|
Ông Trương Hùng Long- Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính). Ảnh: VGP/Huy Thắng |
Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại của Bộ Tài chính cho rằng, đây là một thông lệ quốc tế phổ biến.
Xin ông chia sẻ những điểm mới tại Luật Quản lý nợ công 2017 này, việc quản lý nợ sẽ hiệu quả hơn như thế nào?
Ông Trương Hùng Long: Luật Quản lý nợ công 2017 được kỳ vọng sẽ làm hạ nhiệt nợ công khi gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân với trách nhiệm quản lý huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ công. Ngoài các quy định về chỉ tiêu an toàn nợ công, kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm, chương trình QLNC 3 năm và kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm, hạn mức bảo lãnh Chính phủ 5 năm, hằng năm và hạn mức cho vay lại hằng năm thì Luật Quản lý nợ công có điểm rất mới là ngưỡng cảnh báo nợ công. Vì các nước phát triển và các nước trong khu vực cũng sử dụng ngưỡng cảnh báo. Ngưỡng là như thế nào? Là trước khi chạm trần nợ công sẽ có ngưỡng cảnh báo báo động đỏ tình trạng vay của chúng ta. Từ đó có biện pháp kiểm soát lại nguồn vay nợ. Cái này trong Luật Quản lý nợ công ghi rõ mức ngưỡng nợ công do Quốc hội quyết định trong từng thời kỳ. Như vậy, mỗi thời kỳ 5 năm và trong quá trình điều hành, quản lý khi thấy nợ công đã tiến sát đến trần thì sẽ phải có các cảnh báo. Khi nợ đến ngưỡng, chúng ta phải kiểm soát các nhu cầu về vay nợ, đồng nghĩa kiểm soát bội chi, cho vay lại, hạn mức về bảo lãnh.
Với Việt Nam, trần nợ công là 65% GDP. Vậy cụ thể có những ngưỡng mức cảnh báo nào? Ông có thể đưa những ví dụ mà các nước đang áp dụng?
Ông Trương Hùng Long: Đúng là hiện nay chúng ta vẫn đang theo luật cũ là trần nợ công ở mức 65%. Năm 2017 nợ đã ở mức 61,3% tức là vẫn trong ngưỡng kiểm soát. Thời gian tới đây, khi có nghị định hướng dẫn và Luật Nợ công 2017 được thực thi thì chắc chắn rằng năm 2018 bàn đến mức nào sẽ có mức ngưỡng cảnh báo phù hợp.
Nhìn ra một số nước, ví dụ ở Ba lan, thì trần nợ công vừa nằm trong quy định chung của khối EU nhưng cũng rất đặc thù là Ba Lan không được quá 60% GDP. Trước khi tới trần sẽ có mức cảnh báo: từ 48 – 50%, rồi từ 50% đến 55% và từ 55% đến 60% là ngưỡng cuối cùng. Từng ngưỡng một họ có từng cấp độ cảnh báo và cách kiểm soát khác nhau và từ ngưỡng 55% đến 60% là họ ngưng vay mới, kiểm soát các khoản đầu tư của nhà nước chi từ ngân sách ra. Thậm chí người ta dừng tăng lương để kiểm soát.
Tại TPHCM vừa có than phiền rằng, có nhiều dự án ODA trong giải ngân nhưng không có lượng vốn đáp ứng, vậy thì tháo gỡ như thế nào?
Ông Trương Hùng Long: Đại diện TPHCM cũng có nêu ra việc không đẩy nhanh được tiến độ giải ngân vốn ODA. Nó xuất phát từ Luật Đầu tư công hiện nay. Theo yêu cầu Quốc hội, các khoản vay nước ngoài, vay cấp phát lại cho địa phương đều phải theo kế hoạch. Trước đây thì theo Nghị định 38 về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, chúng ta giải ngân theo tiến độ dự án thì không có phát sinh. Tức là tiến độ như thế nào thì giải ngân theo tiến độ đó. Trên thực tế chúng ta cam kết với nhà đầu tư nước ngoài thì giải ngân theo tiến độ dự án. Nhưng khi chúng ta đặt ra việc giải ngân theo kế hoạch, để đưa vào giải ngân trung và dài hạn thì có nghĩa là cấp phát. Để khắc phục, trước hết, chúng ta phải có kế hoạch sát thực tế và theo nhu cầu. Trong giai đoạn vừa rồi vừa mới ép vào cơ chế này nên phần giao kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho các bộ cũng như các ngành còn có điểm chệch choạc.
Năm 2018 dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và sự chung sức của các bộ ngành cũng đã tháo gỡ rất tích cực cho địa phương. Tôi hy vọng rằng khi có hướng dẫn từ Nghị định đồng thời kết hợp với hướng dẫn giải ngân vay ODA việc cấp phát vốn sẽ được sửa lại, chúng ta sẽ có kế hoạch sát đúng để triển khai.
Để hướng dẫn Luật Quản lý nợ công, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng dự thảo 6 Nghị định, hướng dẫn chi tiết các nội dung về nghiệp vụ quản lý nợ công. Bộ Tài chính đã phối hợp cùng Ban soạn thảo dự thảo nội dung, gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan. Vậy những nội dung nào được quan tâm nhất, thưa ông?
Ông Trương Hùng Long: Nội dung Nghị định về nghiệp vụ quản lý nợ công có những nội dung cơ bản. Thứ nhất là công cụ, quản lý nợ là nghiệp vụ mới. Nội dung này đang có sự phân vân của các địa phương. Chúng ta phải soát xét lại nội dung kế hoạch nợ công 3 năm, 5 năm, hằng năm khớp với kế hoạch 3 năm, 5 năm và hằng năm từ đó khớp nối với đầu tư công trung hạn 3 năm, 5 năm và hằng năm.
Thứ hai là trần nợ và giới hạn nợ. Tức là khi nào cần cảnh báo và áp dụng các biện pháp. Có phải các chỉ tiêu xảy ra cùng lúc thì mới áp dụng cảnh báo không, hay là ngưỡng chạm cảnh báo và biện pháp nào tương ứng với từng nội dung cũng cần phải làm rõ. Như vậy, Nghị định cần phải làm rõ các kịch bản có thể xảy ra, áp dụng biện pháp nào trong trường hợp nào... cần cụ thể hóa.
Hay với việc kiểm soát rủi ro, trước đây, Việt Nam vay nợ theo điều kiện ODA, thì nay chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi, chúng ta phải quan tâm tới lãi suất, tỷ giá…
Về việc công khai minh bạch, mọi người rất quan tâm đến cách thức công khai. Chúng ta cần công khai cho toàn dân, các cấp quản lý, cho Quốc hội và các cơ quan giám sát. Sự phối hợp giữa các cấp là phải rất rõ.
Anh Minh