|
Ảnh minh họa |
Theo Thông tư, Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại (Hội đồng) do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định thành lập đối với từng hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại theo mẫu.
Hội đồng có chức năng tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc xem xét hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại (Hồ sơ).
Các hoạt động của Hội đồng thực hiện thông qua Cơ quan thường trực thẩm định Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại (Cơ quan thường trực thẩm định).
Hội đồng có quyền yêu cầu Cơ quan thường trực thẩm định cung cấp thông tin, tài liệu và những vấn đề liên quan đến Hồ sơ để nghiên cứu, thẩm định. Thành viên Hội đồng hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, được hưởng thù lao theo quy định của pháp luật hiện hành. Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Cơ cấu tổ chức của Hội đồng
Theo Thông tư, Hội đồng có số lượng thành viên từ 7 đến 9 người, tổng số thành viên phải là số lẻ, trong đó: Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc lãnh đạo của Cơ quan thường trực thẩm định. Phó Chủ tịch Hội đồng và Ủy viên thư ký là các công chức của Cơ quan thường trực thẩm định. Các Ủy viên gồm đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các Bộ có liên quan; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi diễn ra hoạt động tiếp cận nguồn gen và các chuyên gia, cán bộ khoa học có chuyên môn phù hợp.
Hội đồng làm việc theo nguyên tắc thảo luận tập thể, công khai, biểu quyết và quyết định theo đa số. Ý kiến của từng thành viên Hội đồng và ý kiến thẩm định của Hội đồng được thể hiện trong biên bản cuộc họp Hội đồng.
Hội đồng kết luận theo 1 trong 3 mức độ: 1- Đồng ý thông qua: khi có ít nhất hai phần ba thành viên Hội đồng có phiếu đánh giá đồng ý thông qua, trong đó phải có ít nhất 1 Ủy viên Phản biện; 2- Đồng ý thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung: khi có ít nhất hai phần ba số thành viên Hội đồng có phiếu đánh giá đồng ý thông qua hoặc đồng ý thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung, trong đó phải có ít nhất 1 Ủy viên Phản biện; 3- Không đồng ý thông qua: khi có trên một phần ba số thành viên Hội đồng có phiếu đánh giá không đồng ý thông qua hoặc cả 2 Ủy viên Phản biện có phiếu đánh giá không đồng ý thông qua.
Tuệ Văn