Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả nổi bật trong chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc?
Chiều tối ngày 28/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Singapore và dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32 đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chương trình chuyến đi.
Chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công tốt đẹp, trên nhiều phương diện.
Thủ tướng Lý Hiển Long và các lãnh đạo Singapore dành cho Thủ tướng và đoàn Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, chu đáo và thân tình. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có hàng loạt các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức như: Chào Tổng thống, hội đàm với Thủ tướng Singapore; chứng kiến lễ ký các văn kiện và dự Diễn đàn Doanh nghiệp, đối thoại với các Chủ tịch/Tổng giám đốc các doanh nghiệp hàng đầu của Singapore và các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở tại Singapore; tọa đàm với các trí thức Singapore và Việt Nam về ứng dụng công nghệ 4.0 trong xây dựng chính phủ kiến tạo, thăm các gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Quốc tế 2018 về khách sạn và ẩm thực, thăm các cơ sở kinh tế-giáo dục lớn như cảng biển, logistic, Trường Đại học Quản lý Singapore và trao đổi với sinh viên Việt Nam, gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Singapore.
Một số kết quả nổi bật của chuyến thăm như sau:
Thứ nhất, qua chuyến thăm, mức độ tin cậy cao trong quan hệ hai nước sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược càng được củng cố và tăng cường. Sự tin cậy, gắn bó và chia sẻ tầm nhìn chung về mục tiêu phát triển, các vấn đề an ninh chiến lược là cơ sở quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ trên tất cả các kênh và các lĩnh vực, đóng góp tích cực cho sự phát triển của mỗi nước.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác an ninh - quốc phòng, nhất là an ninh mạng; xây dựng ASEAN đoàn kết, tự cường, sáng tạo, duy trì vai trò trung tâm trong các cấu trúc khu vực. Hai bên chia sẻ lập trường chung của ASEAN về Biển Đông là duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS), ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và ràng buộc.
Thứ hai, chuyến thăm đã tạo khuôn khổ liên kết mới trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và Singapore đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới, mức độ hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực cũng như quốc tế nhất là đã cùng các nước thành viên ký kết Hiệp định CPTPP và đang tích cực đàm phán nhiều hiệp định/thỏa thuận hợp tác khu vực khác như RCEP, các FTAs. Các cam kết của Singapore về ưu tiên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch, giải pháp đô thị, nông nghiệp, khuyến khích các dự án chung giữa doanh nghiệp hai nước để tận dụng công nghệ tiên tiến và lợi thế chuyên môn về thương mại nông sản của Singapore sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ cho doanh nghiệp ta tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mang lại lợi ích lâu dài, bền vững cho người dân.
Hai Thủ tướng cũng đạt nhất trí cao trong tiếp tục tăng cường hợp tác giáo dục đào tạo (tiếng Anh và dạy nghề), tài chính, dịch vụ dầu khí, khoa học-công nghệ…
Thứ ba, là sự tái khẳng định mạnh mẽ của Chính phủ về chính sách đối với cộng đồng người Việt tại nước ngoài, đặc biệt là sự trân trọng, khuyến khích các trí thức, chuyên gia Việt Nam tại nước ngoài đóng góp xây dựng chính sách phát triển đất nước và các biện pháp hỗ trợ du học sinh trở về khởi nghiệp.
|
Thủ tướng phát biểu tại cuộc gặp gỡ sinh viên Đại học Quản lý Singapore. Ảnh: VGP |
Thủ tướng đã có cuộc tọa đàm với gần 30 trí thức lớn tại Singapore, trong đó có nhiều giáo sư, tiến sĩ gốc Việt để lắng nghe các ý kiến đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước, xây dựng Chính phủ kiến tạo trong thời đại công nghiệp mới.
