Bà không chỉ là “người mẹ tinh thần” mà còn là cầu nối giữ mối hòa hảo giữa các dân tộc thiểu số nơi cực Tây Quảng Trị.
Bà Hồ Thị Phuôn là nữ già làng đầu tiên của đồng bào rẻo cao Quảng Trị, chuyện chưa có tiền lệ
Kế nghiệp chồng dẫn dắt dân làng
Khi chúng tôi vừa đặt chân đến căn nhà sàn của bà Hồ Thị Phuôn ở thôn Pa Tầng, xã miền núi Đakrông (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị), cũng là lúc cơn mưa chiều quấn mù cả góc rừng đại ngàn.
Trên bậc thang cao, già Phuôn vồn vã đón khách bằng nụ cười hồn hậu. Năm nay đã bước sang tuổi 68 nhưng già Phuôn vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, dẻo dai và rắn chắc như cây rừng.
Sẽ chẳng có gì đặc biệt, nếu như già Phuôn không phải là người phụ nữ đầu tiên được dân làng bầu làm già làng, điều chưa có tiền lệ trong mỗi bản làng của người Pa Cô, Vân Kiều.
Nhấp tẩu thuốc được làm bằng tre nứa, già Phuôn chậm rãi kể, bản thân đảm nhận vị trí già làng đã được 7 mùa rẫy.
Dạo ấy, vào một đêm đèn đuốc sáng trưng, các vị cao niên cùng đông đảo bà con Pa Tầng quần tụ bên bếp lửa nhà sàn, họp bàn để chọn ra người kế vị vì già làng của thôn vừa khuất núi. Đó là ông Hồ Văn Thọ, chồng bà Phuôn.
Theo quan niệm từ xưa đến nay, vị trí già làng là sự tiếp nối trong một dòng họ, cha truyền con nối.
Tuy nhiên, 4 người con trai của già làng cũ đều còn trẻ, chưa đủ kinh nghiệm, trong khi yêu cầu người kế vị phải biết “nói chuyện” với thần linh, thông thạo các bài cúng, khấn bằng thổ ngữ, biết xin Giàng (trời - PV) cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân bản bình yên.
Sau khi cân xét, hẳn nhiên chỉ có duy nhất bà Phuôn là có uy tín cao. Thế nên, cả bản đồng thuận và chỉ định bà đảm đương vị trí này.
“Cả bản tin tưởng giao trọng trách nên mẹ không từ chối được. Người không hiểu thì cho là đơn giản nhưng kỳ thực thì cũng lắm chuyện phải nghĩ, phải làm”, già Phuôn cười nói.
Cứ thế mỗi năm vài bận, bà Phuôn đứng ra làm chủ tế cho làng, những bài cúng khấn thần linh được bà thực hiện một cách thuần thục và bài bản.
Ví như lúc gieo hạt, muốn cây cối tươi tốt, mưa thuận gió hòa thì thực hiện nghi lễ Pủ-pơ; khi thu hoạch lúa từ nương rẫy về nhà thì làm lễ cúng lúa mới, hay còn gọi là lễ Cha-đôi-ta-may...
Lễ cúng thường bắt đầu vào sáng sớm và kết thúc lúc non trưa. Còn lễ vật dâng lên những lúc cúng Giàng, cúng thần ánh sao, thần rừng, thần đất… thường là heo, gà, gạo, hoa quả và bánh trái truyền thống. Năm nào làng tổ chức to, lễ vật có thể là con trâu, con bò...
Nói dân nghe, làm dân tin
Uy tín của già Phuôn đối với người dân rất cao, bởi luôn gương mẫu đi đầu, vận động và giúp bà con phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục lạc hậu
Đối với bà con rẻo cao, “người phụ nữ quyền lực” già Phuôn biểu hiện cho ý chí quyết tâm vượt khó, sự chia sẻ và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng.
Những năm trước đây, vùng quê Pa Tầng nghèo lắm, xơ xác vì bom đạn. Đã vậy, người dân nơi đây còn bị ràng buộc bởi biết bao hủ tục lạc hậu khiến cuộc sống càng thêm lam lũ.
Thấu hiểu được sự vất vả, khó khăn đó, già Phuôn quyết tâm phải làm một “cuộc cách mạng” để thoát khỏi “giặc nghèo”, làm gương cho bà con noi theo.
Nói là làm, bà Phuôn cùng chồng tích cực phát quang cây cối, mở rộng diện tích đất sản xuất.
