược phát triển quốc gia thời kỳ 2021-2030; phù hợp với định hướng phát triển của ngành và lãnh thổ được xác định trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030.
Tập trung nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực thông qua phát triển đồng bộ các loại thị trường kết hợp với tận dụng khai thác cơ hội của công nghệ số. Khuyến khích đổi mới sáng tạo, tích lũy năng lực công nghệ; đồng thời tạo đột phá ở một số lĩnh vực có tiềm năng như công nghệ số.
Xác định rõ ràng hơn các trọng tâm, trọng điểm cơ cấu lại nền kinh tế theo ngành, vùng, nhóm địa phương để tận dụng được lợi thế và tập trung nguồn lực, tạo ra những kết quả rõ nét hơn.
Khắc phục cơ cấu nền kinh tế chia cắt, cát cứ, thiếu kết nối, thiếu bổ sung hợp lý giữa các thành phần, các địa bàn kinh tế; tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và chủ động dần nâng cấp vị trí trong chuỗi giá trị.
Nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, tăng cường khả năng chống chịu với những cú sốc bên ngoài.
Nguyễn Hoàng