CMCN 4.0 và những vấn đề về pháp lý 

(Chinhphu.vn) – Để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang bùng nổ, thì việc thiết lập một khuôn khổ pháp lý thích hợp cho các hoạt động theo mô hình mới ứng dụng công nghệ là nhu cầu thiết yếu.

 

Ảnh minh họa

Đề xuất 4 nội dung cần có quy định pháp lý

Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng Ban Chiến lược, Tập đoàn Viettel chia sẻ, cơ sở dữ liệu chính là nền tảng của hạ tầng số, đây cũng chính là điểm mấu chốt của cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có quy định cụ thể về vấn đề chia sẻ, sử dụng và tái sử dụng dữ liệu của các cơ quan nhà nước, giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước cũng như giữa doanh nghiệp với xã hội. Đây là vấn đề rất quan trọng.

“Việc chưa chia sẻ dữ liệu gây lãng phí nguồn nhân lực trong thu thập, xử lý dữ liệu, gây trùng lặp, mẫu thuẫn giữa các dữ liệu, trong khi một trong những nguyên tắc cơ bản của hạ tầng số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chính là chia sẻ thông tin dữ liệu và đồng hành trên nền tảng một dữ liệu chung thống nhất”, ông Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh.

Vấn đề thứ 2, đại diện của Tập đoàn Viettel cho biết, là chúng ta đang thiếu hành lang pháp lý về xác thực cá nhân, tổ chức, chứng thực số trên các giao dịch của môi trường mạng, đặc biệt là trong quá trình cung cấp các dịch vụ hành chính công, các dịch vụ tài chính ngân hàng, trung gian thanh toán. Việc thiếu các quy định hiện hành đang làm ảnh hưởng đến quá trình số hóa.

Hiện nay, rất nhiều dịch vụ công của các cơ quan nhà nước mới đang thực hiện số hóa một phần, sau đó vẫn có công đoạn phải nộp lại các giấy tờ bản cứng, các chứng thực bên ngoài, khiến quá trình hành chính số của công dân, tổ chức bị gián đoạn.

Thứ 3 là chúng ta đang thiếu quy định pháp lý về văn thư, lưu trữ điện tử, giá trị pháp lý của các văn bản điện tử trong giao dịch hành chính, trong các hoạt động lưu trữ. Hiện nay, cơ bản các cơ quan tổ chức vẫn phải lưu giữ song song 2 tập hồ sơ, đặc biệt là liên quan đến tài chính. Ngay như Tập đoàn Viettel vẫn còn hẳn một nhà kho để lưu trữ dữ liệu, mặc dù đã điện tử hóa nhưng vẫn phải lưu trữ bản cứng.

Thứ 4 là thiếu quy định về khai thác và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Hiện nay các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp trong quá trình hoạt động đã có được nguồn dữ liệu rất lớn từ các khách hàng, tuy nhiên việc khai thác sử dụng dữ liệu này trong hoạt động đang còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng.

 

Ông Kim Sang WooPhó Tổng Giám đốc điều hành khối Pháp chế, công ty Samsung Electronics, phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe về những chia sẻ trong chiến lược thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và giới thiệu về hệ thống chính sách, pháp luật của Hàn Quốc nhằm thích ứng trong thời đại công nghệ 4.0 từ một doanh nghiệp lớn của quốc gia này.

Theo ông Kim Sang Woo, Phó Tổng Giám đốc điều hành khối Pháp chế, công ty Samsung Electronics, chiến lược thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Hàn Quốc được chia thành 3 nội dung chính, bao gồm: Cải cách chính sách pháp luật, tăng cường cơ chế hỗ trợ và chính sách bồi dưỡng nhân tài, giải quyết vấn đề thất nghiệp.

Trọng tâm trong cải cách hệ thống pháp luật để làm nền tảng cho việc cách tân công nghệ thời đại 4.0 này cũng phải kể tới 2 khái niệm gồm: Nguyên tắc luật không cấm và đặc khu pháp lý.