Trong buổi buổi nói chuyện thân tình với sinh viên Việt Nam tại Đại học Quản lý Singapore, Thủ tướng khuyến khích các em trở về xây dựng đất nước, khẳng định các cam kết rất thiết thực của Chính phủ về tạo môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp. Gần 10.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Singapore cùng với một lực lượng đáng kể trí thức, chuyên gia người Việt tại đây thực sự là nguồn nhân lực quý cho đất nước trong quá trình phát triển và hội nhập của đất nước ta.
Cuối cùng, thông qua việc nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm về cách mạng công nghiệp lần thứ tư và logistics, hai bên đã nhất trí các định hướng hợp tác lớn về xây dựng chương trình, kế hoạch tổng thể nghiên cứu về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cơ hội, thách thức đặt ra với Chính phủ cũng như với doanh nghiệp.
Singapore cam kết hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực nhằm tận dụng được công nghệ mới. Việc nâng cao năng lực cần chú trọng cả năng lực cứng là xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật (áp dụng số hóa, trí tuệ nhân tạo, máy móc tự động) và năng lực mềm là năng lực quản trị, điều hành, song song với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua hợp tác đào tạo (như nghiên cứu mở trường đào tạo logistics của Singapore tại Việt Nam).
Xin Thứ trưởng cho biết, trong lĩnh vực kết nối hai nền kinh tế, hai Thủ tướng đã nhất trí sẽ tăng cường hợp tác ở những lĩnh vực gì?
Một điểm nhấn của chuyến thăm là tạo khuôn khổ kết nối chặt chẽ giữa Chính phủ với doanh nghiệp và doanh nghiệp với doanh nghiệp hai nước. Diễn đàn Doanh nghiệp với con số kỷ lục lên tới gần 700 đại biểu tham gia thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới kết nối hai nền kinh tế. Hai bên đã ký kết hơn 20 văn kiện, thỏa thuận hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực thiết yếu như khí hóa lỏng, khí ga, nông nghiệp, hàng không, quy hoạch đô thị, tổ hợp du lịch-khách sạn, giá trị lên tới gần 3 tỷ USD.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng và các doanh nghiệp Việt Nam có dịp tìm hiểu thị trường, cơ hội kinh doanh và ký kết các thỏa thuận hợp tác mới; đồng thời, Thủ tướng cũng lắng nghe các tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp đang và dự kiến kinh doanh tại Việt Nam và đề ra phương hướng giải quyết một số vấn đề tồn đọng, thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam về tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng, an toàn, hấp dẫn.
Sự quan tâm và tinh thần “Nói là làm” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tác động mạnh mẽ tới cả chính giới và cộng đồng doanh nghiệp ở Singapore. Các doanh nghiệp khẳng định, với sự nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong chính sách và điều hành, sẽ tiếp tục gia tăng đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là vào những lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao và đón bắt được xu hướng phát triển mới thời công nghệ kỹ thuật số như năng lượng sạch, công nghệ cao, thành phố thông minh, nền kinh tế số. Chuyến thăm đã mở cánh cửa hợp tác về khoa học công nghệ, khởi nghiệp, cảng biển và logistic giữa hai nước mà Singapore có lợi thế đi đầu và Việt Nam đang có nhu cầu ứng dụng để phát triển.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nước ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32. Ảnh: VGP |
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này, các nhà lãnh đạo đã trao đổi về cách mạng 4.0 và Mạng lưới các thành phố ASEAN thông minh. Vậy các nhà lãnh đạo đã đưa ra được những định hướng gì, thưa Thứ trưởng?
Cách mạng 4.0 mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra thách thức đối với ASEAN. Để thích ứng tốt với xu thế mới, các Lãnh đạo cho rằng ASEAN cần đảm bảo tính tự cường, phát huy sáng tạo, tận dụng tối đa cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các lĩnh vực ưu tiên hợp tác gồm thúc đẩy nền kinh tế số, quản trị số, mở rộng thương mại điện tử, tăng khả năng tiếp cận thông tin của người dân thông qua công nghệ số v.v. Đây là những lĩnh vực có tiềm năng lớn, phù hợp với nhu cầu phát triển của ASEAN.