Khi cây lúa, cây ngô, sắn phủ xanh khắp các thửa ruộng, triền nương, hai ông bà tiếp tục đào thêm hồ để nuôi cá, nuôi con trâu, con bò… Vì thế, đời sống ngày một đủ đầy, sung túc hơn.
Bà cũng không giấu “nghề” mà còn nhiệt tình truyền đạt lại kiến thức về trồng trọt và chăn nuôi cho dân làng.
Già Phuôn có tất thảy 6 người con, gồm 4 trai, 2 gái. Được tôi rèn từ nhỏ nên con cái của bà ai cũng tử tế, nhiều người còn giữ chức vụ quan trọng trong thôn, xã, còn lại đều là những người làm kinh tế giỏi.
Giờ đây, uy tín của già Phuôn đối với người dân cao hơn đỉnh Voi Mẹp, sâu hơn đáy dòng Sê Pôn. Mỗi lời già nói đều được người dân răm rắp nghe theo.
Trong vai trò là “người mẹ tinh thần”, gần như mọi việc lớn nhỏ trong bản, từ tổ chức các ngày lễ hội, cưới hỏi, cho đến giải quyết các tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia đình… đều được già Phuôn đứng ra giải quyết, phân xử, đúng sai rõ ràng.
Chính quyền địa phương cần hỗ trợ tuyên truyền, vận động hay nhắc nhở dân làng việc gì cũng tìm đến già để làm cầu nối.
“Già Phuôn thực sự là ngọn đuốc dẫn đường của bản Pa Tầng. Người dân địa phương rất tự hào về già Phuôn, nên già nói gì ai cũng nghe, làm gì ai cũng tin”, ông Hồ Văn Chiến, một người dân trong thôn cho hay.
Mong mỏi một con đường
Nhấp chén chè xanh, già Phuôn bồi hồi nhớ về một đêm cách đây nhiều năm về trước, ấy là lúc một người trong làng hớt hải đập cửa nhà bà nói rằng: “Nguy rồi già Phuôn ơi, trai bản ta đi chơi hội có xảy ra va chạm giao thông với thanh niên làng bên. Đánh nhau to rồi”.
Nghe vậy, già Phuôn chưa kịp ăn tối liền vội bỏ chén, chạy ngay đến khuyên ngăn, hòa giải. Tiếng nói già Phuôn có trọng lượng nên mọi chuyện đã được bà phân xử, giải quyết êm ấm.
“
Già làng Hồ Thị Phuôn không chỉ là người con ưu tú của Pa Tầng mà còn là niềm tự hào của đồng bào Vân Kiều sống trên đỉnh Trường Sơn. Trong cuộc sống, bà luôn gương mẫu đi đầu, vận động và giúp bà con phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân địa phương. Với sự cống hiến không ngừng nghỉ, đầy trách nhiệm, bà thực sự là “ngọn đuốc dẫn đường” cho dân bản rẻo cao này.
Ông Hồ Văn Xa Ơn, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Pa Tầng
”
Già Phuôn tâm sự, tình hình trật tự, ATGT ở khu vực miền núi rất phức tạp, do nhận thức chưa cao nên bà con thường vi phạm các lỗi như: Không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, hay uống rượu, bia khi đi xe máy.
Thấy rõ điều này, tại các cuộc họp thôn, bà luôn phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng công an tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt về trật tự ATGT để dân nghe, dân hiểu, dân làm theo.
Nhờ vậy, những năm gần đây, tình hình ổn định hơn. Xã Đakrông có 8 thôn thì thôn Pa Tầng là bình yên nhất.
Ông Hồ Văn Xa Ơn, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Pa Tầng cho biết, cả thôn có 96 hộ dân với gần 400 nhân khẩu là người Vân Kiều.
Từ khi bà Phuôn lên làm già làng, đàn ông không có ai nghiện ma túy, rượu chè bê tha. Đàn bà thì siêng năng làm lụng, con em không ai bỏ học giữa chừng, cũng không còn nạn tảo hôn...
Bóng dáng nữ già làng đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền vận động người dân đủ mọi phong trào từ lâu đã trở nên quen thuộc với mọi người.
Dù vậy, vẫn còn một điều mà già Phuôn đau đáu: “Pa Tầng chỉ có 1 tuyến đường bê tông dài 150m, rộng 2m, còn lại là đường đất hết. Nay nhiều điểm đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng rồi.
Mỗi độ thu hoạch nông sản, bà con phải cuốc bộ hàng tiếng đồng hồ mới đưa được từ nương rẫy về nhà. Mẹ cũng trăn trở lắm”.
Đông Hiền