“Nguyên tắc luật không cấm” là nói tới phương thức “cho phép trước, quy định sau”, trong đó cho phép làm tất cả những gì mà pháp luật không quy định rõ là cấm. “Đặc khu pháp lý” là nói tới chính sách miễn trừ áp dụng quy định trong một số khu vực địa lý đặc thù cần tập trung phát triển công nghiệp. Hàn Quốc hiện nay đã ban hành luật riêng về “Đặc khu pháp lý” và đẩy mạnh áp dụng chính sách về “Nguyên tắc luật không cấm”.

Ông Kim Sang Woo cũng nhấn mạnh, để có thể đi tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đảm bảo động lực tăng trưởng bền vững trong tương lai thì ngoài việc cải cách chính sách pháp luật, cần phải mở rộng phạm vi ưu đãi cho các lĩnh vực công nghệ có liên quan. Bên cạnh đó, nuôi dưỡng các doanh nghiệp startup quy mô nhỏ sử dụng công nghệ nền tảng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của việc tăng cường cơ chế hỗ trợ.

Chiến lược thích ứng cuối cùng có thể kể tới là việc bồi dưỡng nhân lực chuyên môn phục vụ mục đích phát triển các ngành công nghiệp liên quan và đảm bảo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Ngoài ra khi chính thức bước vào thời đại công nghiệp 4.0, dự kiến một số loại hình công việc hiện tại sẽ không còn nữa và thay vào đó sẽ xuất hiện những ngành nghề mới. Vì vậy để dự phòng trước cho những thay đổi này, cần liên tục bồi dưỡng đào tạo kỹ năng cho người lao động.

Để có thể đi vào triển khai trên thực tế những chiến lược thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, cần phải xây dựng nền tảng pháp lý một cách chi tiết, cụ thể. Hiện tại, Hàn Quốc đang tiến hành thảo luận về việc xây dựng các quy định pháp luật cho nhiều lĩnh vực đa dạng trong thời đại công nghệ 4.0, từ lĩnh vực thông tin truyền thông cho tới công nghệ tài chính…

Xử lý vấn đề mới cần giải pháp vượt ngoài tư duy truyền thống

TS. Trần Thị Quang Hồng, Trưởng Ban Nghiên cứu pháp luật Dân sự - kinh tế, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, cho biết, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật trên cơ sở nhận biết đầy đủ các khía cạnh pháp lý của công nghệ để đảm bảo doanh nghiệp theo mô hình mới hay mô hình truyền thống đều kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng. Việc phát huy vai trò của công nghệ chỉ để tạo ra những lợi thế về chất lượng và giá cả của hàng hoá dịch vụ, tránh tối đa nguy cơ pháp luật không thích ứng được bởi công nghệ, dẫn đến một môi trường pháp lý kinh doanh trở nên không bình đẳng do một số doanh nghiệp có thể dựa vào công nghệ để không phải tuân thủ những ràng buộc pháp lý nhất định trong khi những doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình truyền thống lại phải tuân thủ.

Ví dụ của hiện tượng này chính là sự khác biệt về mặt quy chế quản lý giữa kinh doanh taxi truyền thống và taxi công nghệ. Pháp luật cần nhanh nhạy hơn về mặt công nghệ để tránh lặp lại những trường hợp như vậy, bảo đảm sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thực sự là cạnh tranh bình đẳng.

Trong phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn  Xuân Phúc nhấn mạnh, một trong những điều quan trọng là tư duy làm chính sách, pháp luật trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tức là xử lý các vấn đề mới cần những giải pháp vượt ra ngoài tư duy truyền thống. Muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì bản thân chính sách, cơ chế cũng phải sáng tạo. Chúng ta cần ủng hộ về nguyên tắc việc triển khai các mô hình kinh doanh mới nhưng phải kịp thời nâng cao năng lực quản lý, theo kịp với những biến chuyển rất nhanh của tình hình.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để đánh giá rõ hơn tính tương thích với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và kịp thời có đề xuất hướng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Trước mắt nên tập trung rà soát, đề xuất khung pháp lý thử nghiệm, và các Nghị định thí điểm của Chính phủ đối với từng ứng dụng cụ thể, vừa tạo điều kiện cho hoạt động đổi mới sáng tạo được diễn ra thuận lợi, nhưng vừa bảo đảm lợi ích chung của cộng đồng và các yêu cầu về quản lý nhà nước, nhất là yêu cầu đảm bảo an ninh chính trị, an ninh tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thuý Hà

311 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 992
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 992
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87136648