Mạng lưới các thành phố ASEAN thông minh (ASCN) là sáng kiến của Chủ tịch Singapore, nhằm cụ thể hóa chủ đề ưu tiên của năm với mục đích kết nối các đô thị trong khu vực ASEAN, thúc đẩy đô thị hóa thông minh thông qua áp dụng công nghệ mới và nâng cao kỹ năng quản lý đô thị, cải thiện cuộc sống người dân. Phát triển đô thị thông minh sẽ dựa trên các khía cạnh: giao thông, quản lý nguồn nước, năng lượng, y tế, giáo dục, dịch vụ công, công nghệ thông tin… Mỗi thành phố tham gia mạng lưới sẽ xây dựng kế hoạch hành động của mình và thúc đẩy các dự án khả thi, phù hợp với nhu cầu và quan tâm riêng, trên cơ sở bổ trợ lẫn nhau. Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cùng 23 thành phố khác trong ASEAN đã đăng ký tham gia Mạng lưới này.
Thưa Thứ trưởng, tại Hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo ASEAN có quan điểm như thế nào về tình hình Biển Đông và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông?
Tại Hội nghị lần này, tình hình Biển Đông tiếp tục là chủ đề được các nước quan tâm, trao đổi.
Các nhà lãnh đạo ASEAN tiếp tục khẳng định việc duy trì hoà bình, an ninh, và ổn định ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của các quốc gia ở khu vực.
Nhận định tình hình Biển Đông trên thực tế vẫn còn phức tạp, các nhà Lãnh đạo nhấn mạnh ASEAN cần đoàn kết, vững vàng, tiếp tục đề cao lập trường và các nguyên tắc chung đã nhất trí về Biển Đông như: bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, không sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực, kiềm chế, không quân sự hoá, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Các nhà lãnh đạo hoan nghênh tiến triển tích cực ban đầu của tiến trình đàm phán xây dựng COC, thể hiện qua kết quả của Cuộc họp cấp làm việc giữa ASEAN và Trung Quốc tổ chức tại Nha Trang tháng 3 vừa qua; nhấn mạnh cần xây dựng COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và có khả năng điều chỉnh hành vi ứng xử của các bên liên quan, đóng góp xây dựng 1 trật tự khu vực dựa trên luật lệ, vì khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có những đóng góp cụ thể như thế nào tại Hội nghị?
Đoàn Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia các phiên thảo luận và đóng góp xây dựng văn kiện của Hội nghị. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ủng hộ cao chủ đề và các ưu tiên của ASEAN năm 2018, chia sẻ một số phương hướng tăng cường hợp tác ASEAN và với các đối tác trên tinh thần phát huy tự cường và sáng tạo của ASEAN.
Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN cần nâng cao năng lực tự cường trên cả 3 trụ cột, trong đó, để có được sức mạnh tự cường tập thể, đoàn kết và thống nhất là then chốt. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho rằng tự cường kinh tế, tài chính và xây dựng một cộng đồng ASEAN tự cường trước các thách thức ảnh hưởng đến cuộc sống người dân như thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh v.v. đóng vai trò quan trọng. Thủ tướng nhất trí ASEAN cần thúc đẩy phát triển sáng tạo và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng 4.0, ủng hộ triển khai sáng kiến Mạng lưới các thành phố ASEAN thông minh.
Về tình hình khu vực và quốc tế, Thủ tướng cùng nhà lãnh đạo ASEAN hoan nghênh kết quả tích cực của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4; cho rằng ASEAN cần tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực thúc đẩy hợp tác, đối thoại và xây dựng lòng tin trên cơ sở lập trường và nguyên tắc đã có vấn đề Biển Đông, nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu quả, ràng buộc pháp lý, nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác tại Biển Đông.
Liên quan đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Thủ tướng cho rằng các sáng kiến hợp tác mới được đề xuất ở khu vực cần đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển, tôn trọng vai trò trung tâm và các nguyên tắc, giá trị cơ bản của ASEAN./.
Đức Tuân