Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển 

Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết “Về công tác Dân số trong tình hình mới”. Đây là lần thứ ba, Đảng ta bàn và quyết định về công tác dân số.

Lần thứ nhất, sau 12 năm thực hiện Quyết định số 261/CP, ngày 26/12/1961 về sinh đẻ có hướng dẫn của Chính phủ; tuy nhiên, những kết quả đạt được còn thấp so với yêu cầu. Chính vì vậy, Hội nghị lần thứ tư, BCH Trung ương khoá VII đã ra Nghị quyết “Về chính sách dân số và KHH-GĐ”. Đây là lần đầu tiên Đảng ta đặt vấn đề dân số trên cả 3 mặt: quy mô, cơ cấu và phân bố dân cư. Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết này, với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân, chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình đã thực sự đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả quan trọng: nhận thức của toàn xã hội đã có bước chuyển biến rõ rệt, quy mô gia đình có một hoặc hai con được chấp nhận ngày càng rộng rãi; nhịp độ gia tăng dân số nhanh đã được khống chế, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ trên 3,5 con năm 1992, xuống 2,28 con năm 2002, tỉ lệ tăng dân số giảm tương ứng từ hơn 2% còn 1,32%. Kết quả của công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình đã góp phần rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã hội, tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm, xóa đói, giảm nghèo và nâng cao mức sống của nhân dân. Với những thành tựu của công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình, năm 1999, Việt Nam đã được nhận Giải thưởng Dân số của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, từ sau năm 2000 việc thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình chững lại và giảm sút. Đặc biệt, trong hai năm 2003 và 2004, tỉ lệ phát triển dân số, tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên tăng mạnh. Tình hình này đã làm mục tiêu nhanh chóng đạt mức sinh thay thế, tiến tới ổn định quy mô dân số nước ta ở mức 115-120 triệu người vào giữa thế kỷ XXI” để nâng cao chất lượng dân số Việt Nam về thể chất, trí tuệ, tinh thần, cơ cấu nhằm đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước khó đạt được như Nghị quyết đề ra.

Đó là lý do Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành Nghị quyết “ Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS/KHHGĐ”. Đây là lần thứ hai, Đảng ta ban hành Nghị quyết để lãnh đạo công tác dân số. Nội dung của Nghị quyết lần này, tập trung làm rõ và sâu sắc hơn các quan điểm, chính sách DS/KHHGĐ đã nêu tại Nghị quyết số 04-NQ/TW (Hội nghị Trung ương VII).

Sau 25 năm thực hiện hai nghị quyết nói trên công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế sớm 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết đề ra và tiếp tục duy trì cho đến nay. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,4 tuổi (năm 2016), cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức về dân số và kế hoạch hoá gia đình của các cấp, các ngành và toàn dân có bước đột phá. Mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực, lan toả, thấm sâu trong toàn xã hội. Dịch vụ dân số và kế hoạch hoá gia đình được mở rộng, chất lượng ngày càng cao.

Cùng với cả nước, công tác DS/KHHGĐ tỉnh ta cũng đạt nhiều kết quả quan trọng: tỷ suất sinh tỉnh ta giảm từ 18,1 %o (2010) xuống còn 15,8%o (2016); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 22,50 (2010) xuống còn 18,9% (2015); tỷ lệ các cặp vợ chồng chấp nhận các biện pháp tránh thai đạt trên 64% ; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên năm 2017 xuống còn 1,08 %. Tổng tỷ suất sinh giảm từ 2,86 con (năm 2009) xuống còn 2,48 con (năm 2017). Tuổi thọ trung bình năm vào khoảng trên 68 tuổi; Tỷ số giới tính khi sinh 112,2 trẻ em nam/100 trẻ em nữ. Tổ chức bộ máy làm công tác DS/KHHGĐ được kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở. Nguồn lực đầu tư, được tăng dần qua các năm. Tuy vậy, công tác DS/KHHGĐ tỉnh ta cũng đang đối mặt với những thách thức không nhỏ, đó là: Tổng tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của tỉnh ta đang trên mức trung bình của cả nước và có chênh lệch khá cao giữa các vùng. Điều đáng quan tâm là tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên hàng năm có giảm nhưng giảm chậm. Trong lúc đó, số cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 trở lên tuy chiếm tỷ lệ không cao so với tổng số người sinh con thứ 3, nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đến công tác vận động thực hiện DS/KHHGĐ. Về tổ chức bộ máy vẫn còn một số đơn vị chưa bố trí đủ số lượng theo Nghị quyết 06/HĐND tỉnh; đội ngũ cán bộ dân số cấp huyện thiếu ổn định, nên phần nào đã ảnh hưởng đến kết quả công tác chỉ đạo, điều hành. Hoạt động cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của đối tượng nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Quán triệt quan điểm chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển theo tinh thần Nghị quyết Trung ương sáu (khóa XII) thiết nghĩ cần:

1. Tổ chức học tập, nghiên cứu sau các quan điểm, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu đã được nêu tại Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017, của BCH Trung ương (khoá XII) “về công tác dân số trong tình hình mới; gắn với Nghị quyết số 11/2017/NQ-HĐND ngày 29/7/2017 của HĐND tỉnh “Về chính sách dân số và KHHGĐ tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030; để cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò và tầm quan trọng bước chuyển của công tác DS/KHHGĐ trong thời kỳ mới.

2. Xây dựng các văn bản để triển khai công tác DS/KHHGĐ.

Theo chương trình công tác quý I/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ ban hành văn bản cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương, làm cơ sở để các đơn vị địa phương tổ chức, triển khai thực hiện. Để các văn bản có chất lượng, ngay từ bây giờ các cơ quan đơn vị  cần tiến hành điều tra thực trạng tại địa phương về đặc điểm tự nhiên, tình hình kinh tế, xã hội, về tình hình dân số - kế hoạch hóa gia đình, nhất là xu hướng về dân số và tình hình thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trong quá trình tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật dân số của Nhà nước thời gian qua để khi bắt tay xây dựng chương trình kế hoạch sẽ đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.

3. Nâng cao năng lực tham mưu về công tác DS/KHHGĐ.

Với vai trò là lực lượng nòng cốt tham mưu cho Đảng và chính quyền để chuyển trọng tâm của công tác dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, đội ngũ làm công tác dân số cần phải được củng cố, kiện toàn, từng bước nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và ngày càng chuyên nghiệp.

4. Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia công tác dân số, tạo điều kiện thuận lợi để mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn thể cộng đồng tự nguyện và chủ động tham gia công tác dân số. Tăng cường giám sát việc thi hành nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích và nghĩa vụ hợp pháp của công dân đồng thời nghiêm túc xử lý các trường hợp vi phạm chính sách DS/KHHGĐ. Trí Ánh

1357 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 715
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 715
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76779897